Hành trình truy lùng "siêu trộm" liên tỉnh
- Triệt phá băng "siêu trộm"
- Bắt siêu trộm cắp và lừa đảo ở vùng sông nước miền tây
- Chuyện giờ mới kể về chuyên án bắt giữ "siêu trộm"
Họ đã đến quê Lúa để chúc mừng, học hỏi kinh nghiệm và phối hợp điều tra mở rộng các vụ trộm còn "nợ" tại địa phương mình. Hành trình lần tìm ra tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, đã đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức của những người lính thiện chiến và tràn đầy nhiệt huyết trên "quê hương 5 tấn".
Bài toán khó
Bức tranh ANTT trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, có những "gam màu" tối. Trong đó, nổi lên tình hình trộm cắp tài sản tại các hộ dân, khi mà chỉ trong mấy tháng đã xảy ra tới... 25 vụ trộm đột nhập, với số tài sản bị chiếm đoạt có giá trị rất lớn. Đỉnh điểm là vụ cả 2 gia đình ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình bị đối tượng đột nhập, đập phá két sắt lấy đi số tài sản khoảng 800 triệu đồng vào chiều 11-1-2016.
Trách nhiệm săn lùng thủ phạm các vụ trộm này lập tức đè nặng vai CBCS Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an tỉnh Thái Bình. Những điều tra viên, trinh sát viên dày dạn kinh nghiệm ở các đội nghiệp vụ được trưng tập vào Ban chuyên án, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Trần Minh Quang - Trưởng phòng.
Chúng tôi đến thăm "quê Lúa" khi giai đoạn 2 của chuyên án "Siêu trộm" đang triển khai. Dù đã bắt "róc" những tên trong ổ nhóm, nhưng với nhiệm vụ mở rộng chuyên án, nên nhiều thông tin chưa được cung cấp cho báo chí. Phải qua quy trình báo cáo các cấp chỉ huy rất nghiêm ngặt, chúng tôi mới được anh em làm án chia sẻ ít nhiều chuyện "bếp núc" trong hành trình mở ra chuyên án vang dội này.
Thiếu tá Bùi Nhân Ái (Đội phó) cho biết: "Đặc điểm chung giữa các vụ trộm là thường xảy ra vào ban ngày, khi gia chủ đi làm vắng nhà. Những hộ dân bị tấn công thường ở mặt đường và trông khá giả. Phát hiện trong nhà không có người, tội phạm trèo tường rào vào nhà, rồi dùng xà beng, kìm, mỏ lết, tô vít, cưa, đục… để phá cửa chính, cửa nách, cửa sổ, lỗ thông gió, ô thoáng… Khi vào được trong nhà, chúng lục lọi đồ đạc, cạy phá két sắt, tủ… lấy tài sản có giá trị như tiền, vàng, đô la…
Thành viên Ban chuyên án. |
Qua trích xuất dữ liệu từ camera lắp đặt tại nhiều gia đình gần hiện trường, thấy xuất hiện 1 nam thanh niên đeo khẩu trang và găng tay, đi xe máy wave đỏ có điểm dị biệt là bánh trước lắp vành đúc, bánh sau là vành nan.
Cùng trong khoảng thời gian từ tháng 6-2015 - 2-2016, thông báo nội bộ cho biết tại các tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... đã xảy ra hơn 2 chục vụ án có thủ đoạn tương tự, với tổng tài sản bị trộm cắp trên 3 tỷ đồng. Chúng tôi đã đi các tỉnh, nghiên cứu các tài liệu liên quan, từ đó từng bước rút ra những nhận định quan trọng về phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động của đối tượng.
Đặc biệt, qua đối chiếu từ nhiều dữ liệu camera, thấy kẻ nghi vấn có những đặc điểm khá tương đồng với nhau về nhân dạng và phương tiện gây án, cho phép nhận định y rất có thể là người tỉnh ngoài chứ không phải trong tỉnh Thái Bình, gây án liên tỉnh, liên tuyến với thủ đoạn rất chuyên nghiệp và liều lĩnh. Án liên tỉnh khó nhất là việc "khoanh vùng" đối tượng để tổ chức soát xét.
