IS hồi sinh ở Syria

Thứ Sáu, 30/08/2019, 09:53
Mặc dù mất lãnh thổ của “caliphate”, nhưng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria (IS) đã củng cố khả năng nổi dậy ở Iraq và đang hồi sinh ở Syria trong quý này, từ tháng 4 đến tháng 6.


Vậy, tại sao IS lại hồi sinh ở Syria? Báo cáo cho biết một phần vì Lực lượng An ninh Iraq (ISF) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn vẫn không thể duy trì các hoạt động lâu dài chống lại phiến quân IS. SDF đang bận huấn luyện và chuẩn bị quân đội cho một cuộc rút quân của Mỹ, không còn chú tâm cho những nỗ lực nghiền nát những gì còn lại của IS trong vùng lân cận của chúng, như xung quanh Thung lũng sông Middle Euphrates.

Ở Iraq, IS đã củng cố các khả năng nổi dậy của mình vì ISF - sau hàng tỷ USD huấn luyện và trợ giúp của Mỹ - vẫn là một lực lượng non trẻ thiếu khả năng duy trì lực lượng trong lãnh thổ bị chiếm được. IS đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình đối với người dân ở các tỉnh đa số Sunni ở phía bắc và phía tây Baghdad, đã tổ chức lại sự lãnh đạo của mình và thiết lập các thiên đường an toàn ở khu vực đa số Sunni.

Theo báo cáo, IS có khả năng giữ lại từ 14.000 - 18.000 thành viên ở Iraq và Syria, trong đó có tới 3.000 người nước ngoài. Rất nhiều chi tiết khác trong báo cáo cho biết đó là vấn đề di sản từ cuộc chiến IS. 

Chẳng hạn, các chiến binh của IS đã vượt qua biên giới Syria-Iraq mà không gặp nhiều khó khăn sau khi thành trì IS cuối cùng ở MERV bị sụp đổ vào tháng 3-2019. 

Điều đó giúp tổ chức khủng bố này có khả năng thực hiện các hoạt động khai thác những bất đồng và căng thẳng giữa người Hồi giáo Shia của Iraq và cộng đồng Hồi giáo Sunni, cũng như khai thác sự bất mãn của người dân đối với những thất bại của Chính phủ Iraq. 

IS cũng khai thác các vùng màu xám ở Iraq, giống như khoảng cách giữa lực lượng an ninh của chính quyền trung ương Iraq và chính quyền khu vực Kurdistan (KRG), một vùng lãnh thổ mà cả hai bên tuyên bố chủ quyền nhưng không bên nào kiểm soát hoàn toàn. IS đang đốt các vụ mùa để gieo rắc bất hòa và bất ổn, cũng như thực hiện các vụ ám sát ở cả Iraq và Syria.

Trong khi đó, Hồi giáo Iran tiếp tục điều động các binh sĩ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, hỗ trợ Hezbollah của Liban và chỉ huy một mạng lưới chiến binh nước ngoài của Hồi giáo Shia, bao gồm các dân quân từ Iraq, Pakistan và Afghanistan. Các tù nhân IS do SDF giam giữ (khoảng 10.000 người, với 2.000 người trong số đó là người nước ngoài) có thể trở thành những quả bom bất ngờ.

Công thức cho sự thành công của SDF chống lại IS ở Syria là tạo dựng niềm tin với cộng đồng địa phương và phát triển hệ thống tình báo dựa trên con người cần thiết để đối đầu với các tế bào nổi dậy của IS và khả năng nổi dậy ở Syria. 

Tại một cuộc họp nội các tháng 7, Tổng thống Trump cho biết: “Chúng ta đã chiếm 100% lãnh thổ caliphate và chúng ta sẽ nhanh chóng rút khỏi Syria. Chúng ta sẽ sớm ra khỏi đó. Và để họ xử lý vấn đề của riêng họ. Syria có thể tự xử lý các vấn đề của họ cùng với Iran, Nga, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta cách họ 7.000 dặm”.

Sau 3 ngày hội đàm với Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn liên quan đến việc thành lập một khu vực an toàn ở phía bắc Syria, phối hợp với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo thông báo của cả hai quốc gia, các quan chức đã đồng ý 3 điều: 1/ Thực hiện nhanh chóng các biện pháp ban đầu để giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. 2/ Tổ chức thành lập một trung tâm hoạt động chung ở Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt để phối hợp và quản lý việc thiết lập vùng an toàn cùng nhau. 3/ Khu vực an toàn sẽ trở thành một hành lang hòa bình, và mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để người Syria di tản có thể trở về đất nước của họ.

Theo Louisa Loveluck, người đứng đầu Văn phòng Baghdad của Washington Post, thỏa thuận đó chỉ là một nỗ lực mua thời gian vì những vấn đề đặc biệt gây tranh cãi như độ rộng của khu vực an toàn, ai là người sẽ tuần tra và thời gian thực hiện lại không được nhắc tới.

Đông Văn
.
.
.