Hồ sơ Panama: Nhiều chính trị gia có nguy cơ mất ghế
- Hồ sơ Panama: Vệt dầu tiếp tục loang
- “Hồ sơ Panama”: Khởi nguồn một cuộc chiến thông tin
- "Hồ sơ Panama": Thêm những tiết lộ gây sốc
- Đang điều tra nghĩa vụ thuế các cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama
Và khi phát biểu với tờ The Australian Financial Review, phát ngôn viên của ông Malcolm Turnbull tuyên bố, Thủ tướng Australia không biết Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ công nghệ Star, được Công ty luật Mossack Fonseca thành lập và quản lý để khai thác quặng vàng ở Siberia.
Đồng thời nhấn mạnh, Thủ tướng Malcolm Turnbull không biết công ty này bị cáo buộc hậu thuẫn cho các chính trị gia Nga trước hay sau khoảng thời gian ông làm giám đốc. Bởi gần 23 năm trước (29-10-1993), Thủ tướng Malcolm Turnbull và cựu Thủ hiến bang New South Wales Neville Wran từng tham gia vào Star Mining NL, một công ty của Australia khai thác mỏ vàng ở Siberia (trị giá 20 tỷ AUD có tên Sukhoi Log).
Các quan chức tham dự hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng tại London. |
Nhưng đến 3-12-1993, ông Malcolm Turnbull và ông Neville Wran đã chuyển sang một công ty khác của Star Mining ở quần đảo Virgin thuộc Anh là Star Technology Sevices Limited. Ngày 1-9-1995, 2 ông này rời khỏi Star Mining và 1 tháng sau “cắt hộ khẩu” khỏi Star Technology.
Tiếp tục điều tra những người "lộ sáng"
Thẩm phán Argentina Sebastian Casanello vừa yêu cầu Ngân hàng Trung ương Argentina cung cấp thông tin tài chính của Tổng thống Mauricio Macri cùng người thân và các công ty có liên quan theo tiết lộ từ ''Hồ sơ Panama''. Đồng thời yêu cầu Cơ quan Phòng chống tham nhũng và Cơ quan Thuế vụ nước này thông báo mọi dữ liệu liên quan tới khai báo tài sản và đóng thuế của Tổng thống Sebastian Macri cùng gia đình trong vòng 5 năm qua.
Bởi Tổng thống Mauricio Macri từng giữ chức Giám đốc công ty Fleg Trading và Kagemusha, có trụ sở tại Bahamas và Panama. Cũng theo yêu cầu của Thẩm phán Sebastian Casanello, Ngân hàng Trung ương các nước Panama, Anh, Bahamas, Uruguay, Ireland và Brazil phải cung cấp mọi thông tin tài chính của Tổng thống Mauricio Macri cùng thân nhân tại các công ty mà họ đứng tên, kể từ năm 2012 tới nay.
Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa khẳng định, giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng trốn thuế và rửa tiền hiện nay là thiết lập một cơ chế quốc tế ngăn cấm hoạt động của các “thiên đường thuế". Và coi đây là cách duy nhất để có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Theo tiết lộ của "Hồ sơ Panama", hiện có hơn 850 công ty và tài khoản ủy thác có liên quan tới Ecuador.
Và theo tờ El Telegrafo, trong giai đoạn 2004-2013, gần 26 tỷ USD từ Ecuador được chuyển ra nước ngoài, tới các nước giàu và "thiên đường thuế". Tổng chưởng lý Ecuador Galo Chiriboga cho biết, sẽ phối hợp với Panama để điều tra các hành vi sai trái khi gặp người đồng cấp Panama vào cuối tháng 5.
Theo giới truyền thông, Quốc hội và cơ quan tư pháp Bolivia đang nỗ lực điều tra thông tin của 95 cá nhân và công ty có tên trong “Hồ sơ Panama”, bao gồm cựu Tổng thống Jorge Tuto Quiroga (2001-2002) và ứng cử viên Tổng thống Samuel Doria Medina. Danh sách kể trên xuất hiện và được xác định khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố trên mạng internet những bí mật trong “Hồ sơ Panama”.
