Hé lộ đường dây buôn bán nô lệ ở Libya

Thứ Hai, 11/12/2017, 16:21
"Tám trăm", nhà đấu giá nói. "900... 1.000... 1.100...". “Ðã bán với giá 1.200 dinar Libya” (tương đương 800 USD). Ðó không phải phiên đấu giá một chiếc xe đã qua sử dụng, một mảnh đất hay một đồ vật. Chính xác hơn, họ không bán "hàng hóa", mà là 2 con người. 2 con người với giá 800 USD!


400 đôla/người

Một trong những người đàn ông không xác định đã bị rao bán trong đoạn video quay bằng điện thoại mà Hãng CNN tiếp cận được là người Nigeria. Anh ta khoảng 20 tuổi, mặc áo ba lỗ và quần thun.

Anh ta bị chào bán như là một trong nhóm "những chàng trai to khỏe thích hợp cho công việc làm nông”. Khuôn mặt người rao bán anh hoàn toàn không xuất hiện trong đoạn video. Tất cả những gì người ta có thể thấy về người rao bán là một bàn tay đặt trên vai của chàng trai bị rao bán.

Sau khi xem cảnh quay cuộc đấu giá nô lệ này, phóng viên CNN đã tìm cách xác minh tính xác thực của nó và đến Libya để điều tra thêm.

Mang theo máy ảnh giấu kín để vào một căn nhà ngoại ô thủ đô Tripoli hồi tháng 10 vừa qua, phóng viên CNN chứng kiến hơn chục người bị bán trong buổi đấu giá diễn ra không tới 10 phút.

"Có ai cần người đào bới không? Đây là một người đào bới, một người đàn ông to lớn, anh ta sẽ đào bới", người bán hàng mặc trang phục ngụy trang nói. "Tôi đặt giá như thế nào, tôi đặt giá như thế nào?".

Người di cư được cứu trên biển Địa Trung Hải được đưa đến một căn cứ hải quân ở Tripoli vào tháng 10-2017.

Người mua hàng giơ tay lên khi giá dần nhích lên, "500, 550, 600, 650 ...". Trong vòng vài phút, mọi chuyện đã kết thúc và những người đàn ông được bàn giao cho các "ông chủ" mới của họ.

Sau buổi đấu giá, các nhà báo đã gặp 2 người đàn ông bị rao bán. Họ bị tổn thương nặng nề bởi những gì đã trải qua đến nỗi không thể nói thành lời, và sự sợ hãi khiến họ nghi ngờ bất cứ ai họ gặp.

Những người cùng khổ

Mỗi năm có hàng chục ngàn người đổ đến dọc biên giới Libya. Họ là  người tị nạn chạy trốn những cuộc xung đột, hoặc di dân kinh tế để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở châu Âu. Hầu hết họ đã bán tất cả mọi thứ họ có để lấy tiền cho cuộc hành trình qua Libya đến bờ biển và cửa ngõ vào Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cuộc trấn áp gần đây của lính biên phòng Libya khiến ít tàu thuyền vượt biên có thể ra biển, khiến những kẻ buôn lậu nắm trong tay rất nhiều người di cư. Vì vậy, bọn buôn lậu trở thành ông chủ, người di cư và người tị nạn trở thành nô lệ.

Các bằng chứng được quay bởi CNN đã được bàn giao cho các nhà chức trách Libya.

Đại úy Naser Hazam thuộc Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh bất hợp pháp của chính phủ ở Tripoli nói với CNN rằng, mặc dù ông không chứng kiến các cuộc đấu giá nô lệ nhưng ông thừa nhận rằng các băng nhóm có tổ chức đang vận hành những đường dây buôn lậu trong nước.

Mohammed Abdiker, Giám đốc hoạt động và tình huống khẩn cấp của Tổ chức Di cư Quốc tế, sau khi trở về từ Tripoli vào tháng 4, cho biết: "Một số báo cáo thực sự kinh hoàng và những báo cáo mới nhất về 'thị trường nô lệ' người nhập cư có thể được thêm vào một danh sách dài sự vi phạm nhân quyền".

Các cuộc đấu giá diễn ra tại một thị trấn bình thường ở Libya với những người dân có cuộc sống cũng bình thường như bao nơi khác: trẻ em chơi trên phố; mọi người đi làm, nói chuyện với bạn bè và nấu bữa tối cho gia đình họ. Nhưng bên trong các cuộc đấu giá nô lệ giống như chúng ta đã quay ngược thời gian về thời nô lệ. Điều duy nhất không giống thời nô lệ là không có cùm xung quanh cổ tay và mắt cá của người di cư.

Bị trục xuất

Anes Alazabi là giám sát viên tại một trung tâm giam giữ người nhập cư ở Tripoli cho biết, anh đã nghe "rất nhiều câu chuyện" về sự lạm dụng của những kẻ buôn lậu đối với di dân.

Anh Victory.

Victory, 21 tuổi, một trong số những di dân bị giam giữ,  nói rằng anh đã bị bán trong một cuộc ðấu giá nô lệ. Mệt mỏi vì tham nhũng lan tràn tại đất nước Nigeria, anh đã trốn khỏi nhà và bỏ ra 1 năm 4 tháng và toàn bộ tiền tiết kiệm để đến châu Âu. Anh đã được bọn buôn người đưa tới Libya, nơi anh và các di dân khác phải sống trong điều kiện sống ảm đạm, bị tước đoạt thức ăn, lạm dụng và bị ngược đãi.

Khi các khoản tiền của anh bị cạn kiệt, Victory đã bị buôn bán như một người lao động hàng ngày của những kẻ buôn lậu. Chúng nói với anh rằng lợi nhuận thu được từ các giao dịch sẽ giúp giảm nợ của anh. Nhưng sau vài tuần buộc phải làm việc, Victory được cho biết số tiền anh được trả là không đủ. Anh buộc phải trở lại với những kẻ buôn lậu và  bị bán đi bán lại nhiều lần.

Bọn buôn lậu cũng yêu cầu các khoản thanh toán tiền chuộc từ gia đình của Victory trước khi thả anh ta.

 "Tôi đã bỏ ra 1 triệu đô la Nigeria", anh nói với CNN tại trung tâm giam giữ, nơi anh đang chờ đợi để được đưa trở về Nigeria. "Mẹ tôi đã phải chạy vạy vay tiền khắp nơi để cứu mạng tôi."

Khi nhiều tuyến đường xuyên Bắc Phi được mở, nhiều người di cư đã từ bỏ ước mơ của họ về những bờ biển châu Âu. Năm nay, có hơn 8.800 người đã tự nguyện trở về nhà trên các chuyến bay hồi hương do IOM tổ chức.

Mặc dù nhiều người bạn của Victory đã đến được châu Âu,  nhưng anh đã từ bỏ ý định đó. "Tôi phải quay trở lại và bắt đầu lại từ trong đau khổ, rất đau đớn, rất đau đớn", Victory nói trong nghẹn ngào.

Người di cư được cứu trên biển Ðịa Trung Hải được đưa đến một căn cứ hải quân ở Tripoli vào tháng 10-2017

Hòn Rồng
.
.
.