Iran phát hiện mỏ dầu có trữ lượng lên tới 53 tỷ thùng

Thứ Năm, 14/11/2019, 16:08
Tổng thống Hassan Rouhani cho biết, Iran vừa phát hiện một mỏ dầu mới ở phía Tây Nam, với trữ lượng lên tới 53 tỷ thùng, có thể giúp tăng 1/3 trữ lượng “vàng đen” của nước này.


Trong một phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Iran cho biết, mỏ dầu mới nằm ở tỉnh Khuzestan, có diện tích 2.400km2. Túi dầu nằm ở độ sâu khoảng 80m dưới lòng đất. Đây có thể trở thành mỏ lớn thứ 2 của Iran, sau mỏ dầu ở Ahvaz, với trữ lượng 65 tỷ thùng.

"Đây là món quà nhỏ của chính phủ dành cho người dân Iran", ông Rouhani nói, thêm rằng mỏ dầu trải dài gần 200 km từ phần giáp biên với Iraq của tỉnh Khuzestan đến thành phố Omidiyeh.

Tổng thống Rouhani tuyên bố chỉ cần khai thác 1% mỏ dầu mới này, nguồn thu từ dầu mỏ của Iran sẽ tăng lên tới 32 tỷ USD.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, Iran là nước có trữ lượng dầu lớn thứ 4 thế giới và trữ lượng khí đốt lớn thứ 2. Đến tháng 1-2018, trữ lượng dầu thô được chính minh của Iran ước tính đạt khoảng 157 tỷ thùng.

Iran là nền kinh tế hạng trung, dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm trên 40% tổng nguồn thu ngân sách và hơn 80% nguồn thu ngoại tệ của Iran. Dự trữ ngoại tệ của Iran hiện vẫn chỉ ở mức hơn 100 tỷ USD, cộng thêm quỹ phát triển quốc gia tích lũy từ thu nhập dầu mỏ trước kia khoảng 90 tỷ USD. Đây là toàn bộ tài sản của Iran.

Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô Iran Iran đã bị giảm hơn 80% khi Mỹ áp dụng lại lệnh trừng phạt đối với nước này sau khi Tổng thống Donald Trump năm 2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới.

Mỹ muốn siết chặt các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhằm gây sức ép để nước này đàm phán một thoả thuận mới, điều này khiến Iran dễ gặp khó khăn khi bị Mỹ trừng phạt năng lượng và tài chính.

Việc phong tỏa toàn diện lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Iran là điều chưa có tiền lệ trong quá khứ. Trong lịch sử, Mỹ chưa có tiền lệ phong tỏa toàn diện việc xuất khẩu dầu mỏ của một quốc gia trong tình huống không xảy ra chiến tranh.

Trước tháng 5 vừa qua, Mỹ chưa từng khiến Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ. Một năm sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã tiếp tục áp dụng biện pháp thực dụng vừa trừng phạt vừa miễn trừ nhằm đảm bảo thị trường dầu mỏ quốc tế ổn định.

Lần này, họ đã phá vỡ giới hạn đỏ, vi phạm quy tắc thông thường, đưa ra lệnh cấm khắc nghiệt toàn diện đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, điều có những tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này.

Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ gặp khó sẽ tác động trực tiếp đến ngoại thương của Iran. Các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ đối với Iran dựa trên cơ sở quyền bá chủ tài chính của Mỹ. Mỹ yêu cầu các nước không những phải cắt giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, mà còn không được chi trả Iran khoản tiền đã mua trước đó.

Khoản tiền này được giữ lại trong tài khoản của nước nhập khẩu, không thể chuyển đến tài khoản của Iran để biến thành tiền thu nhập xuất khẩu của Tehran, chỉ có thể cung cấp cho Iran vật tư từ nước nhập khẩu.

Một cơ sở khai thác dầu ở Iran.

Hiện các bên còn lại của thoả thuận thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã nỗ lực cứu vãn JCOPA nhưng không hiệu quả. Việc Iran có thể chống lại được tác động trừng phạt của Mỹ hay không, phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khả năng của châu Âu, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ ngăn chặn Mỹ trong vấn đề trừng phạt Iran.

Gần đây Tehran đã bắt đầu các bước giảm tuân thủ thỏa thuận này sau khi các nước châu Âu tham gia ký kết không thể áp dụng biện pháp cứu vãn thỏa thuận và đảm bảo hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Với việc phát hiện mỏ dầu mới này, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: “Bất chấp nỗ lực của những nước thù địch, cũng như các lệnh trừng phạt mà họ đang áp đặt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran, các công nhân và kỹ sư của chúng tôi vẫn làm việc chăm chỉ và mới đây đã phát hiện một mỏ dầu khổng lồ, với trữ lượng lên tới 53 tỷ thùng. Chỉ cần khai thác 1% mỏ dầu này, nguồn thu từ dầu mỏ chúng tôi sẽ tăng lên tới 32 tỷ USD”.

Ngọc Trang
.
.
.