Điều tra nghi án hối lộ để bán thuốc giá cao
Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Tư pháp Hy Lạp Stavros Kontonis cho biết, các tài liệu từ một cuộc điều tra đã được chuyển tới Quốc hội hôm 6-2. Stavros Kontonis cũng mô tả các cáo buộc này là "vụ bê bối lớn nhất kể từ khi thành lập Nhà nước Hy Lạp hiện đại".
Mặc dù ông Stravros Kontonis không tiết lộ tên các chính trị gia bị cáo buộc liên quan nhưng theo một số phương tiện truyền thông tư nhân, có ít nhất 10 chính trị gia bị nhúng chàm trong vụ này, trong đó có cả cựu Thủ tướng Antonis Samaras, cựu Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras và 8 cựu Bộ trưởng khác.
Một công tố viên chống tham nhũng của Hy Lạp cho biết thêm rằng, các cáo buộc đều dính líu đến các Bộ trưởng nắm quyền từ năm 2006-2015, tức là trước khi Chính phủ hiện nay được hình thành. Các quan chức cũng đưa ra lời buộc tội tham nhũng đối với Giám đốc chi nhánh Hy Lạp của Novartis.
Một góc phòng thí nghiệm của Novartis. |
Người này hiện đã bị cấm xuất cảnh. Sau cuộc họp khẩn với Thủ tướng Alexis Tsipra, ông Stavros Kontonis nhấn mạnh: "Vào thời khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, khi các công dân nghèo của chúng tôi khó tìm được thuốc mà họ cần cho sức khoẻ của họ thì có những nhà sản xuất thuốc đã bằng mọi cách làm tăng giá thuốc một cách bất hợp pháp. Mặc dù các chính trị gia được bảo vệ bởi chế độ miễn nhiệm của nghị viện và các đạo luật hạn chế nghiêm ngặt, họ vẫn có thể bị truy tố về hành vi này".
Hãng tin Reuters cho biết, cuộc điều tra của Hy Lạp nhằm vào hãng Novartis được đẩy mạnh sau khi Quốc hội nước này thông qua kiến nghị của Chính phủ cho phép mở cuộc điều tra nhằm vào những bê bối trong ngành y tế cách đây 2 thập kỷ, liên quan tới các vụ hối lộ và nâng giá các loại thuốc và thiết bị y tế tại nước này.
Kiến nghị được đưa ra hồi tháng 4 và được 187/300 phiếu ủng hộ. Khi đó, cuộc điều tra nhằm vào các cáo buộc về việc quản lý yếu kém trong ngành y tế tại Hy Lạp từ năm 1997-2014, gây tổn thất lớn đối với ngân sách nhà nước.
Những nghi vấn được bắt nguồn từ vụ mua lại một trong những bệnh viện do Hội Chữ thập đỏ Hellenic quản lý hồi năm 2014. Cái tên Novartis đã được nhắc đến bởi không chỉ Hy Lạp mà chính phủ Mỹ và Trung Quốc cũng điều tra và buộc hãng này phải trả hàng triệu euro tiền phạt vì liên quan đến rửa tiền và trốn thuế.
Thậm chí, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) còn cử nhân viên đến mở cuộc điều tra "khẩn trương và kỹ lưỡng" về việc các công chức Mỹ và Hy Lạp nhận hối lộ từ Tập đoàn dược phẩm khổng lồ Novartis của Thụy Sỹ. FBI đã cùng với cơ quan chức năng của Hy Lạp thẩm vấn khoảng 180 người tại Hy Lạp.
Về phần mình, Novartis cho biết, hãng dược phẩm này đang thu thập thêm thông tin và hợp tác với các cơ quan chức năng về vụ việc và cam kết "xem xét nghiêm túc mọi cáo buộc về hành vi sai trái".
Một cuộc điều tra nội bộ hãng cũng được tiến hành dựa theo lá đơn tố giác cho rằng Novartis đã hưởng lợi khoảng 20 triệu USD do tác động của hãng tư vấn Aydin đến giới chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ để hai loại thuốc liên quan đến bệnh xơ phổi mãn và thấp khớp của trẻ em vào trong danh mục kê đơn thuốc tại các bệnh viện công, cho hưởng mức giá ưu đãi và giấy phép nhập khẩu đặc biệt cho một loại thuốc mà giấy phép sản xuất đã hết hạn.
Được biết, hồi năm 2014, Bộ Y tế Italy đã yêu cầu Novartis phải bồi thường thiệt hại 1,2 tỷ euro cho dịch vụ y tế công cộng liên quan đến các sản phẩm thuốc của họ trên thị trường nước này.
Yêu cầu đòi bồi thường này do bà Beatrice Lorenzin, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy đưa ra sau khi Bộ này xét thấy các tập đoàn này có dấu hiệu móc ngoặc với nhau để tận dụng vị thế thống trị thị trường, buộc dịch vụ y tế công của Italy sử dụng những loại sản phẩm đắt tiền của họ.