Và cơ quan thuế Bolivia đang điều tra, đánh giá thiệt hại về kinh tế do vụ bê bối “Hồ sơ Panama” gây ra. Phó Tổng thống Alvaro Garcia Linera cho biết, Quốc hội đã thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những trường hợp hữu quan. Về phần mình, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo sẽ đề xuất một kế hoạch hành động chống tham nhũng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức trong 2 ngày (26 và 27-5) ở Ise, Nhật Bản.
Tỷ phú Sam Wyly. |
Còn theo người phát ngôn Bộ Tài chính Ấn Độ S.D. Malik, Cơ quan thuế nước này đã gửi thông báo cho tất cả người dân Ấn Độ có tên trong cơ sở dữ liệu ICIJ vừa công bố và sẽ điều tra từng người dựa trên câu trả lời của họ.
Giới truyền thông cho biết, tờ Washington Post và New York Times đã chính thức tham gia với ICIJ để điều tra những tài liệu có trong “Hồ sơ Panama”. Trước đó mới có 2 tờ McClatchy và Fusion của Mỹ tham gia vào công việc này. “Chúng tôi rất phấn khởi được làm việc chung với New York Times và Washington Post, 2 trong số những tờ báo lớn nhất thế giới”, Phó Giám đốc ICIJ Marina Walker tuyên bố. Hãng AP vừa dẫn lời người phát ngôn của Công ty Luật Mossack Fonseca - họ sẽ có hành động pháp lý đối với ICIJ. Đồng thời yêu cầu ICIJ ngừng công bố thông tin từ số tài liệu mà Mossack Fonseca cho là bị đánh cắp trong một vụ tấn công mạng.
Thẩm phán Tòa Phá sản tại Dallas, Mỹ Barbara Houser vừa phán quyết, tỷ phú Sam Wyly ở bang Texas phạm tội gian lận thuế, bởi có liên quan tới những hành vi không trung thực trong một kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm trốn thuế đối với số tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD ở các quỹ tín thác tại nước ngoài. Trước đó, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đã yêu cầu tỷ phú Sam Wyly và chị dâu Caroline Wyly phải nộp 3,22 tỷ USD tiền truy thu thuế, tiền phạt và lãi suất trong một vụ kiện được tiến hành tại Tòa Phá sản ở Dallas. Nhưng sau đó IRS hạ số tiền phạt xuống còn 1,43 tỷ USD đối với ông Sam Wyly và 834,2 triệu USD đối với bà Caroline Wyly.
Trung tâm chống tham nhũng quốc tế
Theo hãng RIA Novosti, Anh sẽ hợp tác với Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Austarlia, New Zealand và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) thành lập Trung tâm chống tham nhũng quốc tế và đặt trụ sở tại London. Và các chuyên gia từ Trung tâm chống tham nhũng quốc tế, cùng các chuyên gia từ Cơ quan Tội phạm quốc gia, sẽ hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật và các công tố viên của những quốc gia hữu quan trong việc điều tra và trừng phạt những đối tượng tham nhũng, đồng thời thu hồi tài sản liên quan.
Thủ tướng Anh David Cameron coi việc thành lập Trung tâm chống tham nhũng quốc tế là “những phát súng” đầu tiên trong nỗ lực bài trừ vấn nạn tham nhũng trên thế giới. Ông David Cameron muốn Anh là quốc gia đầu tiên trong nhóm G20 cung cấp hồ sơ công khai về chủ sở hữu thực sự của các công ty đang hoạt động tại xứ sở sương mù.
Đồng thời kêu gọi các nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cũng như cởi mở hơn trong việc bài trừ vấn nạn tham nhũng. Theo giới chuyên gia, sau khi “Hồ sơ Panama” tiết lộ những thông tin mới, một số quốc gia đã cam kết chia sẻ dữ liệu, cho phép cảnh sát và công tố viên điều tra, làm rõ ai thật sự là chủ sở hữu những tài sản đã đăng ký.
Tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống tham nhũng đầu tiên tổ chức ở London (12-5), ông David Cameron đã công bố chi tiết những biện pháp nhằm tăng cường sự minh bạch, theo đó những công ty nước ngoài sở hữu tài sản tại Anh đều phải công khai danh tính chủ sở hữu hưởng lợi thật sự. Những doanh nghiệp muốn mua tài sản ở Anh hoặc tham gia đấu thầu các hợp đồng của chính phủ cũng phải hành động tương tự.
