Interpol giải cứu 157 trẻ em khỏi đường dây buôn người ở Tây Phi

Thứ Ba, 30/04/2019, 20:35
Theo CNN các em nhỏ đều bị bọn buôn người đánh đập, lạm dụng và đe dọa sẽ không bao giờ được nhìn thấy gia đình nữa. Một em được tìm thấy khi đang thồ những bao gạo nặng tới 40kg qua biên giới giữa Benin và Nigeria.


"Đa số trẻ em bị đưa tới những khu chợ này và bị bắt ép làm việc. Đây là nhóm tội phạm có tổ chức và hoạt động kiếm tiền bài bản. Chúng không quan tâm tới việc trẻ em bị ép làm gái mại dâm, làm việc trong điều kiện tồi tệ, sống lang thang trên đường phố, miễn là kiếm được tiền", Paul Stanfield, Giám đốc bộ phận Tội phạm Có tổ chức và Mới nổi của Interpol cho hay.

47 người đã bị bắt

Nhóm trẻ em, một số mới 11 tuổi, nằm trong số 220 người được giải cứu khỏi đường dây buôn bán tình dục và lao động ở Tây Phi.

Theo Interpol, họ đã phối hợp với Cảnh sát Nigeria và Benin giải cứu 220 người khỏi đường dây bắt ép họ trở thành gái mại dâm và phần lớn đang làm người hầu tại các khu chợ ở biên giới hai nước. Trong số này có 157 nạn nhân là trẻ em, đến từ các quốc gia Tây Phi như Benin, Burkina Fasso, Niger, Nigeria và Togo.

Các bé gái được giải cứu.

47 người bị bắt sau cuộc đột kích. Chiến dịch kéo dài nhiều tháng, bắt đầu từ năm 2018. Lực lượng thực thi pháp luật địa phương, các cơ quan chống buôn người ở Benin và Nigeria, những quốc gia được coi là điểm nóng về buôn bán trẻ em, đều tham gia chiến dịch. 

Buôn người là thách thức lớn với nhiều nước châu Phi, nơi hàng nghìn người, chủ yếu là trẻ em, bị bán vào các đường dây buôn bán tình dục, lao động cưỡng bức. Cơ quan quốc gia về Chống buôn bán người của Nigeria (NAPTIP) cho hay hồi tháng 1, hơn 20.000 trẻ em gái ở quốc gia này bị buộc tham gia đường dây bán dâm trong các khu khai thác mỏ và khách sạn ở Mali. 

Những kẻ buôn người hứa hẹn thuê các em làm việc trong khách sạn ở Malaysia. Nạn nhân được giải cứu đã được đưa về cảnh sát địa phương ở Benin và Nigeria. Một số em đoàn tụ với cha mẹ, một số khác bị chuyển tới những trại tị nạn ở cả hai nước. 

Tháng 9-2018, 85 trẻ em cũng được giải cứu ở Sudan trong một chiến dịch khác của Interpol. Các em bị ép làm việc trong những mỏ khai thác vàng ở Khartoum, buộc phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Thâm nhập chợ nô lệ

Chỉ với 400 USD, người mua dễ dàng có được một lao động khỏe mạnh trong phiên đấu giá nô lệ ở Libya. "Tám trăm đây", chủ phiên đấu giá rao to. "900 ... 1.000 ... 1.100 ..." Bán. Chốt giá là 1.200 đồng dinar Libya, tương đương 800 USD, thứ được bán không phải xe cũ, miếng đất hay món đồ, mà là hai người sống, theo CNN.

Trong video quay hồi mới đây ở Libya có hai người, một là người Nigeria, khoảng 20 tuổi, mặc áo phông, quần dài. "Thanh niên mạnh khỏe, thích hợp làm việc đồng áng", người bán vừa chào mua vừa gạt camera đi. Sau khi xem cảnh đấu giá nô lệ trên, 6 phóng viên của CNN đã tới Libya mở phóng sự điều tra. 

Mang theo camera bí mật vào một khu đất ngoại ô thủ đô Tripoli, các phóng viên chứng kiến khoảng 10 người được mua bán trong vòng 6-7 phút. "Có ai cần thợ đào đất không? Có thợ đào đất đây, lực lưỡng khỏe mạnh", người bán rao. Người mua liên tục giơ tay. "500, 550, 600, 650...". 

Trong vòng vài phút, phiên bán kết thúc, số phận của những người đàn ông này được trao cho "chủ mới". Màn đấu giá kết thúc. Phóng viên CNN cố tiếp xúc với hai trong số những người bị bán. Họ tỏ ra cực kỹ sợ hãi, không nói được lời nào và nghi ngờ mọi người mình gặp.

Thuyền chở người nhập cư được giải cứu ở Địa Trung Hải cập bến một căn cứ quân sự ở Libya.

Mỗi năm, hàng chục nghìn người vượt biên vào Libya. Họ là những người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc muốn sang châu Âu kiếm tiền đổi đời. Đa số bán đi mọi tài sản mình có để lấy tiền vượt biên qua Libya tới Địa Trung Hải. Tuy nhiên, lính biên phòng Libya gần đây siết chặt kiểm soát, khiến số lượng thuyền chở người vượt biển ít hơn. 

Do đó, những người di cư và tị nạn trở thành nô lệ, còn dân buôn lậu trở thành kẻ buôn người. Những thước phim trên đã được bàn giao làm bằng chứng cho chính quyền Libya. 

Giới chức hứa sẽ mở cuộc điều tra. Naser Hazam, người đứng đầu cơ quan chống di dân trái phép của chính phủ ở Tripoli cho biết dù ông chưa chứng kiến vụ đấu giá nô lệ nào, nhưng có biết các băng nhóm có tổ chức đang điều hành đường dây buôn người trong nước.

"Chúng thường nhồi 100 người đầy thuyền. Những kẻ này có thể làm bất kỳ chuyện gì", ông Haazam nói.

Nguyễn Minh
.
.
.