Để giải bài toán này, chúng tôi bắt đầu từ giả thuyết đối tượng sẽ phải lưu lại Thái Bình trong khoảng thời gian xảy ra các vụ trộm. Lập tức, hàng trăm lượt trinh sát được huy động, chia thành nhiều mũi, tiến hành rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn, các cửa hàng vàng, bạc, hiệu cầm đồ, trích xuất dữ liệu camera vào các ngày trước và sau khi xảy ra các vụ án để lần tìm thủ phạm".
Giăng lưới
Trung tá Tô Văn Côi (Đội trưởng) nhớ lại: "Qua rà soát tại một nhà trọ bình dân ở TP Thái Bình, được biết vào buổi tối 17-11-2015 xuất hiện một nam thanh niên lạ mặt đến thuê phòng nghỉ trọ. Theo mô tả của lễ tân, đối chiếu với hình ảnh mà camera của nhà dân gần hiện trường vụ trộm ngày 18-11-2015 tại TP Thái Bình đã ghi lại, thấy vị khách này và kẻ tình nghi có nhiều đặc điểm tương đồng.
Triển khai rà soát theo nhận định về lộ trình di chuyển của y, chúng tôi đã thu được nhiều thông tin có giá trị, cuối cùng đã dẫn đến một cái tên xa lạ: Phạm Văn Chiều (sinh 1987, trú tại thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, Hải Dương). Trực tiếp Đại tá Trần Minh Quang đã dẫn một mũi trinh sát đi Hải Dương "tiền trạm".
Chỉ trong vài ngày, họ đã "dựng" được lai lịch và hoạt động của Chiều. Đi sâu vào con người này, được biết y không có công ăn việc làm, nhưng lại ham mê "bộ môn" lô đề, xóc đĩa. Có tin mỗi ngày Chiều đánh hàng nghìn "điểm" lô, với số tiền trên dưới 10 triệu đồng, rồi thì từng đánh xóc đĩa được thua đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt là tin, Chiều từng có 1 chiếc xe máy có đặc điểm 1 vành đúc, 1 vành nan. Chưa hết, y đã nhiều lần gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của một người bác, với tổng số tiền nhờ giữ hộ lên đến 4 trăm triệu đồng.
Công cụ, phương tiện phạm tội cùng tang vật thu giữ của Phạm Văn Chiều và Nguyễn Đức Thắng. |
Nhận diện bí mật đối tượng, đối chiếu với hình ảnh trích xuất từ camera, thấy có sự phù hợp đáng mừng. Các "đòn" nghiệp vụ khác cho thấy, từ tháng 9-2015 đến tháng 3-2016, Chiều thường xuyên di chuyển đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên… Tại TP Thái Bình, Chiều có mặt gần hiện trường 2 vụ trộm cắp ngày 11-1-2016.
Tổ công tác này còn phát hiện ra việc: em họ của Chiều là Nguyễn Đức Thắng (sinh 1992, ở cùng thôn Lại Xá với Chiều), cứ vài ngày lại đem số lượng lớn nhẫn vàng, dây chuyền, lắc... đến bán cho các cửa hàng vàng bạc ở khu vực ga Tiền Trung (thị trấn Thanh Hà, Hải Dương). Thắng không có công ăn việc làm, nhưng xem chừng tiêu pha rất thoải mái. Từ đây, Chiều và Thắng trở thành đối tượng hiềm nghi số 1 trong chuyên án "siêu trộm" này. "Nhất cử, nhất động" của chúng đều nằm trong "tầm ngắm" của chúng tôi".
Cất vó
Ngày 8-3-2016 được tin tại TP Ninh Bình trong ngày liên tiếp xảy ra 4 vụ trộm đột nhập phá két xảy ra giữa ban ngày, có nhiều điểm tương đồng với các vụ trộm đã xảy ra tại Thái Bình, cho phép "nghĩ đến" hành tung của 2 anh em Chiều. Đại tá Trần Minh Quang hạ lệnh phá án, với giờ G được ấn định vào ngày 14-3-2016.
Toàn bộ ban chỉ huy Phòng CSHS đã dẫn theo các mũi trinh sát lên đường đi Thanh Hà, Hải Dương. Đến nơi, đoàn công tác chia thành 2 tổ tiếp cận nhà riêng của Chiều và Thắng. Tổ bắt Chiều do Đại úy Phạm Văn Minh (Phó trưởng phòng) chỉ huy, với "dàn" trinh sát thiện chiến gồm Trung tá Tô Văn Côi (Đội trưởng); Thiếu tá Nguyễn Tiến Tới (Đội trưởng); Đại úy Trần Ngọc Hoàn (Điều tra viên).
