Haiti:

Gia tăng nạn tù nhân cướp vũ khí giết người và vượt ngục

Thứ Năm, 17/11/2016, 17:01
Haiti, quốc gia Trung Mỹ được coi là nguy hiểm hàng đầu thế giới khi bạo lực, cướp bóc, giết người thường xuyên xảy ra. Các nhà tù ở Haiti thường bị quá tải về số lượng tù nhân so với quy mô xây dựng ban đầu. Nhiều người bị giam cầm nhiều năm liền mới được xét xử.


Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra cảnh báo về vụ vượt ngục bạo lực ở Arcahaie và khuyến cáo công dân tránh khỏi khu vực đó. Các nhà chức trách Haiti đang tổ chức cuộc săn lùng 174 kẻ vượt ngục với sự trợ giúp của lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại nước này.

Cảnh sát dựng nhiều trạm kiểm soát trên các con đường nối với nhà tù và bắt giữ một số người không có giấy tờ. Tuy nhiên, tù nhân tại nhà tù Arcahaie không có đồng phục, điều này khiến chúng dễ dàng trà trộn bên ngoài.

Có 11 tù nhân bị bắt giữ khi đang chạy trốn. Những người này xông vào một khu vực dành cho lính gác, lấy đi ít nhất 5 khẩu súng trường và nhiều vũ khí khác. Một lính canh bị bắn chết. Bộ trưởng Nội vụ Haiti Camille Edouard Junior cho biết, một tù nhân chết do bị đập đầu khi rơi xuống từ bức tường, ba người khác bị thương.

Trước đó (tháng 8/2015), 330 phạm nhân nhà tù Croix-des-Bouquets, phía Đông Bắc thủ đô Port-au-Prince, được đánh giá có an ninh hết sức nghiêm ngặt đã vượt ngục.

Truy tìm tội phạm trên xe bus, sau khi xảy ra vượt ngục tháng 12/2015.

Một quan chức địa phương cho biết: "Đây là một cuộc trốn thoát ngoạn mục mà không hề có bạo lực. Khoảng 330 phạm nhân trốn tù thành công".

Phát ngôn viên của Sở cảnh sát Garry Desrosier thông báo: "Chúng tôi đã bắt được ít nhất 13 tên tù vượt ngục". Ông cho biết cảnh sát vẫn đang truy tìm những tù nhân trốn thoát khác và từ chối đưa ra thông tin chi tiết. Theo lời kể của một số nhân chứng, hàng trăm người đã chạy ra khỏi nhà tù và tỏa ra nhiều hướng ngay sau khi có tiếng súng nổ ra bên trong nhà tù.

Ông Desrosier cho rằng, đây là âm mưu được thực hiện bên trong nhà tù chứ không phải là một cuộc tấn công từ bên ngoài như một số nguồn tin trước đó đã đưa.

Cảnh sát chống bạo động lập tức được huy động để lập lại trật tự trong khi Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe đích thân đến hiện trường để giám sát.

Trong số những kẻ đã vượt ngục thành công, có cả Clifford Brandt, một doanh nhân tên tuổi bị bắt từ năm 2012 với tội danh bắt cóc đòi tiền chuộc.

Ông Desrosier cho biết cảnh sát quyết định thưởng 1 triệu Gourde (khoảng 40.000 USD) cho người nào cung cấp thông tin về Brandt.

Hiện, các nhà chức trách Haiti đã đưa ra các biện pháp tăng cường kiểm soát biên giới, đồng thời thông báo tới đại sứ quán các nước. Đến nay, hầu hết những tên tội phạm trốn thoát đều chưa bị bắt giữ.

Trước khi xảy ra vụ vượt ngục, nhà tù Croix-des-Bouquets giam giữ tất cả 897 tù nhân. Nhà giam được xây dựng năm 2012 với kinh phí hơn 5,7 triệu USD do Canada tài trợ. Croix-des-Bouquets được đánh giá là một nhà tù có an ninh tốt và được kiểm soát nghiêm ngặt.

Hồi tháng 12/2015, Berson Soljour, cảnh sát thành phố Saint-Marc cho biết,  tù nhân đang chờ xét xử trong một nhà tù đông đúc ở một thành phố phía bắc của thủ đô Port-au-Prince, đã cưa đứt các song sắt để trốn ra ngoài.

Ông Soljour nói, phạm nhân đã bỏ trốn khi chúng cưa gãy các thanh thép trên cửa sổ, ở nhà tù thuộc thành phố Saint-Marc. "Tất cả 5 nhân viên cai ngục làm nhiệm vụ qua đêm tại nhà tù đã bị bắt giữ vì tình nghi giúp đỡ tội phạm trốn thoát", ông Soljour nói thêm.

Saint-Marc là thành phố cảng cách khoảng 60 dặm (95km) về phía Bắc của thủ đô Port-au-Prince và là thành phố lớn nhất giữa Port-au-Prince và Cap-Haitien. Sau vụ việc trên, cảnh sát đã truy nã bằng hình ảnh tất cả những tên tội phạm trong khu vực Artibonite.

Tại thời điểm trên, nhà tù ở Saint-Marc đang giam giữ gần 500 tù nhân. Hồi năm 2010, lợi dụng người dân còn đang hoảng loạn trước sự tàn phá của trận động đất 7.3 độ richter, thì gần như toàn bộ 4.000 tù nhân tại một nhà giam lớn ở thủ đô đã trốn thoát.

Ông Marcal Izard, phát ngôn viên Hội Chữ thập đỏ quốc tế nói: "Rõ ràng là những tên đó đang lợi dụng thảm họa này". Tù nhân đã gây hỗn loạn sau trận động đất, khống chế các nhân viên bảo vệ và tẩu thoát.

Nguyễn Minh
.
.
.