Hàn Quốc: Bắt giám đốc công ty điều hành phà Sewol

Thứ Ba, 20/05/2014, 16:00

Các công tố viên vừa bắt người đứng đầu công ty điều hành phà Sewol trong cuộc điều tra mở rộng về nguyên nhân gây ra thảm họa khiến hơn 300 người chết hoặc mất tích- hãng thông tấn Yonhap đưa tin. 

Chở quá tải để tăng lợi nhuận

Một nhóm phối hợp bao gồm các công tố viên và cảnh sát đã bắt Kim Han-sik, giám đốc điều hành của Công ty Hàng hải Chonghaejin tại nhà riêng ở Bundang, phía nam Seoul để thẩm vấn - các nhà điều tra cho biết.

Các cáo buộc chống lại ông Kim bao gồm ngộ sát và vi phạm luật an toàn tàu phà.

Nhóm phối hợp nghi ngờ rằng, ông Kim đã ủy quyền hoặc lờ đi về việc chở hàng hóa quá tải trên phà Sewol, vốn bị cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra thảm họa khủng khiếp vào hôm 16/4.

Phà Sewol nặng 6.825 tấn chở 476 hành khách đã bị lật và chìm ngoài khơi bờ biển tây nam Hàn Quốc. Tổng cộng 172 người đã được cứu, 269 người thiệt mạng và 25 người mất tích.

Vào ngày xảy ra tai nạn, phà Sewol chở 3.608 tấn hàng hóa, bao gồm 108 phương tiện, gấp ba lần so với sức chứa của phà. Nhóm phối hợp cho rằng, các khoang chở hàng đã trở nên lung lay sau khi phà chuyển hướng.

Các điều tra kỹ lưỡng hơn cho thấy, công ty Hàng hải Chonghaejin đã dựa vào việc tăng khối lượng hàng hóa để bù đắp cho doanh thu bán vé giảm và rằng, phà thường xuyên chở quá tải để tăng lợi nhuận kể từ khi được đưa vào hoạt động lần đầu trên tuyến Incheon-Jeju vào tháng 3/2013.

Tin tức mới nhất về nguyên nhân phà Sewol chìm được đưa ra một tuần sau khi các nhà chức trách Hàn Quốc lục soát các văn phòng của Cheonghaejin Marine để điều tra. Họ phát hiện chuyến đi định mệnh ngày 16-4 không phải là lần đầu phà chở quá nhiều hàng.

Ông Kim Han-sik (giữa) tới Văn phòng Công tố viên Incheon.

Kể từ khi bắt đầu chạy tuyến Incheon-Jeju từ tháng 3/2013, phà Sewol đã 139 lần quá tải. Riêng chuyến hàng ngày 16/4 đã giúp cho Cheonghaejin Marine kiếm thêm 62 triệu won (62.000 USD). Còn nếu tính từ tháng 3/2013 thì hãng đã thu về 3 tỷ won (2,9 triệu USD) từ hoạt động trái phép này.

Ông Kim cũng được biết tới như một phụ tá thân cận với Yoo Byung-eun, một tỷ phú bí ẩn bị nghi ngờ là chủ sở hữu thực tế của Chonghaejin và các chi nhánh khác.

Trong khi đó, bên công tố đã tìm được các tài liệu có thể chứng minh Yoo là người thực sự kiểm soát công ty.

Yoo, một doanh nhân, một nghệ sĩ, một nhân vật mộ đạo và từng có tiền án, đã bị nghi ngờ điều hành Chonghaejin qua các con trai của mình, những người nắm quyền sở hữu thông qua các công ty con khác.

Các công tố viên cũng nói rằng, họ đang tìm kiếm một lệnh bắt giữ Hyuk-ki, con trai thứ của Yoo và các phụ tá thân cận khác, những người đã ba lần từ chối tuân thủ lệnh triệu tập của bên công tố.

Đã tìm ra "thủ phạm" làm chìm phà Hàn Quốc

Thảm họa chìm phà ở Hàn Quốc một phần là do lượng hàng hóa quá tải và không được cột buộc đúng cách.

Kết luận kể trên được rút ra từ cuộc điều tra do cảnh sát và các công tố viên tiến hành- theo hãng tin CNN.

Đây là lần đầu tiên các nhà điều tra của Hàn Quốc đưa ra những gì họ tin là dẫn tới tai nạn thương tâm ngày 16/4 của con phà mang tên Sewol.

Mới đây, các nhà chức trách tập trung điều tra hàng hóa trên tàu và kết luận, lượng hàng được chở nặng gấp đôi giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, hàng hóa được buộc lỏng lẻo đã góp phần làm cho phà bị lật- theo công tố viên cấp cao Yang Joong-jin.

"Các thiết bị buộc hàng lẽ ra phải được thít chặt thì lại rất lỏng lẻo, và một số thành viên tổ lái thậm chí còn không biết cách sử dụng chúng sao cho đúng" - ông Yang nói thêm.

Các nhà điều tra đã tiến hành tìm hiểu khả năng tàu bị lật là bởi vì hàng hóa dịch chuyển và khiến phà mất thăng bằng.

Các thợ lặn đã nỗ lực nhiều ngày để tìm kiếm và trục vớt xác các nạn nhân. Nhiệm vụ của họ đã hứng chịu tổn thất lớn, ngày 6-5 khi một thợ lặn 30 năm kinh nghiệm tên Lee đã tử vong, dường như là gặp phải các vấn đề về nguồn cung cấp oxy.

Tuy nhiên, gần 130 thợ lặn khác vẫn tiếp tục miệt mài rà soát con phà. Ngay từ ngày đầu tiên khi nhiều người được cứu thoát, không một ai được tìm thấy còn sống

Lai - Linh (tổng hợp)
.
.
.