Kẻ mưu sát Tổng thống Venezuela đã tự sát

Thứ Bảy, 13/10/2018, 16:42
Đây là khẳng định khi phát biểu với Đài Truyền hình VTV hôm 8-10 của Tổng Công tố Tarek William Saab. Theo đó, ông Fernando Alban, thành viên Đảng Công lý trước tiên (thuộc phe đối lập ở Venezuela bị bắt hôm 5-10 vì bị cáo buộc tham gia vụ mưu sát Tổng thống Nicolas Maduro) đã tự sát khi đang bị giam giữ tại trụ sở cơ quan tình báo.


Hãng AFP dẫn lời Tổng Công tố Tarek William Saab cho biết, ông Fernando Alban, thành viên của Hội đồng thành phố Caracas đã nhảy lầu tự tử từ tầng 10 tại trụ sở cơ quan tình báo, sau khi đề nghị được đi vào phòng tắm. Ngay sau khi biết tin, đại diện của Đảng Công lý trước tiên đã gọi cái chết của ông Fernando Alban là “một vụ giết người”. 

Cựu ứng cử viên tổng thống Henrique Capriles (là thành viên của Đảng Công lý trước tiên) tuyên bố: Chính phủ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của ông Fernando Alban. Luật sư Joel Garcia, người bảo vệ quyền lợi cho ông Fernando Alban thông báo, thân chủ bị bắt hôm 5-10 tại sân bay quốc tế ở Caracas, sau khi nghị sỹ này vừa từ Mỹ về nước.

Khoảnh khắc nhóm vệ sĩ che chắn cho ông Maduro

Đồng thời nhấn mạnh, chính quyền không thể kết luận đây là vụ tự sát mà không tiến hành điều tra, và đã yêu cầu khám nghiệm tử thi. Tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ Luis Almagro tuyên bố, cái chết của nghị sỹ Fernando Alban là “trách nhiệm trực tiếp của chính phủ”.

Cái chết của ông Fernando Alban không đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng Venezuela dừng cuộc điều tra vụ mưu sát Tổng thống Nicolas Maduro. Bởi theo giới truyền thông, ông Fernando Alban chỉ là một trong số những người đã bị bắt với cáo buộc tham gia vụ mưu sát Tổng thống Nicolas Maduro diễn ra hơn 2 tháng trước. 

Gần 1 tháng trước, Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez thông báo, cơ quan chức năng Venezuela vừa bắt thêm 3 đối tượng với cáo buộc có liên quan tới vụ mưu sát Tổng thống Nicolas Maduro. Đó là các tên Henryberth Emmanuel Rivas Vivas, biệt hiệu “Morfeo”, kẻ thực hiện việc ghi hình vụ tấn công; Angela Lisbeth Exposito Carrillo, biệt hiệu “La Perrera”, có nhiệm vụ che giấu “Morfeo” sau khi thực hiện vụ ám sát và Đại tá về hưu Ramon Santiago Velasco Garcia, biệt hiệu “Corocoro”, có nhiệm vụ đưa “Morfeo” tới biên giới để trốn sang Colombia. 

Sau khi bị bắt, “Morfeo” đã khai nhận với cơ quan điều tra Venezuela về toàn bộ vụ việc. Theo đó, “Morfeo” từng được đưa sang Colombia để dự khóa huấn luyện chuẩn bị cho vụ tấn công và từng liên lạc với một nhân vật chưa được tiết lộ danh tính, có mật danh “Đội trưởng xuất nhập cảnh” của Colombia. 

Bộ trưởng Jorge Rodriguez cho biết, chính phủ Venezuela đã gửi công hàm yêu cầu các Đại sứ quán Chile, Mexico và Colombia giải thích về lời khai của “Morfeo”. Ngày 24-9, hãng Reuters dẫn lời Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc chính phủ Chile, Colombia và Mexico - đã giúp "phần tử khủng bố" tiến hành vụ ám sát nhằm vào ông trốn thoát. 

"Chúng tôi có những chi tiết thuyết phục cho thấy, sự tham gia của các nhà ngoại giao Chile, Colombia và Mexico trong việc bao che những kẻ tiến hành vụ khủng bố", Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố khi đề cập tới vụ ám sát hụt nhằm vào ông tại thủ đô Caracas hôm 4-8. 

Và để minh chứng cho tuyên bố kể trên, ông Nicolas Maduro đã công bố đoạn video của Henryberth Emmanuel Rivas Vivas - tự nhận đã tham gia vào vụ tấn công bằng máy bay không người lái mang thuốc nổ nhằm vào Tổng thống Venezuela trong lễ diễu binh, rồi được đồng phạm trợ giúp tìm nơi ẩn náu tại Đại sứ quán Chile ở Caracas, sau đó bí mật tới Đại sứ quán Mexico và Đại sứ quán Colombia, để đào tẩu qua biên giới Colombia.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Nicolas Maduro, cả Chile, Mexico và Colombia đều phủ nhận việc này. Về phần mình, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng nghi ngờ Venezuela dàn dựng vụ ám sát hụt để phục vụ "mục đích nào đó". 

Ông Fernando Alban bị cáo buộc đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert từng tuyên bố, Washington ủng hộ việc thành lập một ủy ban điều tra độc lập về việc này, đồng thời chỉ trích phản ứng “tùy tiện của chính quyền Caracas trước sự kiện kể trên”. Chính phủ Venezuela đã bác bỏ quan điểm này, đồng thời cho rằng, những cáo buộc mang tính hoài nghi của Mỹ nhằm mục đích can thiệp vào công việc nội bộ, cũng như khuyến khích các phe nhóm đối lập thúc đẩy bất ổn và bạo lực tại quốc gia Nam Mỹ này. 

Theo giới chuyên môn, Chính phủ Venezuela đang tìm cách dẫn độ 9 nghi phạm liên quan đến vụ mưu sát Tổng thống Nicolas Maduro về nước thẩm vấn. Được biết, trong số khoảng 30 đối tượng có liên quan tới vụ mưu sát Tổng thống Nicolas Maduro bị “điểm danh”, dư luận quan tâm tới cựu Chủ tịch Quốc hội Julio Borges (đang tị nạn tại Colombia), và nghị sỹ Juan Requesens (đã bị bắt). Tờ The New York Times từng đưa tin, 1 số quan chức Mỹ đã bí mật gặp một cựu chỉ huy quân đội Venezuela để bàn kế hoạch lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro - có 3 phái trong quân đội muốn “động thủ”, nhưng họ không nhận được sự giúp đỡ của Washington.

Mạnh Phong

.
.