Khi mafia Italia 'vươn vòi bạch tuộc'

Thứ Năm, 09/07/2015, 14:00
Kết quả điều tra của ABC và Fairfax Media cũng cho thấy, nhiều liên lạc đã diễn ra giữa "tội phạm đã được xác định hoặc đang bị nghi ngờ" làm việc cho Ndrangheta ở xứ sở kangaroo. Hãng BBC cũng từng cho rằng, Ndrangheta đã dùng những khoản tài trợ lớn để "hợp pháp hóa bộ mặt trước công chúng" cho các hoạt động phi pháp của mình.

Theo thông tin từ Đài truyền hình ABC và hãng truyền thông Fairfax Media của Australia (29/6), băng đảng Ndrangheta, một trong những nhóm mafia Italia khét tiếng, từng có quan hệ mật thiết với một số chính trị gia Australia. Đây là kết quả điều tra chung trong 1 năm của Fairfax Media và ABC, theo đó Ndrangheta đã thâm nhập sâu vào chính quyền Australia. Mặc dù ABC và Fairfax Media không khẳng định cựu Thủ tướng Australia John Howard và bà Amanda Vanstone, cựu Đại sứ Australia tại Italia có liên quan đến mafia hay không, nhưng thông tin này cũng đang khiến dư luận xôn xao.

Kết quả điều tra của ABC và Fairfax Media cũng cho thấy, nhiều liên lạc đã diễn ra giữa "tội phạm đã được xác định hoặc đang bị nghi ngờ" làm việc cho Ndrangheta ở xứ sở kangaroo. Hãng BBC cũng từng cho rằng, Ndrangheta đã dùng những khoản tài trợ lớn để "hợp pháp hóa bộ mặt trước công chúng" cho các hoạt động phi pháp của mình.

Ông Antonio de Gaetano, Giám đốc Sở Lao động Reggio Calabria trước khi bị bắt.

Trong khi đó, cảnh sát Australia cho biết, có nhiều chính khách của cả đảng Tự do và Công đảng Australia từng nhận các khoản tài trợ của mafia Italia. Theo thông tin của cảnh sát, năm 2013, Ndrangheta đã sử dụng mối quan hệ của chúng để công khai một phần hoạt động tại Australia - vận động hành lang để cấp thị thực cho một thủ lĩnh mafia, và tên này sau đó vẫn bị bắt vì buôn bán ma túy và liên quan tới một âm mưu giết người.

ABC và Fairfax Media cho rằng, Ndrangheta vừa kinh doanh hợp pháp, vừa làm ăn phi pháp và đều sử dụng vũ lực tại Australia. Đồng thời xâm nhập sâu rộng vào chính trường Australia thông qua các hoạt động tài trợ. Và Ndrangheta là một trong những tổ chức tội phạm quy mô và hùng mạnh nhất thế giới, có tầm ảnh hưởng và mạng lưới hoạt động khắp toàn cầu. Được biết, Ndrangheta thu về hàng tỉ USD chủ yếu từ buôn lậu cocaine, bảo kê và rửa tiền.

Trong khi đó, chính trường Italia tiếp tục rung chuyển bởi những cuộc điều tra và bắt một số quan chức chính quyền vì bị cáo buộc tham nhũng. Ngày 26-6, cảnh sát thành phố Reggio Calabria đã bắt 3 cựu quan chức hội đồng địa phương và đưa vào danh sách điều tra 27 người với các tội danh làm giả hồ sơ tài chính để che giấu các khoản chi không đúng mục đích và tham nhũng có tổ chức.

Theo các nhà điều tra, không ít chính trị gia đã kiếm hóa đơn giả để thanh toán. Trong số những người bị bắt có Antonio de Gaetano, Giám đốc Sở Lao động Reggio Calabria, là thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền và từng bị điều tra về một vụ bê bối có liên quan đến mafia. Và ông Giovanni Bilardi, Thượng nghị sĩ thuộc Trung hữu mới, đảng liên minh với đảng Dân chủ trong chính phủ. Trước đó (25-6), hai ủy viên trong Hội đồng thành phố Rome và là thành viên của đảng Dân chủ đã từ chức vì dính líu đến tham nhũng.

Được biết, cảnh sát tài chính Italia cũng đã tịch thu nhiều khối tài sản với tổng trị giá 16 triệu euro của Salvatore Buzzi, cánh tay phải của trùm mafia Massimo Carminati, nhân vật chủ chốt trong hệ thống "mafia thủ đô". Cho đến nay, đã có hơn 150 người bị bắt và điều tra với tổng giá trị tài sản cảnh sát đã tịch thu gần 400 triệu euro. Và chúng đều có liên quan tới Ndrangheta và Camorra. Thị trưởng thủ đô Rome Ignazio Marino, đang bị phe đối lập kêu gọi từ chức sau khi bê bối "mafia thủ đô" bị phơi ra ánh sáng. Không những công kích Thị trưởng Ignazio Marino, một số chính khách đối lập còn kêu gọi giải tán chính quyền "đã bị mafia xâm nhập" của ông.

Thủ đô Rome từng rúng động sau khi nhiều quan chức bị bắt trong chuyên án "Thế giới trung gian" nhằm đưa ra ánh sáng hoạt động của các băng đảng mafia tại thành phố này. Trong số những người bị bắt đáng chú ý nhất là cựu Thị trưởng Rome Gianni Alemanno. Bởi theo cáo buộc, trong 5 năm tại nhiệm (2008-2013), ông Gianni Alemanno đã để cho nhiều quan chức dưới quyền câu kết với mafia.

Gần 1 tháng trước (9/6), cảnh sát đã bắt 6 đối tượng, trong đó có 4 người là chính trị gia địa phương có quan hệ mật thiết với Fabrizio Amore, doanh nhân trong đường dây "mafia thủ đô". Sau đó, ông Luca Grammazio, người từng có thời gian đứng đầu nhóm chính trị gia thuộc đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Berlusconi, cũng bị bắt vì đã câu kết với mafia nhằm thâm nhập vào chính quyền địa phương để chia chác các gói thầu liên quan đến xây dựng.

Chuyên án "mafia thủ đô" được lập và phá từ cuối năm 2014 nhằm triệt phá đường dây các băng đảng mafia chuyên thao túng hoạt động liên quan tới các gói thầu xây dựng trong thủ đô Roma và móc ngoặc với hàng chục quan chức các cấp. Và sự cấu kết giữa chính trị gia tham nhũng với mafia ở Roma đã gây thiệt hại lớn cho thủ đô của Italia. Các nhà điều tra còn cho rằng, từ hoạt động này, "mafia thủ đô" còn tìm cách thao túng các hoạt động chính trị của chính quyền thành phố, cũng như can thiệp vào một số cuộc bầu cử cấp địa phương.
Mạnh Phong
.
.
.