Hủy trao giải Nobel Văn học vì bê bối tình dục
Nguyên nhân là vì hàng loạt thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển (nơi trao tặng giải) đã buộc phải từ chức vì bê bối tấn công tình dục liên quan đến nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Claude Arnault, chồng thành viên của Viện - nhà thơ Katarina Frostenson.
Quyết định này được công bố vào 9h ngày 4-5, sau một cuộc họp khẩn cấp giữa các thành viên cấp cao của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Thông cáo báo chí có đoạn viết: "Quyết định đã được đưa ra dựa trên sự đồng thuận cao của 10 thành viên. Sau cuộc họp vào tối 3-5, chúng tôi thấy rằng cần phải dành thời gian để khôi phục niềm tin của công chúng đối với Viện".
Ông Anders Olsson, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói: "Chúng tôi thấy cần phải dành thời gian để khôi phục niềm tin của công chúng đối với Viện. Chúng tôi đang hành động vì sự tôn trọng đối với những người thắng giải Nobel Văn học trong quá khứ và tương lai, Qũy Nobel và công chúng".
Cũng theo lời ông Anders Olsson thì quyết định này không ảnh hưởng đến các giải Nobel 2018 khác đã được trao trước đó. Và thay vì việc không trao giải Nobel Văn học 2018, đến năm 2019, Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ công bố tên 2 người thắng giải, một cho giải Nobel Văn học 2018 và một cho giải Nobel Văn học 2019.
Nhiếp ảnh gia Jean-Claude Arnault và vợ là nhà thơ Katarina Frostenson. |
Việc hủy bỏ trao giải thưởng Nobel Văn học, (lần gần đây nhất trao cho Kazuo Ishiguro), bắt nguồn từ những cáo buộc nhằm vào nhiếp ảnh gia Jean-Claude Arnault, một nhân vật văn hóa lớn của Thụy Điển đã kết hôn với một thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển, nhà thơ Katarina Frostenson.
Vụ việc được tờ báo Thụy Điển Dagens Nyheter đăng tải từ tháng 11 năm ngoái. Theo đó, có 18 phụ nữ cáo buộc bị Jean-Claude Arnault quấy rối tình dục và lạm dụng thể chất trong suốt hai thập kỷ.
Tiếp sau cáo buộc này là cáo buộc về xung đột lợi ích của một câu lạc bộ văn học mà ông và Katarina Frostenson thành lập với đỉnh điểm là việc Jean-Claude Arnault bị cho là đã tiết lộ tên những người đoạt giải Nobel văn học trước đây.
Tờ Dagens Nyheter dẫn lời những phu nữ này cho biết, nhiếp ảnh gia Jean-Claude Arnault đã sử dụng ảnh hưởng của mình trong thế giới nghệ thuật, bao gồm cả các mối liên hệ với thành viên Viện Hàn lâm để gây áp lực đối với những phụ nữ trẻ này, buộc họ phải quan hệ tình dục.
Những hành vi phạm tội của Jean-Claude Arnault đã diễn ra tại các Học viện thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển ở Stockholm và thủ đô Paris (Pháp). Nữ nghệ sĩ Anna-Karin Bylund, một trong 18 nạn nhân kể rằng cô đã có khiếu nại lên Viện Hàn lâm vào năm 1996 rằng ông Jean-Claude Arnault đã tấn công tình dục cô nhưng bị bác bỏ.
Một người phụ nữ khác là tiểu thuyết gia Gabriella Hakansson nói rằng ông Jean-Claude Arnault đã tấn công cô vào năm 2007 và "dò dẫm" cả Công chúa Crown Victoria, người thừa kế ngai vàng của Thụy Điển.
Đây là bê bối lớn nhất trong lịch sử 70 năm trao giải Nobel Văn học. |
Đáng chú ý là ngoài rắc rối này, ông Jean-Claude Arnault còn bị cáo buộc đã tiết lộ trước tên của 7 người thắng giải Nobel Văn học. Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng bị cáo buộc đã vi phạm luật lệ về tài chính khi tài trợ cho một diễn đàn CLB văn học của vợ chồng ông Jean-Claude Arnault và "ngó lơ" các cáo buộc tấn công tình dục này.
Một cuộc điều tra độc lập trong nội bộ Viện Hàn lâm đã phát hiện việc Viện từng nhận được một lá thư từ năm 1996 thông báo việc tấn công tình dục ở CLB văn học nói trên.
Trong thông cáo hồi tháng 4, Viện Hàn lâm Thụy Điển thừa nhận họ đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và lòng tin trong viện đã bị xói mòn.
Viện cũng bày tỏ "sự nuối tiếc sâu sắc rằng lá thư đã bị xếp xó và không có biện pháp nào được tiến hành để điều tra các cáo buộc". Đến nay, bà Katarina Frostenson và 5 thành viên khác trong tổng số 18 thành viên của Viện Hàn lâm bao gồm cả thư ký thường trực Sara Danius đã từ chức, hai thành viên khác không tham gia công việc của Viện vì lý do khác.
Trước bê bối này, Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển, người bảo trợ của Viện Hàn lâm tuyên bố ông đang dõi theo vụ việc và đã quyết định thay đổi các quy tắc cho phép từ chức, và cho phép ban hội thẩm thay thế bất kỳ thành viên nào không hoạt động trong hai năm. Đây là sự can thiệp hiếm hoi của một nhà vua Thụy Điển với Viện Hàn lâm.