Hành trình ra trước vành móng ngựa của ông Chu Vĩnh Khang
Từ hành vi tham nhũng quy mô lớn
Đến thời điểm này, thông tin về vụ bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang vẫn gây xôn xao dư luận trong và ngoài Trung Quốc. Hôm 8/12, người đứng đầu tòa án tối cao Trung Quốc (SPC) tuyên bố rằng, SPC ủng hộ quyết định này của Đảng Cộng sản Trung Quốc và khẳng định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi sai trái phải bị nghiêm trị. Đồng thời, người đứng đầu SPC cũng thừa nhận rằng, cuộc điều tra nhằm vào ông Chu Vĩnh Khang đã được tiến hành từ cách đây hơn một năm mặc dù lúc đó ông này vừa nghỉ hưu, thanh thế vẫn còn "nổi như cồn" và được tạp chí Times của Mỹ bầu chọn vào danh sách những nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Tờ South China Morning Post thì cho hay, sau khi cuộc điều tra Thượng tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khóa 18 được tiến hành, nhiều thông tin bí mật về những hoạt động phạm pháp của ông Chu Vĩnh Khang dần dần được hé lộ. Đến cuối năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra bê bối tham nhũng liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang và gia tộc họ Chu. Và vì biết thanh thế của ông Chu Vĩnh Khang đối với các tướng lĩnh an ninh từng dưới quyền nên ông Tập Cận Bình đã phải cân nhắc, tham khảo ý kiến các quan chức cấp cao khác trong Bộ Chính trị rồi mới quyết định chọn Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm này. Chưa hết, để giữ bí mật chuyên án, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) còn cho phép ông Phó Chính Hoa báo cáo trực tiếp tiến trình điều tra vụ việc với ông Tập Cận Bình. Chính vì thế mà những nỗ lực của ông Chu Vĩnh Khang cùng các tay chân trong việc ngăn chặn cuộc điều tra đều đã thất bại. Những thông tin liên quan đến cuộc điều tra đều được giữ kín cho đến phút cuối. Lệnh bắt ông Chu Vĩnh Khang cũng được đưa ra một cách nhanh chóng, sau cuộc họp của Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 5/12.
Nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. (ảnh: Reuters). |
Tháng 7 vừa qua, giới chức Trung Quốc tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra nhằm vào ông Chu Vĩnh Khang và 3 cựu trợ lý thân cận của ông. Tuy nhiên, theo mô tả của tờ China Daily, vòng vây siết chặt ông Chu Vĩnh Khang được tiến hành từ 4 tháng trước khi các cơ quan chức năng của Trung Quốc liên tục thẩm vấn hoặc bắt giữ những người có liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang, trong đó có nhiều người đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Tính đến ngày ông Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ, hơn 300 người thân, đồng minh chính trị, nhân viên và cả những người được ông bảo trợ đều đã bị cách chức, thẩm vấn, hoặc bắt giữ, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh.
Đến những tiết lộ về đời sống riêng
Theo các nhà phân tích, việc tìm ra những sai phạm của ông Chu Vĩnh Khang vừa dễ lại vừa khó. Dễ là bởi chỉ cần nhìn vào những công ty kinh doanh có liên quan đến ông Chu Vĩnh Khang hoặc gia tộc họ Chu là có thể thấy rõ việc tham nhũng. Tuy nhiên, để tìm ra bằng chứng cụ thể lại không hề đơn giản bởi nó đòi hỏi tính xác thực, không cảm tính. Hơn thế nữa, do từng là "con hổ trong ngành an ninh" nên ông Chu Vĩnh Khang có thể nhanh chóng tìm được những người giúp mình giấu hoặc thậm chí hủy những chứng cứ quan trọng… Dẫu vậy, nhờ vào sự tận tâm và những thông tin được chia sẻ từ các cuộc điều tra tham nhũng khác, lực lượng đặc nhiệm do ông Phó Chính Hoa đứng đầu vẫn thu được nhiều kết quả khả quan. Chẳng hạn như trong cáo buộc làm lộ bí mật của đảng và nhà nước, Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho hay, bí mật mà ông Chu Vĩnh Khang tiết lộ có thể liên quan đến vụ xét xử cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bởi hai người này từng là đồng minh thân cận. Người ta cũng không loại trừ khả năng ông Chu Vĩnh Khang báo cho ông Bạc Hy Lai biết tin về việc xử lý vụ Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.