Indonesia:

Tăng cường giám sát sinh viên để chống khủng bố, cực đoan

Thứ Hai, 18/06/2018, 12:53
Sau sự kiện đơn vị chống khủng bố 88 của cảnh sát quốc gia bắt giữ được 3 cựu sinh viên Đại học Riau (Unri) đang lên kế hoạch tấn công vào trụ sở Hạ viện ở thủ đô Jakarta và tòa nhà Hội đồng lập pháp Riau ở Pekanbaru, các trường Đại học Indonesia đã thắt chặt việc giám sát hoạt động của sinh viên.


Hãng tin The Jakarta Post cho hay, đây là lần đầu tiên cảnh sát Indonesia bắt giữ các nghi phạm khủng bố bên trong một trường học. Trước khi tiến hành vụ bắt giữ, cảnh sát đã rà soát tất cả và nắm bắt được hoạt động cũng như các thông tin xung quanh những cựu sinh viên này.

Cả 3 tên đều đã bị khống chế và bắt giữ ngay tại khuôn viên của Trường Đại học Riau. Đồng thời, đơn vị chống khủng bố 88 cũng đã tịch thu và vô hiệu hóa được 4 quả bom tự chế đang trong tình trạng sẵn sàng chờ kích nổ.

Sức công phá của những quả bom này tương đương sức công phá của những quả bom đã phát nổ tại các vụ khủng bố ở Surabaya vừa qua. Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ được một lượng lớn thuốc nổ để chế tạo bom và nhiều loại vũ khí khác như súng trường, cung tên... tất cả đều phục vụ mục đích tấn công khủng bố.

Khuôn viên Trường Đại học Riau, nơi 3 cựu sinh viên đang chuẩn bị kế hoạch tấn công khủng bố.


Một số nguồn tin khác dẫn lời một sĩ quan cảnh sát Indonesia cho hay, một trong 3 nghi phạm tên là Muhammad Nur Zamzam được xác định đã kết nối với thành viên của Jamaah Ansharut Daulah (JAD), một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) tại Iraq và tên này cũng bị cáo buộc tham gia các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở nhiều tỉnh thành của Indonesia, trong đó có Riau.

Kết quả điều tra ban đầu của cảnh sát cũng cho thấy những kẻ khủng bố bị nghi ngờ ở Riau đã ở lại tòa nhà trong một tháng. Thời gian đó, chúng đã chế tạo bom và xây dựng kế hoạch tấn công trường học, trụ sở Hạ viện ở Jakarta và tòa nhà Hội đồng lập pháp Riau ở Pekanbaru.

Trong thời gian đó họ bị cáo buộc xây dựng bom và lên kế hoạch thổi bay Hội đồng Lập pháp Riau ở Pekanbaru và Hạ viện ở Jakarta. "Có những vật liệu nổ tại hiện trường. Chúng tôi đã phải phong tỏa trường học và vô hiệu hóa chúng", phát ngôn viên của cơ quan cảnh sát địa phương tiết lộ.

Từ vụ việc này, Bộ Xã hội Indonesia ra khuyến cáo rằng, không chỉ người lớn mà các học sinh cấp 2, 3 và sinh viên đại học đang trở thành đối tượng để thành viên của IS tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan.

Trong số 161 đối tượng vừa hoàn thành chương trình cải tạo và chống quá khích của Chính phủ Indonesia hồi tháng trước, có gần 1/2 là trẻ em. Kết quả một cuộc điều tra xã hội học do Viện Wahid phối hợp với Cơ quan Khảo sát Indonesia tiến hành cũng cho thấy, thanh niên ở Indonesia dễ bị nhiễm tư tưởng cực đoan hơn các đối tượng dân cư khác.

Ridwan Habib, một chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Indonesia (UI) ở Depok, Tây Java cho biết vụ bắt giữ tại Đại học Riau cho thấy các thành viên của những nhóm khủng bố đang tiếp cận và tuyển dụng sinh viên hoặc học giả tại các cơ sở giáo dục.

"Các nhóm này thường sử dụng phương pháp tiếp cận cá nhân để tuyển dụng những người có liên kết trước với các nhóm Hồi giáo cực đoan khác", Ridwan Habib nhận định.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục Đại học Mohamad Nasir thừa nhận, gần đây chính phủ đã có thông tin cảnh báo về việc các trường đại học đang trở thành mục tiêu nhắm tới của các tổ chức khủng bố và cực đoan.

Thậm chí, bảy trường đại học hàng đầu của Indonesia cũng đã được tìm thấy trong một tài liệu của khủng bố do Cơ quan chống khủng bố quốc gia (BNPT) thu được. Đó là các trường: Đại học Indonesia, Đại học Airlangga, Đại học Brawijaya, Đại học Công nghệ Sepuluh tháng 11, Viện Công nghệ Bandung, Viện Nông nghiệp Bogor và Đại học Diponegoro.

Vì vậy, từ cuối năm ngoái, Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục Đại học Indonesia đã cho ban hành một quy định để kiểm soát sự lây lan của các quan điểm cực đoan trong nhà trường, giảng đường. Nay, sau vụ việc này, các trường cần phải có biện pháp mạnh hơn.

Chính vì lẽ đó mà ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Đại học Riau, các nhà quản lý giáo dục ở tỉnh Riau đã tổ chức ngay một cuộc họp khẩn tại thủ phủ Pekanbaru với tuyên bố chung về "tăng cường cam kết chống lại" chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và không khoan dung với khủng bố...

Hiệu trưởng Trường Đại học Unri cho biết, trường này sẽ thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn sự lan rộng các tư tưởng cực đoan như giám sát và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của sinh viên được thực hiện tại trường.

Đại học Bắc Sumatra (USU) tại Medan, nằm ở tỉnh lân cận Bắc Sumatra của Riau cũng đã yêu cầu cho tất cả các phòng ban của trường tạm dừng các hoạt động trong khuôn viên của trường sau 22h.

"Mỗi khóa học được giảng dạy tại USU phải kết thúc trước 21h30. Sau thời gian đó, chúng tôi cấm sinh viên và giảng viên tổ chức các hoạt động bên trong khuôn viên của trường. Tất cả nhằm mục đích ngăn chặn những hành vi xấu có thể xảy ra", Hiệu trưởng USU Runtung Sitepu cho biết.

Linh Oanh
.
.
.