Italia phá đường dây buôn người "khủng"

Thứ Hai, 11/07/2016, 10:44
Hãng Reuters vừa dẫn thông tin từ cảnh sát Italia cho biết, ngày 4-7, họ đã bắt 25 người Eritrea, 12 người Ethiopia và 1 người Italia, vì nằm trong đường dây buôn người di cư từ châu Phi vào châu Âu. 38 nghi phạm bị bắt tại 10 thành phố ở Italia và họ bị cáo buộc với các tội danh buôn bán người, buôn bán ma túy và nhiều tội trạng khác.


Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano coi việc bắt 38 nghi phạm đã giáng mạnh vào mạng lưới buôn người tới Italia. Theo ông Angelino Alfano, những đối tượng này sử dụng thủ đô Rome là điểm trung chuyển, là trung tâm giao dịch tài chính của chúng.

Cảnh sát thành phố Palermo cho biết, Nuredein Wehabrebi Atta, người Eritrea (bị bắt năm 2014), đã đồng ý giúp cơ quan chức năng phá đường dây buôn người kể trên. Và nhờ sự cộng tác của Nuredein Wehabrebi Atta, cảnh sát Italia đã lần đầu tiên dựng được một bức tranh toàn diện về hoạt động của mạng lưới buôn người trải dài từ Bắc Phi đến Italia.

Sau cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The Independent, Nuredein Wehabrebi Atta đã khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng. Bởi theo lời kể của Nuredein Wehabrebi Atta, những người không đủ tiền trả cho chuyến vượt Địa Trung Hải thường bị bán cho các nhóm chuyên mổ lấy nội tạng (chủ yếu là người Ai Cập) với giá khoảng 15.000 euro/người.

Nhập cư trái phép vào Italia.

Vì những thông tin của Nuredein Wehabrebi Atta đã giúp cảnh sát bóc gỡ đường dây buôn người nên ông trở thành người nước ngoài đầu tiên ở Italia được hưởng cơ chế bảo vệ nhân chứng.

Theo thông tin trên tờ The Independent, những người tị nạn Bắc Phi không trả đủ tiền cho bọn buôn người thường bị chúng giết để lấy nội tạng. Vì thông tin kể trên được Nuredein Wehabrebi Atta, một kẻ buôn người đã bị tòa kết án 5 năm tù giam, tiết lộ nên được dư luận quan tâm.

Theo tờ The Independent, chỉ tính riêng tại Eritrea, có 80% gia đình là nạn nhân của bọn buôn người và những con số khủng khiếp về số người vượt biên thiệt mạng trên Địa Trung Hải đã khiến Nuredein Wehabrebi Atta thú tội với cảnh sát.

Theo giới truyền thông, cảnh sát Italia đã ập vào một cửa hàng bán nước hoa tại trung tâm thủ đô Rome và tịch thu tổng cộng 526.000 euro và 25.000 USD tiền mặt, đồng thời thu giữ một cuốn sổ danh bạ có thông tin về các thành viên của đường dây buôn người kể trên.

Trước đó, hãng ANSA cho biết, Mered Yehdego Medhane, 35 tuổi, người Eritrea, được coi là một trong những trùm buôn người nguy hiểm nhất trên thế giới đã bị bắt tại Sudan theo lệnh truy nã quốc tế.

Và 1 tháng trước (tối 7-6), Mered Yehdego Medhane đã được dẫn độ tới Italia để phục vụ công tác điều tra. Cảnh sát Italia cho rằng, Mered Yehdego Medhane là một trong những kẻ buôn người lớn nhất và là nghi can buôn người đầu tiên bị bắt và dẫn độ tới Italia.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia từng thông báo, hơn 2.500 người di cư tìm cách tới châu Âu đã được giải cứu trong hai ngày cuối tuần tháng 6 tại vùng biển ngoài khơi đảo Sicily, miền Nam nước này. Giới chức Italia cũng vừa cảnh báo về hàng loạt vụ lấy cắp với số lượng lớn phôi trắng thẻ căn cước công dân tại các địa phương của nước này.

Theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát Hình sự Quốc gia Italia, có hơn 24,6 triệu vụ khai báo bị mất cắp hoặc thất lạc thẻ căn cước và đây là một nguy cơ đối với nước này. Điều đáng nói là cho đến nay, Italia là quốc gia duy nhất cho phép công dân được quyền đi lại trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU) với loại thẻ căn cước truyền thống mà không cần hộ chiếu.

Italia đang bị coi là quốc gia có hoạt động buôn người mạnh mẽ nhất, với 60.000 người nhập cư thời gian qua. Theo số liệu của Europol và Interpol, chỉ tính riêng trong năm 2015, những kẻ buôn người đã kiếm hơn 5 tỷ USD từ dịch vụ đưa người tị nạn tới châu Âu.

Giới truyền thông cho biết, nhằm hạn chế người di cư, EU đã thành lập lực lượng bảo vệ biên giới mới và lực lượng này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9. Được biết, lực lượng bảo vệ biên giới mới có thể can thiệp vào các nước như Hy Lạp và Italia để hạn chế dòng người di cư.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker coi việc đạt được thỏa thuận về thành lập lực lượng kể trên cho thấy, châu Âu có thể hành động nhanh chóng và kiên quyết nhằm giải quyết những thách thức chung.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong năm 2015, trung bình mỗi phút lại có 24 người phải rời bỏ nhà cửa và làn sóng di cư ồ ạt đã dẫn đến cuộc khủng hoảng di dân chưa từng có ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ II.

Từ ngày 20-7, đạo luật mới được Quốc hội Thụy Điển thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, cho phép trì hoãn 3 năm cấp giấy phép cư trú tạm thời cho người nhập cư, đồng thời hạn chế số người nhập cư được phép đoàn tụ với người thân trong gia đình đã định cư tại Thụy Điển.

Tuệ Sỹ
.
.
.