Kết thúc vụ án hiếp dâm của đạo diễn Roman Polanski

Chủ Nhật, 18/06/2017, 19:13
“Tôi cầu xin ông hãy xem xét bản án để kết thúc chuyện này như một hành động thương xót cho tôi và gia đình. Công lý không chỉ là hình phạt, đó còn là sự công bằng và cân nhắc”, tuyên bố của bà Samantha Geimer (lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng) với Thẩm phán Tòa án tối cao Los Angeles (Mỹ) Scott Gordon, khi xuất hiện tại phiên tòa hôm 9-6.


Bà Samantha Geimer muốn kết thúc vụ án hiếp dâm cách đây tròn 40 năm. Và điều này đồng nghĩa với việc đạo diễn người Pháp gốc Ba Lan Roman Polanski sẽ thoát khỏi vòng kiện tụng, truy bắt của cơ quan chức năng Mỹ. Bà Samatha Geimer từng nói, việc tự đày ải của ông Roman Polanski đã là sự trừng phạt thích đáng.

“Bà Samatha Geimer mệt mỏi vì chuyện này và đã yêu cầu tòa chấm dứt vụ án từ nhiều năm trước”, luật sư Harlan Braun của ông Roman Polanski nói với hãng Reuters hôm 8-6.

Bà Samantha Geimer và ông Roman Polanski.

Luật sư Harlan Braun còn cho biết, mục đích của phiên tòa hôm 9-6 là để mở niêm phong thỏa thuận có từ 40 năm trước và sử dụng nó làm bằng chứng buộc chính quyền châu Âu hủy bỏ lệnh bắt giữ quốc tế chống lại ông Roman Polanski.

Đây được coi là cái kết có hậu đối với cả nạn nhân và hung thủ bởi bà Samantha Geimer, 53 tuổi đã tha thứ cho ông Roman Polanski, 83 tuổi nhiều năm trước. Bà Debra Tate, em gái người vợ bị sát hại của ông Roman Polanski cũng tham dự phiên tòa kể trên.

Đạo diễn Roman Polanski thừa nhận đã hãm hiếp bà Samantha Geimer năm 1977, khi nạn nhân mới 13 tuổi tại Los Angeles và từng bị tạm giam 42 ngày trước khi đưa ra xét xử. Nhưng sau đó ông Roman Polanski đã đào tẩu sang châu Âu vì sợ phải ngồi tù thêm nhiều năm nữa.

Được biết, ông Roman Polanski đã trốn sang Pháp vì quốc gia này không ký hiệp ước dẫn độ với Mỹ và định cư tại đây. Năm 2014, ông tới Ba Lan và sống cho tới nay.

Giới truyền thông cho rằng, vì là đạo diễn của nhiều bộ phim kinh điển như Rosemarys Baby và Chinatown, và từng giành giải Oscar, nên vụ án hiếp dâm của ông Roman Polanski được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Roman Polanski bị cáo buộc ép nạn nhân dùng ma túy trước khi quan hệ tình dục.

Theo giới truyền thông, mặc dù Mỹ đã ra lệnh truy nã, bắt dẫn độ, nhưng đã bị Thụy Sĩ từ chối thực thi. Năm 2009, ông Roman Polanski từng bị bắt ở Thụy Sĩ theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, khi đang trên đường nhận giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Zurich.

Ông đã bị quản thúc 10 tháng trước khi Thụy Sĩ từ chối yêu cầu của Mỹ. Mặc dù được đánh giá cao, nhưng ông Roman Polanski vẫn phải rút khỏi hội đồng ban giám khảo tại giải điện ảnh Cesar 2017 của Pháp, sau khi bị nhiều nhà hoạt động vì quyền phụ nữ phản đối.

Ông Roman Polanski sinh năm 1933 tại Paris, Pháp trong một gia đình có bố mẹ đều là người Do Thái. Theo giới truyền thông, tháng 11-2014, ông Tomasz Nalecz, cố vấn của Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski, từng chỉ trích Mỹ vì đã tìm cách bắt đạo diễn Roman Polanski tại lễ khánh thành Bảo tàng Lịch sử Do Thái ở Warsaw.

Bởi theo ông Tomasz Nalecz, đó là điều "không thích hợp" khi Mỹ tìm cách bắt một người sống sót sau trong cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức trong lễ khánh thành Bảo tàng Lịch sử Do Thái. Tuy nhiên, sau lễ khánh thành kể trên, ông Roman Polanski vẫn bị các công tố viên thẩm vấn, nhưng không bị bắt.

Trước đó (năm 2010), Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan từng tuyên bố, ông Roman Polanski không thể bị dẫn độ, bởi theo luật pháp nước này, hành vi phạm tội của nhà đạo diễn lừng danh đã xảy ra quá lâu nên không thể điều tra và khởi tố được nữa.

Đạo diễn Roman Polanski và nạn nhân Samantha Geimer thời trẻ.

Nhưng hơn 1 năm trước (31-5-2016), Bộ trưởng Tư Pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro lại tuyên bố, sẽ khởi động lại tiến trình pháp lý dẫn độ ông Roman Polanski tới Mỹ để chịu án phạt đối với tội ấu dâm. Ông Zbigniew Ziobro cho biết, đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao Ba Lan để phản đối quyết định không cho phép dẫn độ ông Roman Polanski bởi một tòa án tại thành phố Krakow đã đưa hồi tháng 10-2015.

Tòa án thành phố Krakow từng tuyên bố, việc cho phép dẫn độ ông Roman Polanski tới Mỹ sẽ vi phạm nhân quyền, cũng như vi phạm quy ước chung của Liên minh châu Âu (EU) về quyền con người.

Năm 2002, ông Roman Polanski giành giải Oscar cho phim The Pianist về nạn tàn sát người Do Thái, nhưng không thể tới Mỹ để nhận giải. Theo giới chuyên môn, ông Roman Polanski được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Pháp vô cùng ngưỡng mộ.

Bởi năm 1980, ông đoạt giải Cesar dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Tess, năm 2002 với phimThe Pianist, năm 2011 với phim The Ghost Writer và năm 2014 với phim Venus in Fur. Gần 50 năm trước (năm 1968), ông Roman Polanski đã giành giải Oscar với bộ phim Rosemarys Baby. Bên cạnh đó, ông Roman Polanski còn đoạt nhiều giải thưởng khác.

Trịnh Huyền My
.
.
.