Hàng loạt công ty khai thác năng lượng tái tạo bị cáo buộc lạm dụng lao động

Thứ Năm, 12/09/2019, 10:42
Báo cáo của Trung tâm kinh doanh nguồn tài nguyên và quyền con người cho biết, hầu hết các công ty hàng đầu thế giới khai thác khoáng sản phục vụ sản xuất xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió đều vi phạm nhân quyền.


Tờ Guardian (Anh) dẫn kết quả báo cáo của Trung tâm kinh doanh nguồn tài nguyên và quyền con người (BHRRC) cho biết, hầu hết các công ty hàng đầu thế giới khai thác khoáng sản phục vụ sản xuất xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió đều vi phạm nhân quyền trong các mỏ khai thác tại nhiều quốc gia. BHRRC kêu gọi, các công ty cần có giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người cũng như bảo vệ môi trường.

87% trong số 23 công ty lớn nhất bị cáo buộc vi phạm nhân quyền

Báo cáo của BHRRC, một đơn vị được biết đến là cơ quan giám sát doanh nghiệp quốc tế uy tín cho thấy, 87% trong số 23 công ty lớn nhất khai thác coban, đồng, lithium, mangan, niken và kẽm - sáu khoáng sản cần thiết cho ngành năng lượng tái tạo phải đối mặt với các cáo buộc lạm dụng bao gồm xâm phạm quyền sở hữu đất đai, tham nhũng, bạo lực hoặc tử vong trong 10 năm qua.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khi nền kinh tế toàn cầu chuyển sang sử dụng sản phẩm có hàm lượng carbon thấp để chống lại sự nóng lên toàn cầu, nhu cầu về khoáng sản có thể tăng tới 900% vào năm 2050. "Để ngăn chặn sự vi phạm nhân quyền, các công ty năng lượng tái tạo cần khẩn trương làm sạch chuỗi cung ứng của mình", Eniko Horvath, nhà nghiên cứu cao cấp của BHRRC cho biết.

Chuyên gia Horvath nhận định, khi ngành năng lượng tái tạo "tìm thấy đôi chân của mình" thì điều quan trọng là phải đưa ra các biện pháp bảo vệ nhân quyền nghiêm ngặt trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là điều cần thiết để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững trong tương lai.

Số lượng cáo buộc vi phạm nhân quyền cao nhất diễn ra tại các mỏ coban ở Cộng hòa Dân chủ Congo với 31 cáo buộc được ghi nhận từ năm 2007 đến 2019. Hơn 70% sản lượng khai thác coban - thành phần chính trong pin xe điện được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Hàng chục ngàn thợ mỏ lao động thủ công, trong đó một số lượng lớn được cho là trẻ em phải đối mặt với điều kiện làm việc nguy hiểm, không khí ô nhiễm độc hại.

Theo báo cáo, các công ty khai thác đồng - khoáng sản không thể thiếu để sản xuất tua-bin gió, tấm pin năng lượng mặt trời, có số lượng cáo buộc lạm dụng nhân quyền cao thứ hai. Tổng số có 22 cáo buộc vi phạm nhân quyền liên quan đến các công ty khai thác đồng được ghi nhận tại Zambia giữa năm 2010 và 2019. Ngoài những vi phạm về điều kiện làm việc, các công ty này còn bị cáo buộc làm ô nhiễm nguồn nước, tranh chấp quyền sở hữu đất đai.

Theo đánh giá của WB, nhu cầu về khoáng sản có thể tăng tới 900% vào năm 2050.

Các công ty cần khẩn trương đưa ra chính sách bảo vệ nhân quyền phù hợp

"Quá trình khảo sát, BHRRC không tìm thấy mối tương quan giữa chính sách nhân quyền của công ty với việc sử dụng lao động làm việc tại các mỏ. Hiện tại, chính sách của công ty không đủ hoặc không được thực thi đầy đủ trong chuỗi cung ứng của họ. 

Ví dụ, 5 công ty khai thác lithium hàng đầu đều bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền nhưng chỉ có một công ty có chính sách công khai về quyền con người. Thực tế này đòi hỏi các công ty cần phải nghiêm túc xem lại và khẩn trương đưa ra chính sách bảo vệ nhân quyền phù hợp", chuyên gia Eniko Horvath cho biết thêm.

Phó Giám đốc BHRRC, Marti Flacks nói rằng, tại nhiều quốc gia mà các công ty tiến hành khai thác khoáng sản thiếu các quy định bảo vệ nhân quyền chặt chẽ, hoặc việc thực thi pháp luật kém, nhiều sơ hở. 

"Điều đó có nghĩa là nhiều công ty khai thác khoáng sản đã thoát khỏi sự giám sát của chính quyền nước sở tại. Các công ty cần phải làm việc tích cực, trách nhiệm, nghiêm túc cho dù hoạt động ở bất cứ đâu. Đây không chỉ là vấn đề của một quốc gia hay một khoáng sản mà đó còn là biểu hiện của một xã hội tiến bộ, vì sự phát triển con người", Phó Giám đốc Flacks nói.

"Ngành năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của nó với sự phát triển xã hội. Đây là cơ hội để truyền đi thông điệp đến các công ty khai thác khoáng sản là: cần phải làm việc một cách nghiêm túc, có chính sách nhân quyền rõ ràng và tổ chức thực thi nghiêm túc. Các công ty cần làm việc và cung cấp thông tin, số liệu đầy đủ cho cộng đồng, chính quyền địa phương và tổ chức phi chính phủ để có được báo cáo chân thực, chính xác về những gì đang diễn ra", Phó Giám đốc Flacks nói thêm.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.