Kết án 3 doanh nhân vụ tham nhũng tại Petrobras

Thứ Hai, 27/07/2015, 15:00
Ngày 20/7, Thẩm phán Sergio Moro của Tòa án Liên bang ở Curitiba, Brazil đã ra phán quyết đối với 3 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Camargo Correa vì họ đều bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và tham gia tội phạm có tổ chức trong vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Theo đó, cựu Giám đốc điều hành của Camargo Correa Dalton Avancini và thành viên ban quản trị cấp cao Eduardo Leite bị tuyên phạt tổng cộng 16 năm và 4 tháng tù giam, cùng khoản tiền phạt 1,3 triệu reais (hơn 405.000 USD). Còn cựu Chủ tịch Camargo Corrrea, ông Joao Auler bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù cùng khoản tiền phạt 627.150 reais (195.000 USD).

Thẩm phán Sergio Moro cho rằng, do ông Dalton Avancini và ông Eduardo Leite đều có thái độ thành khẩn và hợp tác với cơ quan chức năng ngay khi bị điều tra, nên họ có thể chỉ bị quản thúc tại gia, bất chấp việc bị tuyên với mức án kể trên. Cùng ngày 20/7, Cảnh sát Liên bang chính thức cáo buộc Giám đốc điều hành Công ty kỹ thuật và xây dựng Odebrecht SA, ông Marcelo Odebrecht, có liên quan tới việc chủ mưu một dự án hối lộ trị giá 2,1 tỉ USD với Petrobras.

Từ trái sang: ông Joao Auler, Eduardo Leite và Dalton Avancini.

Cũng trong ngày 20/7, Tổng thống Dilma Rousseff đã triệu tập họp khẩn để xem xét các tình huống có thể xảy ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha tuyên bố chấm dứt liên minh chính trị với chính phủ hiện nay. Trong tuyên bố hôm 17/7, Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, lãnh đạo đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh với chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff khẳng định, đứng về phe đối lập. Đồng thời yêu cầu thành lập ủy ban điều tra của Quốc hội để "xét xử chính trị" bà Dilma Rousseff.

Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha (một trong 50 chính trị gia, nghị sỹ, cựu bộ trưởng và cựu thống đốc bị tố cáo có liên quan tới vụ bê bối tại Petrobras) quyết định "dứt áo ra đi" sau khi một trong những nghi can bị bắt liên quan tới vụ tham nhũng tại Petrobras khai: đã trả cho ông khoản tiền hoa hồng tương đương 3 triệu USD trong một hợp đồng dầu khí. Không những bác bỏ hoàn toàn cáo buộc kể trên, ông Eduardo Cunha còn coi đây là âm mưu của chính phủ và Tổng Chưởng lý liên bang Rodrigo Janot.

Theo tờ Folha, hiện uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff chỉ ở mức 9% và nhiều thành viên trong nội các lo lắng trước khả năng bà sẽ bị cuốn vào vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Ngày 18-7, khi trả lời phỏng vấn tờ Globo, Bộ trưởng Thông tin Edinho Silva thừa nhận, tình hình chính trị hiện nay tại Brazil đang gặp khó khăn sau những cáo buộc tham nhũng liên tiếp nhằm vào các chính trị gia chủ chốt, cũng như bất đồng giữa chính phủ và quốc hội.

Bộ trưởng Edinho Silva tuy khẳng định, vụ tham nhũng tại Petrobras không có lợi cho quốc gia, nhưng bác bỏ khả năng sẽ có tiến triển về việc "xét xử chính trị" đối với Tổng thống Dilma Rousseff. Bởi theo ông Edinho Silva, để xét xử Tổng thống Dilma Rousseff cần có những bằng chứng liên quan tới việc nhận hối lộ, trong khi những bằng chứng này không tồn tại.

Tổng thống Dilma Rousseff từng khẳng định, không sử dụng "tiền bẩn" trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng, tiền tham nhũng từ Petrobras đã được sử dụng trong chiến dịch tranh cử của mình. Ngoài ra, bà Dilma Rousseff cũng loại trừ khả năng từ chức trước thời hạn vào năm 2018. Trước đó, Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ Brazil đối lập Aecio Neves tuyên bố, thời gian cầm quyền của Tổng thống Dilma Rousseff có thể ngắn hơn so với dự kiến.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/7, Bộ Công cộng đã mở cuộc điều tra đối với cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula de Sliva (2003-2010) với cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng chính trị gây sức ép để Ngân hàng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (BNDES) cung cấp tín dụng cho Tập đoàn xây dựng Odebrecht. Các cơ quan chức năng Brazil sẽ tiến hành điều tra hình sự đối với ông Luiz Inacio Lula de Sliva sau khi xuất hiện cáo buộc cho rằng, Tập đoàn xây dựng Odebrecht đã tài trợ nhiều chuyến đi của cựu Tổng thống tới Panama, Venezuela, Cộng hòa Dominicana và Ghana.

Tạp chí Veja của Brazil từng dẫn tuyên bố của doanh nhân Ricardo Pessoa (đã bị bắt để điều tra về vụ tham nhũng liên quan tới Petrobras) - trong năm 2006 ông đã đóng góp 804.000USD cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula de Sliva.

Cùng ngày 16/7, Thượng viện Brazil đã phản đối việc cảnh sát khám xét nhà một số chính trị gia, trong đó có nghị sĩ Fernando Collor de Mello, nguyên Tổng thống Brazil (1990-1992) mà không trình lệnh của Tòa án theo quy định. Thượng viện Brazil khẳng định, cảnh sát đã vi phạm quy định của Quốc hội - không cho phép cảnh sát liên bang được xâm phạm nơi ở của các thành viên Thượng viện.

Thiện Lân
.
.
.