Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Lời tuyên bố chiến thắng và những vụ kiện

Thứ Tư, 11/11/2020, 07:19
Theo tuyên bố của giới truyền thông, người Mỹ đã chọn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden làm Tổng thống thứ 46.


Ngay sau khi thừa nhận chiến thắng của bản thân, ông Joe Biden đã đưa ra một số cam kết trong đó có việc thành lập nhóm đặc trách chống COVID-19. Trong khi đó, đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn không công nhận thua cuộc mà còn đang đâm đơn kiện ở khắp nơi.

Cam kết của người chiến thắng

Trong một bài phát biểu vào tối 7-11 tại quê nhà Wilmington, Delaware, ông Joe Biden nói rằng: "Đối với tất cả những người đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, tôi hiểu sự thất vọng của các bạn tối nay. Bản thân tôi đã từng thua một vài lần, nhưng bây giờ chúng ta hãy cho nhau cơ hội. Tôi cam kết trở thành một Tổng thống không tìm cách chia rẽ mà  hướng tới sự thống nhất. Sẽ không có các bang đỏ và các bang xanh, mà chỉ có Mỹ".

Ứng viên Phó Tổng thống Kamala Harris, người làm nên lịch sử với tư cách là phụ nữ da màu và gốc Nam Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống, thì truyền cảm hứng cho nữ giới bằng tuyên bố: "Mặc dù tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên ở văn phòng này, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng, bởi vì mọi phụ nữ chứng kiến đêm nay đều thấy rằng đây là một đất nước của mọi khả năng, mọi thay đổi bất ngờ".

Cựu Tổng thống Barack Obama - người nhẫn nại ngồi hàng giờ bên chiếc điện thoại bàn để gọi cho từng cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống, thì kêu gọi người Mỹ gạt bỏ những khác biệt chính trị và cho Tổng thống mới đắc cử một cơ hội.

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu sau khi được truyền thông tuyên bố giành chiến thắng với 279 phiếu đại cử tri. Ảnh: Getty.

Theo đánh giá của giới truyền thông, chính bang Pennsylvania, nơi ông Biden sinh sống thời niên thiếu đã giúp ông vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri để trở thành người chiến thắng. 

Đương kim Tổng thống Donald Trump đã dẫn trước ông Joe Biden với khoảng cách lớn vào đêm bầu cử, nhưng khi các quan chức bầu cử đếm hàng trăm nghìn lá phiếu gửi qua thư, cuộc đua đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho ứng viên đảng Dân chủ, khiến ông Donald Trump và các đồng minh tức giận. 

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đua, đội tranh cử của ông Joe Biden đã tăng gấp đôi nỗ lực của họ để xây dựng lại "bức tường xanh" của Đảng Dân chủ - và ván bài đó đã được đền đáp bằng việc ông giành chiến thắng ở bang Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. 

Chưa hết, ông Joe Biden cũng có được lợi thế ở Nevada, mở rộng vị trí dẫn đầu đại cử tri đoàn của mình khi các lá phiếu tiếp tục được kiểm đếm trên khắp đất nước. Georgia có thể tiến tới một cuộc kiểm phiếu lại và các phiếu bầu vẫn đang nhỏ giọt từ Arizona, nơi ông đang duy trì lợi thế. Cho đến nay, ông Biden đang giữ lợi thế với 279 phiếu đại cử tri, còn ông Trump được 214 phiếu.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris được truyền thông Mỹ tuyên bố là Tổng thống và Phó Tổng thống mới của nước Mỹ. Ảnh: AP

Phản ứng của ông Donald Trump

Đang chơi trên sân golf khi hãng CNN và các hãng truyền thông khác tuyên bố về số phiếu đại cử tri mà ứng viên đảng Dân chủ giành được, ông Donald Trump tuyên bố không có ý định nhượng bộ.

Đến thời điểm hiện tại, quá trình kiểm phiếu vẫn đang tiếp diễn và các bang vẫn chưa xác nhận chính thức kết quả kiểm phiếu. Ông Donald Trump được cho là vẫn đang dẫn trước tại Bắc Carolina, nhưng bang này vẫn tiếp tục chấp nhận phiếu bầu qua bưu điện tới muộn sau ngày bầu cử. Trong khi đó, khoảng cách giữa ông Biden và ông Trump tại các bang Georgia, Arizona, và Nevada đang tiếp tục nới rộng. 

Ông Trump cho rằng lợi thế của đối thủ tại các bang này là kết quả của hàng triệu phiếu bầu không hợp lệ đồng thời chỉ trích việc các giám sát viên Cộng hòa không được tiếp cận các điểm kiểm phiếu. 

Hãng Reuters đưa tin, hôm 7-11, đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump đã đệ đơn khiếu kiện tại bang Arizona về việc có nhiều phiếu bầu bị bác bỏ không chính xác. Theo đơn kiện, các nhân viên ở điểm bỏ phiếu đã nói với các cử tri về việc nhấn nút sau khi hệ thống bỏ phiếu ở đây phát hiện lỗi "quá tải". 

