Khi nghe lén được hợp pháp hoá

Thứ Năm, 30/07/2015, 08:00
Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng ngày 23/7, Hội đồng Hiến pháp quốc gia, cơ quan có thẩm quyền tối cao về luật của Pháp, vẫn thông qua đạo luật cho phép các cơ quan tình báo Pháp có nhiều thẩm quyền hơn trong thu thập thông tin cá nhân.

Theo luật mới, các cơ quan tình báo có thể sử dụng thiết bị IMSI Catcher để ghi âm các cuộc nói chuyện trên điện thoại, internet, tin nhắn trong một khu vực nhất định để phục vụ công tác điều tra.

Ngoài ra, luật cũng cho phép các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet giám sát dữ liệu thu thập được (như thời gian, địa điểm) mà không có nội dung cụ thể bất kỳ cuộc hội thoại nào. Và nhân viên an ninh có thể theo dõi sau khi nhận được hướng dẫn của một cơ quan giám sát đặc biệt vừa được thành lập. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) đã bày tỏ lo ngại về việc các cơ quan tình báo và an ninh Pháp sẽ có thẩm quyền rộng rãi trong hoạt động theo dõi, kể cả việc thực hiện các cuộc nghe lén bên trong và ngoài nước Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn lo lắng điện thoại bị nghe trộm.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới (22/7), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer cho biết, Berlin không hài lòng với Washington sau tiết lộ của Wikileaks có liên quan đến hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đối với quan chức ngoại giao Đức. Đức yêu cầu Mỹ phải có câu trả lời chính thức về vấn đề này.

Theo ông Martin Schaefer, nếu những tiết lộ kể trên là thật, nó sẽ "hủy hoại" mối quan hệ đồng minh Đức-Mỹ. Berlin đã đưa ra phản ứng kể trên sau khi tờ Sueddeutsche Zeitung (Nam Đức) và hãng truyền thông NDR và WDR của Đức đưa tin, NSA đã nghe trộm điện thoại của Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier từ đầu năm 2005, khi ông đảm nhiệm cương vị này nhiệm kỳ đầu tiên.

Khi phát biểu với tờ Tấm gương, ông Frank-Walter Steinmeier từng yêu cầu Mỹ phải trung thực và cởi mở trong hợp tác tình báo. Hãng Reuters dẫn thông tin từ WikiLeaks cho rằng, có tới 125 chính trị gia và quan chức hàng đầu của Đức nằm trong tầm ngắm của NSA. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Đức Der Spiegel, ông Julian Assange, người sáng lập trang web WikiLeaks thông báo, WikiLeaks sẽ sớm công bố nhiều bí mật mới gây chấn động thế giới.

Ông Julian Assange từng đề nghị giúp đỡ Ủy ban Quốc hội Đức phụ trách điều tra hoạt động do thám của NSA làm rõ những nghi vấn kể trên. Và đảng Xanh cùng đảng Cánh tả ở Đức đã hoan nghênh đề xuất của ông Julian Assange, nhưng để thực hiện đề xuất của chủ nhân trang WikiLeaks không hề đơn giản.

Theo bà Martina Renner, đại diện của đảng Cánh tả trong Ủy ban điều tra NSA, mọi tài liệu đều có giá trị để làm sáng tỏ hoạt động theo dõi quy mô lớn, cũng như các hoạt động do thám bất hợp pháp của NSA ở Đức, nhưng Phủ Thủ tướng Đức hiện vẫn từ chối trao cho Ủy ban điều tra các danh mục theo dõi của NSA. WikiLeaks cho rằng, NSA do thám Phủ Thủ tướng Đức từ thời ông Helmut Kohl. Bởi theo danh sách theo dõi của NSA do WikiLeaks công bố bao gồm, 56 số điện thoại, trong đó có hàng chục số là của quan chức cấp cao Phủ Thủ tướng Đức, kể cả khi Phủ Thủ tướng đóng ở Bonn hay đã chuyển về Berlin. Và điều đáng nói là có tới 2/3 số điện thoại trong danh sách được WikiLeaks công bố hiện vẫn đang sử dụng.

Truyền thông Đức cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến NSA theo dõi ông Gerhard Schroder kể cả khi không còn làm Thủ tướng Đức bởi "có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Tạp chí Tấm gương cho biết, 10 năm trước, Cục An ninh Công nghệ thông tin liên bang Đức (BSI) đã đề nghị thành viên trong Chính phủ Đức không nên dùng điện thoại cá nhân khi công tác nước ngoài, nhằm tránh nguy cơ bị nghe lén. Ngoài ra, BSI cũng khuyến cáo không cho người lạ động vào điện thoại di động của mình. Bất chấp khuyến cáo kể trên, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel khi tới Cuba và Trung Quốc vẫn sử dụng điện thoại cá nhân.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Los Angeles Times ngày 22/7 cho biết, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu nhân viên CIA Edward Snowden cho biết, muốn trở về Mỹ với một số điều kiện như không bị giam giữ hay thẩm vấn. Luật sư của Edward Snowden, ông Anatoly Kucherena cũng khẳng định, thân chủ của mình yêu nước Mỹ và muốn trở về quê hương, nhưng chỉ tiến hành việc này nếu chính quyền Washington đảm bảo không bắt cựu nhân viên CIA vào tù trong vòng 100 năm. Los Angeles Times cũng cho biết, Edward Snowden không hề xin tị nạn ở Nga, chỉ quá cảnh ở Moskva để bay sang một nước Mỹ Latin như Cuba hay Ecuador, nhưng sau khi bị Mỹ vô hiệu hóa hộ chiếu, nên cựu nhân viên CIA buộc phải ở lại xứ sở bạch dương.

Nguyễn Văn Hiếu
.
.
.