Ireland: Phát hiện mộ chôn tập thể 800 trẻ sơ sinh
Thông tin về các các cơ quan chức năng của Ireland phát hiện mộ chôn tập thể gần 800 trẻ sơ sinh tại một ngôi nhà cũ cho các bà mẹ độc thân ở Ireland thời gian gân đây gây rúng động dư luận. Các bé thường được cuốn trong một tấm vải liệm, không có quan tài. Ngôi mộ tập thể không được dựng bia hay đánh dấu để có thể nhận biết.
Ngôi nhà từ thiện "mẹ Mary và bé"
Catherine Corless, một nhà sử học địa phương là người phát hiện ra ngôi mộ và là thành viên tích cực trong nhóm điều tra liên quan đến vụ việc. Bà đang nỗ lực vận động xây dựng Đài tưởng niệm ở khu vực hiện được bao quanh bởi những tòa nhà chung cư. Theo Catherine Corless, những đứa trẻ bị chôn vùi có thể là những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong ngôi nhà từ thiện mang tên "Mẹ Mary và bé" ở Tuam, Galway trong khoảng thời gian 36 năm. Ngôi nhà từ thiện này được điều hành bởi các nữ tu từ năm 1925 đến năm 1961. "Khi tôi tiến hành nghiên cứu về lịch sử, một người đã nói với tôi rằng, có nghĩa địa trẻ sơ sinh ở vùng này và tôi đã phát hiện ra nhiều điều hơn thế", Catherine Corless chia sẻ. Với sự giúp đỡ của Trung tâm khai sinh và khai tử ở Galway, bà Corless đã nghiên cứu tất cả các trường hợp trẻ em chết ở Tuam. Qua nhiều thông tin nghi vấn, bà Corless đã biết đến ngôi mộ tập thể này.
Nhà sử học Catherine Corless - người đã phát hiện ra ngôi mộ tập thể có gần 800 hài nhi. |
Theo thống kê, có tổng số 796 trẻ em bị chôn chung. "Không ai biết chính xác tổng số trẻ trong ngôi mộ. Chỉ có Chúa mới biết được điều đó", một nguồn tin thân cận nói với nhân viên điều tra. Báo cáo mới nhất cho thấy, nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng và bị bỏ bê hoặc các biến chứng khác liên quan đến bệnh sởi, viêm phổi, lao, viêm dạ dày và các bệnh khác. Thanh tra viên hội đồng y tế địa phương trong một chuyến thăm ngôi nhà từ thiện này vào năm 1944 đã cho biết những thông tin hết sức "khủng khiếp". Vào thời điểm đó, có tất cả 333 phụ nữ độc thân và con cái của họ sống ở "Mẹ Mary và bé", vượt xa quy mô của ngôi nhà là 243 người. Hầu hết trẻ em đều trong độ tuổi từ 3 tuần đến 13 tháng tuổi. "Những đứa trẻ trông gầy gò và hốc hác. Một trong số đó là cậu bé 13 tháng tuổi không thể kiểm soát cơ thể vì bị khuyết tật", báo cáo của Thanh tra y tế ghi rõ.
Cú sốc lớn nhất trong lịch sử
Những ngôi nhà từ thiện cho bà mẹ đơn thân và con cái khá phổ biến ở Ireland vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà từ thiện Sean Ross Abbey ở Tipperary thậm chí còn trở thành nguyên mẫu của bộ phim được đề cử giải Oscar mang tên "Philomena". Đây là bộ phim kể về câu chuyện có thật của cô gái trẻ Philomena Lee. Trong những năm 1950, Philomena Lee là một bà mẹ độc thân và một ngày nọ, đứa con trai 3 tuổi của cô bị bắt cho làm con nuôi một cặp vợ chồng người Mỹ. Theo thống kê, nhà từ thiện Sean Ross Abbey sau một năm mở cửa vào năm 1930 đã có 60 trẻ em bị chết trong tổng số 120 trẻ. Những đứa trẻ sống sót, thường được bán ra nước ngoài cho các cặp vợ chồng không có con
Ngôi mộ tập thể có đến 800 hài nhi được coi là cú sốc lớn nhất trong lịch sử đen tối về vấn đề gia đình ở Ireland. "Đây là một sự thật khủng khiếp", bà Teresa Kelly, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ trẻ em nói. "Đó là ngôi mộ tập thể, nhiều đứa trẻ trong số đó suy dinh dưỡng. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng, danh tính những trẻ em phải được làm rõ. Đó là con người, có họ, có tên, không phải động vật".
Thân nhân của William Joseph Dolan - cậu bé từng sống ở "Mẹ Mary và bé" đã làm đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng khi gia đình bà không nhận được giấy chứng tử của cậu bé, mặc dù hồ sơ ghi nhận rằng cậu đã chết. "John Desmond Dolan sinh ngày 22/2/1946, chết vì bệnh sởi vào ngày 11/6/1947. Em trai của John Desmond là William Joseph Dolan, sinh ngày 21/5/1950 cũng mất một năm sau đó nhưng không có giấy chứng tử. Tôi chỉ muốn biết những gì đã xảy ra với cháu tôi. William Joseph có thể đã mất nhưng tại sao không có giấy chứng tử. Tôi tin rằng, William có thể đã được đưa đến Mỹ và vẫn còn sống, cũng có thể đã chết cùng với anh trai mình. Tôi muốn tìm hiểu", thân nhân của William Joseph Dolan nói. Philomena Lee nói rằng, "có lẽ, Nhà nước không bao giờ nghĩ rằng, một lúc nào đó, ngôi mộ tập thể sẽ bị phát hiện. Tôi không biết có bao nhiêu thi thể của bà mẹ và trẻ em trong những ngôi mộ như thế trên cả nước. Đây là một sự thật đen tối không thể che giấu".
Với nhà sử học Catherine Corless, bà mong muốn làm một việc gì đó cho những sinh linh bé nhỏ. Chiến dịch vận động xây dựng Đài tưởng niệm của bà đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người. "Có rất nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Họ vui mừng vì một điều gì đó thiêng liêng đang được thực hiện", bà Catherine Corless nói