Và nếu việc này được thực hiện từ tháng 6-2016, sẽ ngăn các đối tượng tham nhũng chuyển tiền, rửa tiền và che giấu tài sản trái phép tại thị trường bất động sản Anh. Ông David Cameron coi tham nhũng là kẻ thù của tiến bộ và là gốc rễ của nhiều vấn nạn trên thế giới và là căn bệnh ung thư đã lan tỏa khắp toàn cầu - hủy hoại công ăn việc làm, kéo lùi sự tăng trưởng kinh tế, kìm kẹp những người nghèo nhất trong sự khốn khó, cùng cực và làm suy yếu an ninh quốc gia.
Hồ sơ Panama. |
Giới truyền thông cho rằng, ông David Cameron đang phải chịu sức ép bởi trong số hơn 210.000 công ty giao dịch với Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, hơn 50% (113.000 công ty) đăng ký kinh doanh tại quần đảo British Virgin thuộc Anh, nơi được coi là “thiên đường thuế”. Theo giới chuyên môn, trong số những biện pháp nhằm minh bạch về thuế được Thủ tướng David Cameron đưa ra, mục tiêu đầu tiên là thị trường bất động sản London.
Bởi theo đánh giá của tổ chức Minh bạch Quốc tế, thị trường bất động sản London là “máy rửa tiền” đáng quan ngại nhất. Theo thống kê, hiện có 44.000 căn nhà (theo số liệu chính thức) ở London do các công ty nước ngoài sở hữu, nhưng không rõ ai là chủ nhân thực sự.
Giới truyền thông cho biết, Pháp, Hà Lan, Nigeria và Afghanistan đã cam kết sẽ bước đi tương tự Anh. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định, tham nhũng đe dọa các nước bởi nó dung dưỡng tội phạm và khủng bố. Đồng thời khuyến cáo, thất bại của chính phủ trong việc diệt trừ tham nhũng sẽ dẫn tới bất ổn trong đất nước.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về sự gia tăng của những tổn thất kinh tế-xã hội do tham nhũng gây ra đối với nền kinh tế thế giới. Theo IMF, những ước tính gần đây cho thấy, tham nhũng gây thiệt hại từ 1.500-2.000 tỉ USD/năm, tương đương với 2% GDP thế giới. IMF cho rằng, nghèo đói và thất nghiệp có thể là dấu hiệu của tình trạng tham nhũng kéo dài. Và đã cung cấp hướng dẫn về các biện pháp chống tham nhũng như tăng lương cho nhân viên chính phủ, thành lập các tòa án chuyên trách xét xử các vụ tham nhũng, trừng phạt các công ty có hành vi tham nhũng tại nước ngoài và thành lập các văn phòng riêng phụ trách thu thuế từ những đối tượng nộp thuế lớn. Tổ chức Cứu trợ quốc tế Oxfam ước tính, châu Phi thất thoát khoảng 14 tỉ USD tiền thuế mỗi năm.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng AP mới đây, tỷ phú Donald Trump tuyên bố, sẽ không công khai hồ sơ thuế trước cuộc bầu cử tháng 11 do đang có một đợt kiểm toán tài chính. Nhưng ngay sau đó, ông Donald Trump lại tuyên bố (trên Twitter cá nhân), ông không từ chối công khai hồ sơ thuế trước cuộc bầu cử - hồ sơ thuế đang được kiểm toán định kỳ và sẽ công khai khi quá trình này hoàn tất, không phải sau bầu cử. Tuyên bố bất nhất của ông Donald Trump khiến dư luận quan tâm khi từ chối công khai hồ sơ thuế trước cuộc bầu cử tổng thống và trở thành ứng cử viên đầu tiên quyết định như vậy trong 40 năm qua. Theo website PolitiFact, nếu không công khai hồ sơ thuế, ông Donald Trump sẽ vi phạm truyền thống chính trị ở Mỹ - mọi ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống đều phải công khai hồ sơ thuế, kể từ năm 1976 đến nay. Ông Mitt Romney, cựu ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2012 cảnh báo, ông Donald Trump không đủ tiêu chuẩn là người đại diện của đảng Cộng hòa nếu không công khai hồ sơ thuế trước tháng 11. |