Tranh cãi về việc tiêu hủy hơn 100 tấn ngà voi buôn bán trái phép
- Phát hiện vụ vận chuyển gần 100 kg ngà voi tại sân bay quốc tế Nội Bài
- Nhật Bản: Mua bán sản phẩm ngà voi tràn lan trên trang web Yahoo Auctions
- Cảnh sát quốc tế bắt giữ 3 vụ buôn lậu ngà voi khủng
"Con số chính xác là 105 tấn ngà voi cùng với 1,35 tấn sừng tê giác đã bị đốt cháy. Chúng tôi muốn truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng: buôn bán ngà voi bất hợp pháp sẽ không bao giờ được dung thứ. Buôn bán ngà voi phải chấm dứt trên toàn cầu. Đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ. Đồng thời, cũng mong muốn những người mua ngà voi cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình", Paula Kahumbu, Giám đốc điều hành của tổ chức bảo tồn thiên nhiên Kenya nói với phóng viên báo DW (Đức).
Đây không phải là lần đầu tiên Kenya quyết định tiêu hủy ngà voi buôn bán trái phép. Paula Kahumbu cho biết, trước năm 1979, châu Phi có khoảng 1,3 triệu con voi sinh sống trong tự nhiên. Sự gia tăng nhu cầu ngà voi bắt đầu vào những năm 1980 đã khiến số lượng voi ở khu vực này giảm hơn một nửa trong vòng một thập kỷ. Trước tình thế nguy cấp, cộng đồng quốc tế đã thông qua Công ước về buôn bán các loài động vật nguy cấp quốc tế (CITES) vào năm 1989. Vào thời điểm đó, với mục đích thu hút sự chú ý của quốc tế về thực trạng săn bắn voi ở quốc gia chủ yếu dựa vào du lịch, Kenya đã cho đốt 12 tấn ngà voi buôn bán trái phép bị thu giữ.
Kenya tuyên chiến mạnh mẽ với nạn buôn bán ngà voi trái phép. |
Tom Milliken, chuyên gia nghiên cứu về voi, tê giác của mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã (Traffic) cho biết, "hành động tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác chỉ có ý nghĩa nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cần một cam kết thực sự để ngăn chặn nạn săn trộm voi, tăng cường thực thi pháp luật, nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng... Không có bằng chứng nào cho thấy, việc tiêu hủy ngà voi sẽ ngăn chặn được nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp", ông Milliken nói.
Theo ông Tom Milliken, nguyên nhân hàng đầu khiến nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp bùng phát là nhu cầu về sản phẩm được coi là "vàng trắng" ở châu Á. Trong quan niệm của nhiều người dân châu Á, ngà voi là biểu hiện của sự giàu có và may mắn. Chính vì vậy, nhu cầu sở hữu ngà voi của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Trung Quốc là một trong những thị trường buôn bán ngà voi sôi động nhất trên thế giới.
Theo chuyên gia John Frederick Walker, người đã viết rất nhiều bài báo về nạn buôn bán ngà voi trái phép cho biết, loại bỏ nhu cầu về ngà voi không phải là vấn đề đơn giản. Nhu cầu sử dụng ngà voi đã có từ rất lâu đời, không đơn giản là "mốt nhất thời". "Các hình chạm khắc sớm nhất mà con người từng thực hiện là từ ngà voi ma mút lông xoăn". "Sự yêu thích ngà voi của người dân có từ thời Ai Cập cổ đại cho đến các quốc gia châu Âu và cả phương Đông. Khó có thể nghĩ rằng, nhu cầu sử dụng ngà voi sẽ biến mất hoàn toàn", ông Walker nói. Ông Walker cho rằng, giải pháp tối ưu để bảo vệ đàn voi trước nguy cơ tuyệt chủng là sản xuất ngà voi nhân tạo, thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu hiện đại.
Ước tính, khoảng 30.000 con voi châu Phi bị săn trộn để lấy ngà mỗi năm. |
Một số ý kiến cho rằng, nên đưa số lượng ngà voi dự trữ vào thị trường, khiến ngà voi không phải là sản phẩm hiếm nên giá thành hạ, lợi nhuận thấp và các tay săn trộm sẽ từ bỏ công việc săn bắn voi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không nên "thử" giải pháp này vì thiếu cơ sở khoa học thuyết phục.
Theo đánh giá của tờ DW, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về mua bán ngà voi, chiếm khoảng 70% nhu cầu trên toàn thế giới. Sau khi được vận chuyển sang Trung Quốc, ngà voi được chế tác thành đồ trang sức và nhiều sản phẩm trang trí khác. Ông William Clark, một chuyên gia nghiên cứu tội phạm về môi trường của Interpol cho biết, phần lớn ngà voi được chạm khắc thành đồ trang sức, tẩu thuốc lá, con dấu chữ ký… Một sản phẩm nặng khoảng 30 gram có thể bán với giá 200 USD. Một cặp ngà nặng khoảng 10 kg có thể tạo ra vài trăm mặt hàng trang trí công phu. Lợi nhuận từ ngà voi mang lại là "siêu lợi nhuận". |