Iran:

Thực hư cáo buộc tham nhũng của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad

Chủ Nhật, 06/08/2017, 15:18
"Trong nỗ lực khắc phục hậu quả, cáo trạng đã được trình. Nhưng các tổn thất từ những chính sách của ông ta quá lớn nên chúng ta không có cách khắc phục. Vậy chúng ta phải làm gì khi ông ta không có tài sản để bồi thường", công tố viên Fayaz Shojaie đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của tờ Etemaad, khi đề cập tới cáo buộc tham nhũng của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.


Công tố viên Fayaz Shojaie cũng cho biết, ông Mahmoud Ahmadinejad đang phải đối mặt với 7 tội danh "sử dụng công quỹ sai mục đích", trong đó có vụ bị "rút ruột" lên tới hơn 2 tỉ USD và việc này đã được Tòa án Tối cao báo cáo Quốc hội Iran.

Tuy nhiên hiện không rõ ông Mahmoud Ahmadinejad có phải hầu tòa hay không. Công tố viên Fayaz Shojaie tuyên bố, không tin có thể thu hồi những khoản tiền mà ông Mahmoud Ahmadinejad đã "sử dụng sai mục đích". Điều này đồng nghĩa với việc, cho dù bị buộc tội "rút ruột" công quỹ hàng tỉ USD, nhưng chính quyền không thể bắt ông Mahmoud Ahmadinejad đền bù.

Cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad

Theo giới truyền thông, mặc dù có uy tín trong đại bộ phận nhân dân, nhưng ông Mahmoud Ahmadinejad không được phe cứng rắn ủng hộ khi dám công khai bất đồng với Đại giáo chủ Ali Khamenei về nhiều chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Và điều này khiến ông Mahmoud Ahmadinejad lọt vào tầm ngắm, nhất là khi cựu Tổng thống quyết định ra tranh cử hôm 19-5 vừa qua.

Không những được Hội đồng Giám hộ phê chuẩn trở thành ứng cử viên ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 19-5, ông Mahmoud Ahmadinejad còn bị cáo buộc làm mất mặt Đại giáo chủ Ali Khamenei. Bởi trước đó lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã khuyên ông Mahmoud Ahmadinejad không nên tái tranh cử.

Và lập tức sóng gió ập tới khi người phát ngôn Bộ Tư pháp Gholam Hossein Mohseni-Ejei tuyên bố, các công tố viên đang điều tra xung quanh những khiếu kiện chống lại ông Mahmoud Ahmadinejad. Trong số các vụ kiện chống lại ông Mahmoud Ahmadinejad có 3 vụ kiện của Ủy ban Điều 90 thuộc Quốc hội Iran.

Theo đó, chính quyền dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad đã thất bại trong việc sáp nhập Bộ Thể thao và Bộ Thanh thiếu niên, bổ nhiệm Bộ trưởng không đúng thời điểm, từ chối xem xét các điều khoản của Hiệp hội dầu mỏ quốc gia và không phân bổ ngân sách cần thiết cho các dự án phát triển hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Tehran.

"Nếu ông Mahmoud Ahmadinejad không nộp hồ sơ đăng ký tham gia cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 19-5, người ta đã chẳng kiện cựu Tổng thống có liên quan đến các vi phạm hành chính", một quan chức cấp cao giấu tên trong Chính phủ Iran nói với giới truyền thông.

Theo hãng AFP và AP, ban đầu ông Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố không ra tranh cử và sẽ ủng hộ ông Hamid Baghaei chạy đua vào vị trí Tổng thống, nhưng sau đó lại "nuốt lời".

Dư luận cho rằng, việc Tòa án Tối cao tuyên bố y án tử hình đối với tỷ phú Babak Zanjani (6-12-2016), với tội danh biển thủ khoảng 2,68 tỷ USD là động thái đáng quan tâm. Bởi các thương vụ xuất khẩu dầu của tỷ phú Babak Zanjani diễn ra trong một thời gian dài dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad nắm quyền (2005-2013).

Ông Babak Zanjani bị cơ quan chức năng điều tra (đầu năm 2010), khi Iran tìm cách thu hồi số tiền xuất khẩu dầu bị phong tỏa ở các tài khoản nước ngoài. Và họ phát hiện ra nhiều khoản tiền xuất khẩu dầu bị phong tỏa không đứng tên Chính phủ Iran, đứng tên ông Babak Zanjani.

Ông Mahmoud Ahmadinejad

Tỷ phú Babak Zanjani đã trải qua 26 phiên xét xử, bị cáo buộc phạm nhiều tội danh và tuy là một trong những người giàu nhất Iran, nhưng ngày 6-3-2016, ông vẫn bị kết án tử hình. Ông Zohreh Rezalee, luật sư của ông Babak Zanjani coi bản án tử hình của thân chủ mang động cơ chính trị.

Ông Babak Zanjani thừa nhận, đã sử dụng mạng lưới công ty ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia để xuất khẩu dầu thay mặt Chính phủ Iran kể từ năm 2010. Ông Babak Zanjani bị Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách đen vì giúp Iran bán dầu và việc này diễn ra dưới thời ông Mahmoud Ahmadinejad nắm quyền.

Tỉ phú Babak Zanjani từng tự xưng là người hùng cứu đất nước Iran khi thành lập Tập đoàn Sorinet, lớn nhất trong lịch sử nước này để bán dầu, bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Bởi với lệnh cấm vận, cho dù Iran có bán được dầu nhưng chẳng có ngân hàng quốc tế nào dám đứng ra chuyển tiền cho họ. Và Tập đoàn Sorinet của tỷ phú Babak Zanjani có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đem tiền về Iran trong bao nhiêu năm bị cấm vận, nhưng án tử hình vẫn được tuyên.

Dư luận từng đặc biệt quan tâm tới bản danh sách những công ty và ngân hàng Trung Quốc vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân của Iran mà Washington chuyển cho Bắc Kinh. Mỹ từng cho rằng, nhiều công ty của Trung Quốc đã giúp Iran nâng cấp công nghệ tên lửa và phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuệ Sỹ
.
.
.