Hy Lạp - Rào cản tham vọng “Tổ quốc biển xanh” của Thổ Nhĩ Kỳ?
Để đáp trả, Hy Lạp cho triển khai đội tàu chiến ở vùng biển Egée. Căng thẳng còn gia tăng khi ngày 10-8, Thổ Nhĩ Kỳ đưa tiếp một tàu khảo sát Oruc Reis, cũng được một đội hải chiến hộ tống đến các vùng lãnh hải thuộc Hy Lạp.
Lịch sử tranh chấp
Từ nửa thế kỷ nay, Athens và Ankara vẫn có tranh chấp lãnh hải. Ông Christian Fleury, chuyên gia về vấn đề hàng hải, khi trả lời hãng thông tấn Sputnik của Nga, lưu ý cuộc xung đột mới lần này giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một ví dụ điển hình về một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước do sự mập mờ của văn bản pháp lý quốc tế. Theo chuyên gia này, trên thế giới hiện nay có ít nhất 200 tình huống có thể dẫn đến những tranh chấp như thế.
Nhìn trên bản đồ, Thổ Nhĩ Kỳ với diện tích gần 800.000 km², ba bề là biển cả. Phía Bắc có biển Đen; Tây và Tây-Nam có biển Egée. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ lại bị quốc gia láng giềng đối diện là Hy Lạp, diện tích nhỏ hơn đến 8 lần, khoảng hơn 130.000 km², gần như chế ngự toàn bộ vùng biển Egée ở phía Tây từ Bắc xuống Nam.
Hồ sơ tranh chấp lãnh hải giữa hai nước không chỉ bùng lên mới đây, mà từ năm 1973, ngay giữa lòng cuộc khủng hoảng dầu lửa.
Đây cũng là hệ quả của quá khứ lịch sử để lại. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối một số thỏa thuận như đồng thuận Thổ - Ý năm 1932 về việc vạch ranh giới phía Nam biển Egée giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ý - khi ấy là chủ sở hữu quần đảo Dodécanèse, sau này được Ý nhường lại cho Hy Lạp vào năm 1947 trong khuôn khổ Hiệp định Paris; hay như Hiệp ước Lausanne 1923 về quy định lằn ranh lãnh hải ở phía bắc biển Egée giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1996, Ankara và Athens suýt xảy ra xung đột khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi xem xét lại “nguyên trạng” tại vùng biển Egée này.
Tàu tuần tra hải quân Hy Lạp ngoài khơi đảo Kastellorizo thuộc chủ quyền Hy Lạp nhưng cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tầm 2-3 km. |
Ba cấp độ căng thẳng
Vào thời điểm đó, giới quan sát đã nhận thấy rằng “toàn bộ vùng biển Egée” đã là một vùng xung đột cực kỳ phức tạp nếu nhìn từ góc độ luật quốc tế. Bản thân địa hình của vùng biển cũng đã là một điểm gây khó khăn.
Bởi vì, vùng biển “bán khép kín” này bao gồm một chuỗi đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền của cả hai nước, phần lớn thuộc về Hy Lạp. Việc có nhiều đảo lớn nhất nằm ở những vị trí “xấu” nhất, nghĩa là đối diện với các bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ còn làm cho bài toán pháp lý vốn dĩ đã hóc búa thêm phần phức tạp.
Nguyệt san Le Monde Diplomatique trong một số ra năm 1996, vào thời điểm xảy ra căng thẳng Ankara – Athens, từng phân tích rằng chính sự bất cân xứng địa lý này đã biến những đòi hỏi chủ quyền giữa hai nước thành một dạng trò chơi ghép hình ở ba cấp bậc.
Đầu tiên hết là vùng không gian lãnh hải. Biển Egée là một tuyến hàng hải quan trọng. Nếu chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Hy Lạp có tham gia ký còn Thổ Nhĩ Kỳ thì không, toàn bộ vùng biển 12 hải lý từ Bắc đến Nam đi từ quần đảo Cyclades đến Dodécanèse tại biển Egée đều thuộc về Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ xem như bị tước các quyền chủ yếu, cảng biển Izmir lớn nhất của nước này gần như bị tách biệt với Địa Trung Hải.Chính vì điều này mà Ankara đã không chấp nhận ký Công ước Luật Biển.
Nhà báo Ariane Bonzon, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và Cận Đông, giải thích: “Chúng ta nên biết là Ankara không ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Họ từ chối ký công ước này chỉ vì họ cho rằng nếu đặt bút ký, toàn bộ vùng biển Egée trở thành “ao nhà” của Hy Lạp.
Nghĩa là người dân Thổ khi đi tắm biển có nguy cơ đến tắm ở biển Hy Lạp. Bởi vì, một hòn đảo được quyền có 12 hải lý đường ranh giới bao bọc quanh đảo. Mà Hy Lạp thì có đến 6.000 đảo và đảo nhỏ. Đây thật sự là một trong số các vấn đề”.
Tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ngoài khơi các đảo Hy Lạp gây tranh chấp hiện nay giữa hai bên. |
Vấn đề thứ hai liên quan đến không phận. Từ năm 1931, Hy Lạp đòi hỏi trong không phận của mình một vùng chủ quyền 10 hải lý cho toàn bộ các đảo. Nhưng vì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ công nhận một vùng 6 hải lý từ năm 1974, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xâm nhập vào vùng 4 hải lý tranh cãi còn lại. Đương nhiên, không quân Hy Lạp luôn tìm cách ngăn chặn. Những hành động can thiệp như vậy thường rất giống như là đang đánh trận, có thể sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Cuối cùng là thềm lục địa. Athens và Ankara bất đồng về việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế mỗi bên. Thổ Nhĩ Kỳ mong có một đường trung dung ở giữa cho phép nước này khai thác nguồn tài nguyên biển, và nhất là dầu khí tại toàn bộ một nửa vùng phía Đông của biển Egée (ngoại trừ vùng chủ quyền xung quanh các đảo Hy Lạp). Thế nhưng, mong mỏi này của Ankara không bao giờ được Athens chấp nhận.
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có dẫn đến chiến tranh?
Giờ đây, những công nghệ tiên tiến còn tạo nhiều thuận lợi hơn cho công việc thăm dò tìm nguồn dầu khí, mà Thổ Nhĩ Kỳ rất đang cần đến vì 80-90% khí đốt tiêu thụ trong nước là nhập khẩu từ Nga. Việc phát hiện mới nhiều nguồn dự trữ dầu khí dồi dào cũng như việc Hy Lạp cùng các nước Ai Cập, Israel và Chypre ký kết các thỏa thuận khai thác dầu khí tại biển Egée còn làm cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm phần bất an, cảm thấy như bị gạt ra ngoài cuộc chơi.
Chỉ có điều theo như quan sát của nhà báo Ariane Bonzon, tuy vấn đề này là cũ xưa, cuộc tranh chấp đã có từ lâu, nhưng căng thẳng giữa hai nước giờ mang một dáng dấp mới do còn có một mối liên minh giữa những người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, giới quân sự, các định chế Thổ Nhĩ Kỳ với ông Erdogan.
“Mối liên minh này từ năm 2006 đưa ra giả thuyết về một “tổ quốc biển xanh”. Nghĩa là họ muốn mở rộng ra Địa Trung Hải mà không cần đếm xỉa đến luật quốc tế, đây cũng chính là những gì họ đang làm. Thế nên, cần phải cẩn trọng.
Không phải chính ông Erdogan mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang hành động mà chính là liên minh Xanh – Hồi giáo Erdogan với những hoàng tử mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, bài phương Tây. Điều này được nhận thấy từ nhiều năm qua. Đó là một sự mở rộng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ra bên ngoài, ra chính trường quốc tế như tại châu Phi, Trung Á... Một sự mở rộng cả về quyền lực mềm lẫn quân sự”.
Hải quân Hy Lạp tập trận ở Đông Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ do tranh chấp lãnh hải, ngày 25-8-2020. |
Phải chăng người ta có thể sử dụng hình ảnh này như là một dạng pháo đài, một pháo đài của châu Âu để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiến ra Địa Trung Hải? Ông Slimane Zeghidour, cây bút xã luận mục Quốc tế kênh truyền hình TV5 khẳng định rõ ràng Luật Biển quốc tế hạn chế Thổ Nhĩ Kỳ vươn xa ra Địa Trung Hải. Người Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị hẫng hụt khi phải nhìn thấy một chuỗi các đảo trước mắt, đối diện ngay trước các bãi biển của mình lại thuộc về Hy Lạp nằm cách xa đến 400-500 km.
“Điều này quả thật là khó xử lý nhất là khi chúng ta biết rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia rộng lớn có đến 80 triệu dân, Hy Lạp đối diện chỉ có 10 triệu. Thêm vào đó là một quá khứ lịch sử nặng nề. Hy Lạp từng bị đế chế Ottoman chiếm hữu trong vòng nhiều thế kỷ. Hơn một phần tư đế vương Ottoman có thân mẫu là người Hy Lạp, và quê hương của Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một người xứ Thessalonique của Hy Lạp”, ông Slimane Zeghidour nói.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể đi đến chiến tranh hay không? Theo ông Slimane Zeghidour, điều này khó xảy ra vì Thổ Nhĩ Kỳ là nước đóng góp quân số đông thứ hai trong NATO.
Ở đây, có một điểm đáng lưu ý là các sĩ quan Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều được đào tạo theo cùng một khuôn mẫu, cùng một trường phái, họ biết rõ các trang thiết bị quân sự lẫn nhau. Chẳng hạn như chiếc tàu chiến của Thổ, tháp tùng với tàu khảo sát dầu khí đều là do Pháp sản xuất, được trang bị các tên lửa của Pháp. Trong một chừng mực nào đó, họ đều là người cùng một nhà. Một sự quá đà là điều có thể, những sự cố chết người cũng có khả năng xảy ra.
“Nhưng cùng lắm là một sự đối đầu như hồi năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm đảo Chypre và đã xảy ra các cuộc đối đầu. Dù có người chết, nhưng quân đội hai nước cũng chưa bao giờ bước vào xung đột, chỉ đi đến mức chính Hy Lạp rút ra khỏi khối NATO bởi vì theo Athens, NATO đã không ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Chypre”, ông Slimane Zeghidour phân tích.