Imelda Marcos và bản án 77 năm tù
77 năm tù
Tòa án đã cấm bà Imelda đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền, nhưng bà vẫn có thể giữ vai trò là thành viên Hạ viện trong quá trình kháng cáo. Nhiệm kỳ của bà Imelda sẽ kết thúc vào năm sau, nhưng bà đã ứng cử chạy đua chức thống đốc tỉnh Ilocos Norte để thay thế con gái mình.
Bà Imelda không tham dự phiên điều trần ngày 9-11 và cũng không có bất cứ đại diện nào. Các luật sư của bà đã lên kế hoạch kháng cáo. Các nhà lập pháp Philippines hôm 13-11 cho biết bà Imelda Marcos vẫn có thể bị bắt và bỏ tù bất chấp tuổi đã cao, và cảnh sát sẽ thực thi lệnh từ tòa án để đưa bà vào tù sau khi bị kết án bởi tòa Sandiganbayan lên tới 77 năm tù giam.
Hôm 9-11, Tòa Sandiganbayan cáo buộc bà Imelda phạm tội trong 7 vụ kiện chống lại bà từ năm 1991 đến 1995 liên quan đến các tài khoản ở Thụy Sĩ mà chồng bà đã thành lập và sử dụng để cất giữ hơn 200 triệu đô la ở nước ngoài trong khi phục vụ như một quan chức chính phủ.
Tiền gửi bí mật của Marcos đã lên đến 680 triệu USD vào thời điểm nhà độc tài bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Nhân quyền Edsa năm 1986. Trong một cuộc họp báo, Nghị sĩ đối lập Edcel Lagman nói rằng không có luật nào miễn trừ cho bà Imelda để không chấp hành án tù.
Tòa Sandiganbayan cho biết sự vắng mặt của bà Imelda khi tòa đưa ra phán quyết là "không có lý do chính đáng" và đã ra lệnh bắt giữ bà. Theo Điều 120 của Quy tắc Tòa án, một tù nhân không xuất hiện mà không có lý do chính đáng sẽ "mất các biện pháp khắc phục có sẵn trong các quy tắc này chống lại bản án và tòa án sẽ ra lệnh bắt giữ người đó".
Ông Ferdinand Marcos, chồng của bà Imelda, là Tổng thống Philippines giai đoạn 1965-1986 và từng ban bố thiết quân luật, cho phép mình độc tài cầm quyền, trong khi gia đình và các đồng minh của ông làm giàu bằng tham nhũng. Ferdinand Marcos bị lật đổ trong cuộc nổi dậy do quân đội hậu thuẫn vào năm 1986 và chết vào năm 1989 khi đang lưu vong ở Hawaii.
Trong khi đó, bà Marcos cùng các con trở lại Philippines và hầu hết đều có chức vụ trong chính quyền. Gia đình Marcos từng bị cáo buộc vơ vét kho bạc của chính phủ giữa khủng hoảng nghèo đói. Tuy nhiên, họ phủ nhận mọi cáo buộc và kháng cáo thành công nhiều vụ kiện tham nhũng khác.
Là vợ góa của độc tài Ferdinand Marcos, bà Imelda còn nổi tiếng vì sở hữu khối tài sản khổng lồ, chủ yếu là giày dép và trang sức. Trong phiên điều trần ngày 9-11, bà được xử trắng án trong 3 vụ kiện khác được đệ trình vào năm 1991. Bà Imelda từng bị kết tội tham nhũng vào năm 1993, nhưng Tòa án Tối cao sau đó tuyên bố bà vô tội.
Xa hoa bậc nhất
Bà Imelda là người có sở thích mua sắm đến kỳ lạ. Bất cứ món đồ quý giá, độc đáo theo catalog sẽ được bà bỏ hàng triệu USD ra mua. Năm 1981, bà đã mua toàn bộ tác phẩm tại một phiên đấu giá nghệ thuật trị giá 5 triệu USD của Hãng Sotheby’s.
Một trong số những cuộc dạo chơi tốn kém được ghi vào lịch sử thế giới là hành trình 90 ngày của Imelda tại New York, Rome và Copenhagen với số tiền tiêu tốn lên tới 7 triệu USD. Chưa hết, bà Imelda còn từng gây sốc khi chi 10 triệu USD cải tạo hoàn toàn một thị trấn tại Philippines để tổ chức đám cưới thế kỷ cho con gái.
Bộ sưu tập hơn 1.000 đôi giày với những thương hiệu nổi tiếng của bà khiến bất cứ ai nhìn vào cũng phải trầm trồ và thèm muốn. Kho tàng giày này trở thành biểu tượng cho lối sống xa hoa của cựu Đệ nhất phu nhân trong khi hàng triệu người Philippines phải sống trong nghèo khổ cùng cực.
Năm 2012, Imelda tuyên bố tài sản ròng của bà là 22 triệu USD và được xếp hạng là nhà chính trị Philippines giàu thứ nhì sau nhà chính trị và võ sĩ quyền Anh Manny Pacquiao.