Khó triệt phá "thiên đường trốn thuế"

Thứ Năm, 29/09/2016, 08:36
Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) lại vừa công bố một bộ dữ liệu gồm 1,3 triệu tập tin liên quan tới gần 176.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại quốc gia vùng Caribbean Bahamas, một "thiên đường trốn thuế" mới bị "lộ sáng". 


Cũng giống như vụ rò rỉ tài liệu mật "Hồ sơ Panama", tờ Suddeutsche Zeitung của Đức tiếp tục là nơi chia sẻ thông tin với ICIJ và lần này tài liệu có tên gọi là "Hồ sơ Bahamas". Theo đó, những công ty và quỹ tài chính nước ngoài đăng ký tại Bahamas có từ những năm 1990 của thế kỷ trước và hoạt động tới đầu năm nay.

Giám đốc điều hành ICIJ, ông Gerard Ryle tuyên bố, ICIJ cảm thấy cần phục vụ công chúng khi công khai những thông tin cơ bản này. Và các nhà báo trên thế giới sẽ tiếp tục khui ra những bí mật được che đậy. Tuy việc tiết lộ "thiên đường trốn thuế" lần này không thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận giống như vụ rò rỉ tài liệu mật "Hồ sơ Panama", nhưng những thông tin trong "Hồ sơ Bahamas" đang giúp các chính phủ hữu quan có cơ sở để hoạch định công việc của họ.

Thiên đường trốn thuế.

Theo giới truyền thông, một trong những nguyên nhân khiến người ta không hào hứng đối với "Hồ sơ Bahamas" bởi dữ liệu không chi tiết như "Hồ sơ Panama". Ngoài ra, "Hồ sơ Bahamas" tuy cũng bắt nguồn từ Công ty luật Mossack Fonseca, nhưng đây không phải là địa chỉ duy nhất cung cấp dịch vụ tài chính này, khi có tới 539 đại lý.

Danh tính đầu tiên được ICIJ công bố trong "Hồ sơ Bahamas" là chính trị gia người Hà Lan Neelie Kroes, Giám đốc của một công ty ở Bahamas từ 2000 đến 2009. Tuy là ủy viên Hội đồng cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn 2004-2010, nhưng bà Neelie Kroes lại không thông báo (theo quy định của EU, ủy viên phải khai báo tất cả các lợi ích kinh tế của họ trong 10 năm trước đó) về mối liên hệ với công ty ở Bahamas khi kê khai tài chính cá nhân.

Theo lý giải của bà Neelie Kroes - không công khai việc làm Giám đốc công ty bởi nó chưa bao giờ hoạt động và do "sơ suất đánh máy" nên tên của bà tiếp tục xuất hiện trong các hồ sơ cho đến năm 2009. Người được "bêu tên" tiếp theo là cựu Bộ trưởng Năng lượng Colombia Carlos Caballero Argaez. Ông Carlos Caballero Argaez làm Bộ trưởng Năng lượng từ 1999 đến 2001, và trong thời gian này vẫn giữ ghế Chủ tịch và thư ký của một công ty ở Bahamas (1997- 2008) và Giám đốc của một công ty khác (1990-2015).

Nhưng theo giải trình của ông Carlos Caballero Argaez, việc thành lập công ty tại Bahamas là theo tư vấn pháp lý và không phải vì mục đích trốn thuế. Trong "Hồ sơ Bahamas" cũng thấy xuất hiện danh tính của Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd, và chính trị gia, người có thể trở thành Thủ tướng Mông Cổ Sukhbaatar Batbold.

Theo giới truyền thông, nhiều chính trị gia và doanh nhân tiếp tục bị "lộ sáng" sau khi "Hồ sơ Bahamas" được công bố hôm 21-9. Theo tờ The Guardian và tờ The New Indian Express, có 475 cái tên trong "Hồ sơ Bahamas" liên quan tới các cá nhân, quỹ và doanh nghiệp ở Ấn Độ. Hơn 230 cái tên ở Nhật Bản, cùng hàng nghìn danh tính ở Canada xuất hiện trong "Hồ sơ Bahamas".

Hồ sơ Panama.

Nhiều chuyên gia tuyên bố, so với Thụy Sĩ, Bahamas hiện là một trong những "thiên đường trốn thuế". Giới chuyên môn cho biết, không giống như quần đảo Cayman và Jersey, Bahamas đáp ứng trước sức ép công chúng trong việc yêu cầu chủ sở hữu lợi ích đăng ký. Nhưng người ta không thể tìm thấy tên của giám đốc từ tên công ty và việc này khiến cho công tác theo dõi những hoạt động sai trái trở nên khó khăn.

Được biết, Bahamas đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin với 32 quốc gia như Anh, Đức, Pháp, Mỹ... nhưng không thực hiện việc này từ năm 2013. Sau khi "Hồ sơ Bahamas" được tiết lộ, Bộ Dịch vụ Tài chính Bahamas cam kết sẽ minh bạch mọi thông tin. "Bahamas không chịu nổi tiền bẩn. Quốc gia chúng tôi có một lịch sử lâu dài trong việc tôn vinh các nghĩa vụ quốc tế, trong đó có hợp tác với cơ quan hải quan quốc tế thực hiện điều tra hoặc thu hồi thông qua các kênh thích hợp", đại diện Bộ Dịch vụ Tài chính Bahamas khẳng định.

Ủy ban châu Âu vừa quyết định mở cuộc điều tra về thỏa thuận giữa Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp với Luxembourg để thực hiện hành vi trốn thuế. EC nêu rõ nghi ngờ Luxembourg đã dành cho Tập đoàn GDF Suez (hiện là Engie) nhiều ưu đãi thuế hơn so với các doanh nghiệp khác, và việc này vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về sự trợ giúp nhà nước.

Cuộc điều tra kể trên nhằm vào các thỏa thuận ưu đãi thuế được ký từ tháng 9-2008 giữa Luxembourg và GDF Suez. Bộ Tài chính Luxembourg khẳng định, sẽ cung cấp tất cả thông tin được yêu cầu, nhưng nhấn mạnh không có ưu đãi đặc biệt nào dành cho GDF Suez. Đây là vụ việc mới nhất sau hàng loạt vụ điều tra trốn thuế nhằm vào Amazon, McDonald's, và Fiat tại “thiên đường trốn thuế” Luxembourg.

Quốc Dũng
.
.
.