"Hồ sơ Panama": Nhiều bí mật tiếp tục được công bố
- Hồ sơ Panama: Tổng thống Argentina Macri phản đòn
- Nhà văn nổi tiếng trong “hồ sơ Panama”
- “Hồ sơ Panama”: Mở rộng diện điều tra
Và sự ra đi của Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha Jose Manuel Soria hôm 15-4 là minh chứng cho điều này. Bởi chỉ sau 4 ngày kể từ khi tờ El Confidencial tiết lộ bí mật từ "Hồ sơ Panama", ông Jose Manuel Soria đã phải từ chức, trở thành nạn nhân sau Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson.
Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Jose Manuel Soria từ chức sau khi đề nghị Panama tuyên bố không phải là Giám đốc Công ty UK Lines Limited ở Bahamas. Và quyết định từ chức giúp ông Jose Manuel Soria không phải giải trình trước Quốc hội về những phát ngôn trước đó của mình.
Ngày 16-4, hơn 150.000 người Anh đã xuống đường biểu tình kêu gọi Thủ tướng David Cameron từ chức vì có liên quan tới "Hồ sơ Panama". Trước đó (14-4), Tổ chức vận động chống đói nghèo (Oxfam) có trụ sở tại London, Anh đã cáo buộc 50 tập đoàn, công ty lớn nhất của Mỹ đang kiểm soát khoảng 1.400 tỷ USD trong các tài khoản ở nước ngoài để tránh phải trả hàng tỷ USD tiền thuế ở Mỹ.
Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha Jose Manuel Soria vừa từ chức vì “Hồ sơ Panama”. |
Theo Oxfam (dựa trên "Hồ sơ Panama"), trong giai đoạn 2008-2014, 50 tập đoàn, công ty lớn nhất của Mỹ như hãng dược phẩm Pfizer, ngân hàng Goldman Sachs, doanh nghiệp bán lẻ Walmart, tập đoàn công nghệ Apple, hãng điện tử General Electric, công ty phần mềm Microsoft... đã nhận trung bình 27 USD tiền cho vay của liên bang, bảo lãnh vay nợ và tiền cứu trợ cho mỗi USD mà họ đóng thuế ở Mỹ.
Chủ tịch Oxfam ở Mỹ Raymond Offenheiser nhấn mạnh, trong khi người dân Mỹ phải đóng thuế, những tập đoàn đa quốc gia được hưởng lợi từ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ do người đóng thuế tài trợ lại đang trốn hàng tỷ USD tiền thuế. Giới truyền thông từng đưa tin, chính Mỹ chứ không phải Panama là "thiên đường trốn thuế" bởi đăng ký lập công ty ma tại đây dễ hơn làm thẻ thư viện.
Trong khi đó, Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Panama Isabel De Saint Malo khẳng định, việc minh bạch hóa ngành tài chính của Panama là tiến trình "không thể đảo ngược". Đồng thời cam kết thúc đẩy minh bạch ngành tài chính hiện đang bị tổn hại sau "Hồ sơ Panama", cũng như hối thúc đối thoại với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để giải quyết thách thức trốn thuế và rửa tiền.
Panama còn tái khẳng định cam kết trong việc triển khai cơ chế trao đổi thông tin song phương tự động theo đúng mục tiêu của Tiêu chuẩn chung về Báo cáo Thuế. Cũng như tăng cường giám sát các công ty luật sau khi Mossack Fonseca trở thành tâm điểm sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama".
Theo bà Carlamara Sanchez, người đứng đầu cơ quan giám sát các công ty phi tài chính của chính phủ Panama cho biết, biện pháp giám sát mới sẽ được khởi động trong vài ngày tới, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này. Trước đó, công ty luật Mossack Fonseca đã bị khám xét, nhưng theo Trưởng nhóm công tố viên Javier Caraballo (13-4), công tác điều tra vẫn đang diễn ra vì Mossack Fonseca lưu trữ phần lớn dữ liệu ở dạng số trong hơn 100 máy tính.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động và lãnh đạo các nước châu Phi lo ngại, các doanh nghiệp lớn và các quốc gia giàu có thuộc OECD sẽ không nhanh chóng cải cách hệ thống thuế như họ đã cam kết. Theo thống kê, các nước nghèo bị mất hơn 100 tỷ USD/năm tiền thuế doanh nghiệp chỉ vì sự khác biệt trong hệ thống thuế toàn cầu. Do đó, việc cải cách hệ thống thuế toàn cầu là cấp thiết.
Động thái kể trên của Panama diễn ra sau khi 5 nền kinh tế hàng đầu châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha) kêu gọi trấn áp các "thiên đường trốn thuế", đồng thời hối thúc các thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) chấm dứt hoạt động bí mật của các công ty ma tiếp tay cho trốn thuế và rửa tiền. Bộ trưởng Tài chính của 5 quốc gia kể trên còn đề xuất một danh sách đen các "thiên đường trốn thuế" giống như Panama nếu những nước này không chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với các nước khác. Theo tờ Le Monde, có 365 ngân hàng trên thế giới đã sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca và nghị viện châu Âu có thể sẽ thành lập ủy ban để điều tra "Hồ sơ Panama".
Và tiết lộ của tờ L'Espresso đang khiến dư luận Italia bất bình khi công bố 100 cái tên từ "Hồ sơ Panama", trong đó có cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Theo đó, ông Silvio Berlusconi là người đứng đầu Sport Image International, một công ty có trụ sở ở quần đảo Virgin thuộc Anh, được thành lập từ năm 1989 và đã hoạt động từ đó tới nay, nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống thuế Italia.