Italia phá đường dây buôn người quốc tế
- Nỗi đau phía sau nạn buôn người
- Italia phá đường dây buôn người "khủng"
- "Trùm" buôn người và tội phạm nguy hiểm nhất thế giới sa lưới
- Bóc gỡ đường dây buôn người xuyên quốc gia
Cảnh sát Italia cho biết, 4 người bị bắt này đã cấu kết với nhiều tổ chức tội phạm trong việc làm giấy tờ giả để đưa người nhập cư trái phép tới các nước Balkan, sau đó chở họ đến Hungary, Italia và các nước Bắc Âu bằng xe tải hoặc đi xuyên rừng.
Theo cáo buộc của Viện công tố Trieste (cơ quan điều tra về hoạt động tội phạm buôn người tại miền Tây Bắc Italia thời gian qua), một số người Bangladesh và Pakistan đã điều hành đường dây nhập cư trái phép vào châu Âu qua tuyến Balkan từ vài năm nay, thu lợi ít nhất nửa triệu euro/năm. Ước tính đã có hàng nghìn người được đưa tới châu Âu trái phép từ các nước Trung Đông, Pakistan, Afghanistan và Bangladesh theo lộ trình do đường dây kể trên sắp đặt.
Trước đó (5-8), giới chức Italia cho biết, đã triệt phá một băng nhóm buôn người hoạt động gần Naples, bắt 8 đối tượng. Và tên cầm đầu là người Tunisia, bị tình nghi có liên hệ với các tay súng Hồi giáo cực đoan. Tên này bị cực đoan hóa từ năm 2015 và có những phát ngôn ủng hộ các cuộc tấn công đẫm máu tại Paris trên các trang mạng xã hội.
Người nhập cư trên con thuyền quá tải. |
Theo thông báo của đơn vị cảnh sát đặc nhiệm ROS, đường dây buôn người bị phát hiện sau khi cảnh sát điều tra các nhà máy dệt địa phương có dấu hiệu cung cấp hợp đồng làm việc giả mạo giúp các lao động nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi được phép làm việc tại Italia. Hơn 1 tháng trước (thượng tuần tháng 7), cảnh sát Italia từng bắt 38 nghi phạm tại 10 thành phố ở nước này với cáo buộc buôn bán người, ma túy và nhiều tội danh khác.
Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano coi việc phá đường dây buôn người di cư từ châu Phi vào châu Âu và bắt giữ những nghi can kể trên là một thắng lợi lớn. Ngày 20-7, cảnh sát Italia cũng triệt phá một đường dây buôn người đang đưa ít nhất 100 người di cư, chủ yếu là người Syria, từ thành phố phía Bắc Milan tới các quốc gia châu Âu. Đó là một trong những chiến dịch truy quét các đối tượng buôn người di cư lớn nhất từ trước tới nay tại Italia.
Theo thông báo của cảnh sát Italia, trong 10 đối tượng bị bắt và cáo buộc tội buôn người có một người đàn ông 37 tuổi bị nghi là kẻ cầm đầu đường dây này.
Tổ chức cứu trợ nhân đạo “Bác sỹ không biên giới” (MSF) vừa thông báo, đã phát hiện 21 thi thể nữ giới và 1 thi thể nam giới trong khoang chứa chất đốt của một con thuyền nhỏ đang trôi dạt gần bờ biển Libya hôm 20-7, chỉ vài giờ sau khi những người này khởi hành tới Italia.
Theo ông Jens Pagotto, người phụ trách sứ mệnh tìm kiếm và giải cứu người di cư của MSF, đây là một thảm kịch với những cái chết thương tâm khi các nạn nhân thiệt mạng sau khi bị ngạt khói do nước tràn vào khoang chứa chất đốt. Và con thuyền này là 1 trong 2 con thuyền được tàu tuần tra khu vực Địa Trung Hải MV Aquarius của MSF phối hợp với tàu hải quân Italia ứng cứu và nỗ lực giải cứu an toàn cho 209 người, trong đó có 50 trẻ em.
Giới chức Italia thông báo, số lượng người di cư rời Lybia trên những con tàu đông đúc để tìm kiếm một cuộc sống tươi đẹp ở châu Âu đã tăng vọt do các đối tượng buôn người lợi dụng biển lặng gió và thời tiết mùa hè thuận lợi để đưa người di cư vượt biển. Theo tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ đầu năm 2016 đến ngày 18-7, đã có 79.861 người tìm cách tới Italia bằng đường biển, nhưng gần 3.000 người thiệt mạng hoặc mất tích trên khu vực Địa Trung Hải.
Ngày 2-8, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker thông báo quyết định bổ nhiệm ông Julian King, đại diện của Anh, giữ chức Cao ủy phụ trách vấn đề an ninh. Ông Julian King có trách nhiệm hỗ trợ việc thực thi Chương trình nghị sự về an ninh của châu Âu đã được EC công bố, theo đó tăng cường chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, trong đó có buôn người và tội phạm mạng. Giới truyền thông vừa dẫn phóng sự cho thấy, trước tình cảnh nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới, nhiều người tị nạn đang muốn trở về quê hương. Chị Mahsooma, người Afghanistan, đã bắt đầu cuộc hành trình đến miền đất hứa từ đầu năm 2016 cùng chồng và con gái. Nhưng giấc mơ ấy đã tan vỡ trước thực tế khắc nghiệt sau khi họ đặt chân đến khu trại tị nạn cách đây vài tháng. Chị Mahsooma cho biết, không nghĩ khi đến châu Âu lại phải sống như thế này - biên giới đã đóng cửa nên không thể đến bất cứ quốc gia nào, vì vậy đã nộp đơn xin trở về nước. Nhiều người cũng đã làm giống chị Mahsooma. |