Tận dụng việc nhà Chiều mở quán Internet, họ nhập vai khách chơi đường hoàng tiếp cận và nhanh chóng khống chế, bắt giữ y. Cùng lúc này, tổ đi bắt Thắng gồm Thượng tá Nhâm Ngọc Bình (Phó trưởng phòng); Thiếu tá Bùi Nhân Ái (Đội phó); Thiếu tá Đào Ngọc Huỳnh được lệnh tấn công, nhưng phát hiện Thắng không có nhà. Xác minh nhanh, được biết y đang ăn cơm ở nhà bố mẹ vợ. "Trời đánh tránh miếng ăn. Sau khi khép chặt vòng vây, chờ cho cả nhà ăn uống xong, chúng tôi mới vào nhà bắt giữ tên này" - Thiếu tá Ái nhớ lại.
Hai đối tượng Phạm Văn Chiều và Nguyễn Đức Thắng (trú tại thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, Hải Dương). |
Sau khi "ốp" được cả 2 đối tượng, Ban chuyên án đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của chúng. Kết quả đã thu giữ nhiều vật chứng trong các vụ án trộm cắp tài sản tại Thái Bình, Ninh Bình và nhiều tỉnh khác. Mặc dù vậy, với bản lĩnh của kẻ lưu manh chuyên nghiệp, suốt 1 ngày 1 đêm tại cơ quan điều tra, Chiều và Thắng lỳ lợm "đổ bê tông" (không khai báo - PV).
Thượng tá Nhâm Ngọc Bình cùng "kíp" hỏi cung đã phải "lao tâm khổ tứ" rất nhiều mới khiến chúng mở miệng. Chiều đã thừa nhận là "tác giả" của 6 vụ trộm đột nhập tại nhiều nơi trong tỉnh Thái Bình, chiếm đoạt được nhiều tài sản giá trị lớn. Theo bị hại trình báo thì con số tài sản đã mất là trên 697 triệu đồng.
Đặc biệt, y khai đã gây ra vụ trộm cắp ngày 11-1-2016 tại nhà bà Đoàn Thị Yến (ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình). Vụ này y đã cạy tủ, đục phá két sắt trong phòng ngủ lấy đi nhiều đồ trang sức bằng vàng gắn đá quý, kim cương, tiền mặt, ngoại tệ, điện thoại… với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, Chiều còn khai nhận đã thực hiện 22 vụ trộm cắp tài sản tại 7 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Ninh Bình gây ra 7 vụ, Quảng Ninh: 4 vụ, Hà Nội: 4 vụ, Nam Định: 3 vụ, Hải Phòng: 2 vụ, Hà Nam: 2 vụ. Tổng số tài sản trộm cắp được khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới là con số y thừa nhận, còn theo tố cáo của nạn nhân thì thiệt hại lớn hơn rất nhiều lần.
Được biết, vụ án đang được tiếp tục mở rộng, điều tra làm rõ các vụ trộm đột nhập ở các tỉnh do ổ nhóm này gây ra. Phòng CSHS-Công an tỉnh Thái Bình đề nghị đồng nghiệp tại các tỉnh lân cận phối hợp chặt chẽ với Ban chuyên án để làm rõ các vụ trộm còn "nợ" tại địa phương mình. Lưu ý những vụ có phương thức, thủ đoạn tương tự để phục vụ công tác đấu tranh xét hỏi bị can, mở rộng điều tra. Khi lấy lời khai người bị hại, cần làm rõ tài sản có bị mất hay không, nếu có thì cần xác định đặc điểm và giá trị tài sản.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp trong công tác hỏi cung bị can, trích xuất, dẫn giải bị can chỉ các vị trí mà đối tượng đã gây án, đối chất nếu cần thiết; phối hợp trong việc xác định hiện trường các vụ án trộm cắp, xây dựng bản ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường, xác định những người làm chứng, người liên quan đến vụ án. Căn cứ vào lời khai của các bị can, chủ động truy tìm vật chứng trong các vụ án mà đối tượng gây ra trong địa bàn tỉnh, thành phố mình và lấy lời khai đối tượng có liên quan...