Interpol truy bắt 173 phần tử "Thánh chiến"

Thứ Năm, 27/07/2017, 14:36
Tờ The Guardian vừa dẫn thông báo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), khi họ lưu hành danh sách 173 phần tử Hồi giáo thánh chiến, có thể được huấn luyện để tiến hành các vụ tấn công khủng bố liều chết ở châu Âu.


Và sau khi Interpol gửi danh sách 173 kẻ tình nghi kể trên tới các nước thành viên châu Âu, các cơ quan an ninh và cảnh sát ở "lục địa già" đã bày tỏ mối quan ngại về việc IS sẽ gia tăng hoạt động sau thất thế ở Syria và Iraq. Interpol đã yêu cầu các nước thành viên chia sẻ tất cả thông tin họ có về những đối tượng tình nghi này.

Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, chưa có bằng chứng cho thấy những đối tượng kể trên đã thâm nhập châu Âu, bởi danh sách 173 đối tượng do các cơ quan an ninh-tình báo Mỹ tập hợp từ các vùng lãnh thổ vừa giành lại được của IS ở Trung Đông. Thông báo của Interpol được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt để tăng cường cuộc chiến chống khủng bố ở "lục địa già".

Lãnh đạo EU ngoài việc lên án mạnh mẽ những vụ tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan tiến hành, còn nhất trí tăng cường nỗ lực chống những chiến binh khủng bố nước ngoài và phần tử cực đoan trong lòng châu Âu. Trước đó, điều phối viên của Liên minh châu Âu (EU) về chống khủng bố Gilles de Kerchove đã chỉ ra những khiếm khuyết to lớn trong chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên.

Các tay súng IS tại Raqqa, Syria.

Theo giới truyền thông, thất bại liên tiếp tại Syria và Iraq là một trong những nguyên nhân khiến IS đẩy mạnh hoạt động khủng bố nhằm vào các nước phương Tây. Còn theo chuyên gia an ninh và quân sự của Iraq Abdullah al-Jubouri, những thất bại liên tiếp của IS sẽ thúc đẩy các nhóm khủng bố tìm "vùng đất thay thế". 

Trước đó, trang tin Dar al-Ifta đã đưa ra những cảnh báo về các hậu quả gây ra đối với các nước châu Âu, sau khi các tay súng IS trở về "lục địa già". Dar al-Ifta cho rằng, có khoảng 20% chiến binh IS là công dân châu Âu được cho đã quay lại quê hương.

Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Hà Lan đang được đặt trong tình trạng báo động cao trước sự trở lại của những công dân từng là chiến binh IS. Theo ông Georges Fenech, Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra của Quốc hội Pháp về những vụ khủng bố ở Paris, châu Âu nên lập một cơ quan điều tra có quyền hạn rộng rãi như FBI với tên gọi "FBI châu Âu", để chống khủng bố có hiệu quả.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Vladimir Safronkov cho rằng, nghị quyết chống các tổ chức khủng bố như IS và Al-Qaeda mới được Hội đồng Bảo an thông qua (nghị quyết 2368 do Mỹ soạn thảo) thiếu lệnh cấm kinh tế toàn diện nhằm ngăn chặn những phần tử khủng bố hưởng lợi từ giao dịch dầu mỏ.

Ông Vladimir Safronkov khẳng định, Nga quyết tâm bổ sung lệnh cấm này cùng với những biện pháp khác để khiến các tổ chức khủng bố bị cô lập hoàn toàn về tài chính và hậu cần. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa chỉ định nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga Vladimir Voronkov đứng đầu Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc mới được thành lập.

Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc đang gặp khó khăn trong hoạt động điều phối 38 thực thể của tổ chức này. Do đó, việc ra đời của một văn phòng chuyên trách chống khủng bố là thiết thực và quan trọng. Và trên cương vị mới, ông Vladimir Voronkov phải đảm nhận vai trò lãnh đạo, cũng như tham gia vào quá trình hoạch định quyết sách của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này.

Cũng liên quan tới khủng bố, nhưng cả Phó Thủ tướng Mehmet Simsek và Thủ tướng Binali Yilidrim đều bác bỏ thông tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho giới chức trách Berlin danh sách hơn 680 công ty Đức (trong đó có nhiều công ty lớn) bị Ankara nghi ngờ tài trợ cho khủng bố, gấp 10 lần con số ban đầu được giới truyền thông đưa ra.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định, Chính phủ nước này đang thực hiện "các bước đi mạnh mẽ và quyết đoán" trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. 

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo về hoạt động chống khủng bố của các nước trên thế giới, trong đó cho rằng Philippines nằm trong các nước hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố nhất trong năm 2016.

Theo giới chuyên môn, phần lớn thủ phạm trong các vụ tấn công khủng bố tại châu Âu và Mỹ đều là nam thanh niên, và có tên trong danh sách theo dõi của cảnh sát. Đây là một trong những kết luận được rút ra từ một nghiên cứu sau khi phân tích kỹ 51 vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại phương Tây trong 3 năm qua. Hãng Reuters vừa dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, 6 đối tượng bị bắt tại Tây Ban Nha, Anh và Đức vì bị cáo buộc có quan hệ với IS.

Thiện Lân
.
.
.