"Hồ sơ Panama": Thêm những tiết lộ gây sốc

Thứ Sáu, 13/05/2016, 13:30
Tuyên bố hôm 6-5 của John Doe, nhân vật bí mật đã tiết lộ "Hồ sơ Panama" tiếp tục được dư luận quan tâm khi thời điểm công bố phần 2 của 11,5 triệu chứng từ thuế thuộc công ty luật Mossack Fonseca ở Panama (liên quan đến các thương vụ làm ăn ngầm ở nước ngoài của hàng nghìn người trên thế giới) đã tới. 


Bởi theo tuyên bố của tờ Sueddeutsche Zeitung và Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ), vào hồi 18h, ngày 9-5 (theo giờ địa phương), họ công bố (tại https://offshoreleaks.icij.org) phần còn lại của "Hồ sơ Panama".

Trong tuyên bố (dài 1.800 chữ) đưa ra hôm 6-5, John Doe khẳng định, chưa từng làm việc cho cơ quan tình báo hay chính phủ của bất cứ quốc gia nào, nhưng sự bất bình đẳng trong thu nhập đã thôi thúc anh chia sẻ những tài liệu mật kể trên. Và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật nhiều nhất có thể. Đồng thời nhấn mạnh, cuộc cách mạng sẽ được số hóa và các nhà điều tiết ngân hàng, định chế tài chính và giới chức ngành thuế đã thất bại, thay vì tập trung cho những người thu nhập thấp và vừa, họ chỉ hướng đến người giàu.

Vẫn theo John Doe, "Hồ sơ Panama" có thể kéo theo hàng nghìn vụ khởi tố nếu các cơ quan hành pháp có thể tiếp cận và đánh giá tài liệu thực sự. John Doe khẳng định, việc tiết lộ các chứng từ của Mossack Fonseca khiến công ty này phải trả lời về vai trò của họ trong các hoạt động trốn thuế và rửa tiền. Và cũng như trước đây, một lần nữa công ty Mossack Fonseca tuyên bố, hệ thống dữ liệu của họ bị đột nhập bởi hệ thống máy chủ ở nước ngoài và không làm điều gì phạm pháp.

Nhân vật tự xưng John Doe đã tiết lộ “Hồ sơ Panama”.

Ngày 7-5, Tổng thống Barack Obama cho biết, việc chính thức công bố Luật thẩm tra chi tiết khách hàng (Customer Due Diligence) sẽ giúp chính quyền chống lại nạn tham nhũng và trốn thuế, cũng như buộc các ngân hàng phải công khai chủ sở hữu thực của các công ty bình phong. Giới chuyên môn cho rằng, với các biện pháp mới được đề xuất sẽ ngăn chặn các đối tượng phạm tội sử dụng công ty bình phong hay các thực thể pháp lý khác để gian lận thuế.

Mỹ đang cố gắng khắc phục những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp để tránh bị lợi dụng trốn thuế và rửa tiền. Bởi Washington coi vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" chứng tỏ sự cấp thiết phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, giúp ngăn chặn các mánh khóe trốn thuế và rửa tiền. Đồng thời cam kết hợp tác với các đối tác quốc tế để giải quyết những thách thức chung.

Theo mạng tin Toronto Star và CBC, sau khi "Hồ sơ Panama" được đăng tải, Royal Bank of Canada (RBC), ngân hàng lớn nhất Canada, đã đồng ý chuyển cho chính phủ nước này danh sách các khách hàng có "quan hệ hoặc liên hệ" với công ty luật Mossack Fonseca. Và cơ quan Thuế Canada (CRA) đã kiện RBC nhằm buộc ngân hàng này phải đáp ứng yêu cầu của họ.

Theo giới truyền thông, CRA đang có trong tay ít nhất 40 đối tượng có liên quan đến Mossack Fonseca và sẽ trừng trị họ, nếu thu thập đủ chứng cứ. Ngày 4-5, Thẩm phán Argentina Sebastian Casanello đã yêu cầu Bahamas và Panama cung cấp thông tin liên quan tới các công ty do Tổng thống Mauricio Macri làm Chủ tịch (theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama").

Thẩm phán Sebastian Casanello nhấn mạnh, việc điều tra kể trên nhằm xác định Tổng thống Mauricio Macri có đóng cổ phần trong các công ty là Fleg Trading và Kagemusha, vốn có trụ sở tại 2 quốc gia kể trên hay không. Và ngay sau khi biết yêu cầu của Thẩm phán Sebastian Casanello, Tổng thống Mauricio Macri đã tuyên bố, sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc này.

Ngày 3-5, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela thừa nhận, vụ "Hồ sơ Panama" đã khiến nhiều quốc gia bị tổn thương và nạn trốn thuế trở thành vấn đề toàn cầu. Bởi những thông tin được tiết lộ có liên quan đến cách thức và địa điểm mà nhiều quan chức và giới nhà giàu trên thế giới cất giấu tài sản để trốn thuế và rửa tiền. Nhưng cũng toát lên một sự thật, nhiều nước trên thế giới có thể chế tài chính hợp pháp đang bị tổn thương do những hành động không được công khai, không vì lợi ích công.

Và để chấm dứt tình trạng kể trên, các quốc gia cần minh bạch hơn và tăng cường chia sẻ thông tin. Tổng thống Juan Carlos Varela đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Panama và Mỹ ký thỏa thuận về chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, một động thái được cho là nhằm tăng cường sự hợp tác của 2 nước trong việc chống nạn gian lận thuế và rửa tiền.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 5-5, Phủ Tổng thống Panama cho biết, Bộ trưởng An ninh Rodolfo Aguilera và Thứ trưởng Rogelio Donadio đã chính thức xin từ chức, và Tổng thống Juan Carlos Varela đã chấp thuận. Bởi theo con số thống kê chính thức cho thấy, trong 10 năm qua, số lượng tổ chức tội phạm ở Panama tăng cao - từ 88 lên 205 và một số đã liên kết với nhau tạo thành đường dây tội phạm lớn và nguy hiểm.

Thiện Lân
.
.
.