Hy Lạp:

Trẻ em bị tấn công tình dục tại các trại tị nạn

Thứ Hai, 22/08/2016, 19:31
Theo chân cha mẹ đi tìm cuộc sống mới ở miền đất hứa châu Âu, nhiều đứa trẻ đã phải sống chôn mình trong các trại tị nạn. Kinh hoàng hơn, chúng trở thành mục tiêu tấn công tình dục của những kẻ biến thái đang sống cùng trong các trại tị nạn.

Trong số những nạn nhân trẻ em bị tấn công tình dục tại các trại tị nạn Hy Lạp có nhiều em chỉ mới 7 tuổi. Báo cáo của cảnh sát Hy Lạp cùng kết quả điều tra của một số tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ ở châu Âu cho thấy, nạn tấn công tình dục trẻ em đang ngày càng phổ biến tại các trại tị nạn trên khắp châu Âu.

Cách an toàn nhất là trẻ em được khuyến cáo không ra khỏi nơi mình ở trong trại tị nạn vào ban đêm. Nhưng vẫn còn rất nhiều vụ tấn công tình dục trẻ em trong các trại tị nạn xảy ra vào ban ngày.

Chẳng hạn như ở trại tị nạn Softex do chính phủ Hy Lạp xây dựng, không chỉ có trẻ em mà phụ nữ cũng được khuyến cáo không nên đi tới các nhà vệ sinh công cộng một mình khi trời tối. Trại tị nạn Softex là nơi trú ngụ tạm thời của khoảng 1.400 người tị nạn Syria, trong số đó có rất nhiều trẻ em gái và một số em xinh xắn đã bị ép gả cưới cho thủ lĩnh của các băng nhóm khác nhau trong trại tị nạn.

Trẻ em trong trại tị nạn ở Hy Lạp. Ảnh: Getty.

Một gia đình tị nạn người Iraq từng ở trại này kể rằng con gái họ đã bị tấn công tình dục và họ buộc phải làm đơn xin chuyển sang trại tị nạn khác. Anita Dullard - thành viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết đã có một sự gia tăng các vụ bạo lực tình dục trong các trại tị nạn ở Hy Lạp và hiện đã được cảnh báo cho chính phủ.

Anna Chiara Nava từ tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Thessaloniki cũng xác nhận rằng họ đã lắng nghe những lời cáo buộc của trẻ em là nạn nhân của bạo lực tình dục. Văn phòng cao ủy về người tị nạn của Liên hợp quốc cũng đã nhận được nhiều báo cáo và các tổ chức về tình trạng này.

Trong các cuộc làm việc với đại diện chính phủ Hy Lạp trong thời gian gần đây, Văn phòng cao ủy về người tị nạn của Liên hợp quốc đã đề nghị chính quyền Athens phải có biện pháp ngăn chặn và gia tăng an ninh, bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái trong các trại tị nạn.

Điều phối viên của Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng tị nạn, Giorgos Kyritsis, cho biết rằng trong số những người tị nạn tại Softex, có tới 60% là người Syria, trong đó có khoảng 170 trẻ em. Giorgos Kyritsis thừa nhận: "Trại Softex là nơi xảy ra nhiều vụ tấn công tình dục trẻ em nhất. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tính toán và lên kế hoạch để phân chia lại các khu ở sao cho hợp lý hơn".

Kể từ hồi tháng 2 vừa qua khi các quốc gia trên lộ trình di cư Balkans tuyên bố đóng cửa biên giới nhằm hạn chế dòng người di cư ồ ạt đổ vào, Hy Lạp và đặc biệt là cửa khẩu Idomeni đã trở thành điểm nóng với hàng chục nghìn người di cư bị mắc kẹt tại đây do không thể tiếp tục hành trình của mình.

Có thời điểm cửa khẩu này trở nên quá tải với hơn 12.000 người di cư tìm đến, sống chen chúc trong cảnh sinh hoạt thiếu thốn, cùng cực và phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe và bệnh tật.

Ngay sau đó, chính phủ Hy Lạp đã buộc phải xây dựng một loạt trại tị nạn gần Thessaloniki sau khi một trại tị nạn chính thức ở Idomeni, gần biên giới của Macedonia đã bị đóng cửa vào tháng 5.

Và trong những trại tị nạn đó, không hiếm những đứa trẻ do thiếu dinh dưỡng, thuốc men mà trở nên kiệt sức, chết dần chết mòn. Những đứa trẻ lớn hơn thì luôn trở thành con mồi bị những kẻ xấu rình rập. Theo văn phòng cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, các khu trại mới không đạt chuẩn.

Lương thực và nước uống cùng điều kiện vệ sinh kém đã tạo điều kiện để những kẻ xấu thực hiện hành vi bất lương. Thậm chí, ngoài số trẻ em bị tấn công tình dục, một số tờ báo địa phương còn cho hay, có nhiều trẻ em đã bị giết để lấy nội tạng.

Ngư dân Hy Lạp đã vớt được nhiều xác trẻ em ở Địa Trung Hải. Thời điểm kinh hoàng nhất là vào mùa thu và mùa đông năm 2015, ngư dân đảo Lesbos đã chứng kiến hàng trăm xác chết của trẻ em di cư dạt vào hòn đảo này.

Chi Anh
.
.
.