Đội ngũ của ông Trump cho rằng quyết định này đã không quan tâm tới sự lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử. Trong khi đó, kết quả kiểm phiếu ở bang Arizona cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump khoảng 0,65% số phiếu ủng hộ, tương đương với hơn 21.000 phiếu. Bang Arizona có 11 phiếu đại cử tri, nhưng ngay cả khi không thắng tại đây ông Joe Biden vẫn đắc cử nhờ 20 phiếu giành được ở Pennsylvania.

Chưa hết, đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cũng đã khởi kiện một loạt vụ kiện ở một số bang, bao gồm cả Pennsylvania và tìm cách ngừng kiểm phiếu ở một số khu vực trong khi thách thức các quan sát viên có thể giám sát chặt chẽ các quan chức kiểm phiếu ở những khu vực khác. 

Đáng chú ý là một người có tên là Rychard Hopkins, nhân viên bưu điện thành phố Erie (bang Pennsylvania), cung cấp thông tin rằng Giám đốc Sở Bưu điện Erie, Robert Weisenbach đã bắt các nhân viên dưới quyền lùi ngày đóng dấu bưu điện trên các lá phiếu vào 3-11 trong khi các lá phiếu này thực chất được gửi đến ngày 4-11 hoặc có thể muộn hơn… 

Hay như ở bang Arizona, đội ngũ tranh cử của ông  Trump thông báo đã kiện lên toà án rằng đơn vị bầu cử ở hạt Maricopa đông dân nhất của bang này đã vi phạm khiến nhiều phiếu bầu trong ngày bầu cử chính thức 3-11 bị bỏ. 

Đơn kiện nêu rõ một số quan sát viên của đang Cộng hòa và 2 nhân chứng đã phát hiện các nhân viên phục vụ bầu cử hướng dẫn sai cho các cử tri trong việc sử dụng thùng bỏ phiếu, khiến kết quả bỏ phiếu không chính xác và làm thiệt hàng nghìn phiếu bầu cho đương kim Tổng thống.

Những người ủng hộ ông Joe Biden đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng cho ứng viên đảng Dân chủ. Ảnh: Getty

Và "cuộc chiến" trong nội bộ tranh cử của Tổng thống

Tuy nhiên, theo nhiều hãng thông tấn, nội bộ tranh cử của đương kim Tổng thống đang bắt đầu có những chia rẽ vì việc ông Donald Trump liên tục từ chối chấp nhận kết quả bầu cử. Con rể Jared Kushner và Đệ nhất phu nhân Melania Trump hôm 8-11 đã khuyên ông Donald Trump nên chấp nhận chiến thắng của đối thủ. 

Trong khi đó, các con trai của đương kim Tổng thống là Donald Jr và Eric Trump thì thúc ép ông và đồng minh tiếp tục chiến đấu. Ngoài việc đăng tải công khai trên phương tiện truyền thông xã hội, cả Donald Jr và Eric Trump đều đào sâu theo dõi, tìm cách thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi của đảng Cộng hoà để phản đối kết quả bầu cử và nói với các đồng minh rằng họ thực sự tin rằng cuộc bầu cử bị gian lận. 

Hãng tin AP thì dẫn lời người phát ngôn của Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) của Chính phủ Mỹ cho biết cơ quan này vẫn chưa chính thức chắc chắn rằng ông Joe Biden "rõ ràng" là người thắng cuộc.

Hiện Đảng Cộng hòa đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc chiến pháp lý của đương kim Tổng thống Donald Trump đồng thời kêu gọi người dân tham gia ủng hộ nỗ lực này. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ cho biết, sẽ điều tra tất cả các "cáo buộc đáng tin" về những sai phạm trong cuộc bầu cử. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham còn đánh giá cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay vẫn đang rất sít sao ở nhiều bang và ông sẽ không để các cáo buộc đáng tin cậy bị bỏ qua. 

Giới quan sát đang lo ngại việc chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử Mỹ 2020 sẽ trở nên khó khăn hơn khi ông Donald Trump không dễ dàng chấp nhận kết quả bầu cử với cáo buộc có nhiều gian lận.

Theo Hiến pháp Mỹ, ngày 8-12 là thời hạn chót để các bang phải kiểm xong phiếu, giải quyết xong các tranh chấp và đệ trình lên Quốc hội danh sách đại cử tri của mình. Ngày 14-12, các đại cử tri sẽ chính thức bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Quốc hội mới sẽ nhóm họp ngày 6-1 và kiểm phiếu đại cử tri đồng thời công bố ai sẽ là người thắng cuộc. 

Nếu không ứng viên nào đạt đủ 270 phiếu cần thiết để đắc cử, 435 thành viên của Hạ viện sẽ quyết định cuộc bầu cử. Nếu Hạ viện không thể đưa ra quyết định thì Tổng thống tiếp theo sẽ là Phó Tổng thống hoặc người tiếp theo đủ điều kiện trong hàng kế vị Tổng thống. Tân Tổng thống Mỹ sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1. 

Thông thường, quá trình chuyển giao được thực hiện dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và chính quyền mới, kể cả khi hai bên là những đảng phái đối lập. 

Chi Anh
.
.
.