Hà Lan:

Cảnh sát huấn luyện đại bàng đối phó với máy bay không người lái vận chuyển hàng cấm

Thứ Năm, 23/06/2016, 15:46
Trong khi chính phủ các quốc gia đang phải đau đầu đối phó với các máy bay không người lái (UAV) dùng để giải trí, vận chuyển ma túy hay vũ khí vào nhà tù thì cảnh sát Hà Lan đang thử nghiệm một phương pháp mới và hiệu quả - huấn luyện đại bàng để đối phó với loại máy bay này.


"Lực lượng cảnh sát" trên không tinh nhuệ

Theo Sputnik, cảnh sát quốc gia Bắc Âu đang thực hiện một kế hoạch huấn luyện đại bàng để loại bỏ các UAV bất hợp pháp. Một khi nhà chức trách phát hiện UAV có khả năng gây nguy hiểm trên bầu trời, họ thả đại bàng ra để loại bỏ các máy bay trên bằng cách tiếp cận và bắt sống một chiếc drone (thiết bị bay), ngoài ra chúng còn có khả năng nhận biết vùng an toàn để áp tải "phạm nhân" xuống mặt đất mà không gây nguy hiểm.

Các nhà chức trách Hà Lan đang phối hợp với Công ty Guard From Above chuyên huấn luyện đại bàng để thực hiện kế hoạch nêu trên. Theo một video được công bố, không khó đối với đại bàng để phát hiện ra UAV được sử dụng bất hợp pháp. Sau khi chặn đứng máy bay không người lái trên không, đại bàng được huấn luyện có thể tự hào đợi phần thưởng từ người huấn luyện.

Cảnh sát Hà Lan huấn luyện đại bàng đối phó với máy bay không người lái.

Trong một báo cáo, Công ty Guard From Above cũng thừa nhận, việc loại bỏ máy bay không người lái trên có thể gây nguy hại cho đại bàng khi cánh quạt quay nhanh sẽ gây tổn thương lớn khi chúng cố gắng tiếp xúc. Nhà chức trách hy vọng rằng, không chỉ đại bàng mà những loài chim khác cũng sẽ được con người huấn luyện, tạo thành một “lực lượng cảnh sát” trên không tinh nhuệ...

Cảnh sát Hà Lan kỳ vọng sẽ thử nghiệm vài tháng chương trình kể trên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi đại bàng có thể loại bỏ máy bay không người lái cỡ nhỏ, nhưng đối với máy bay cỡ lớn thì sẽ khó khăn hơn nhiều.

Một loạt công ty đang theo đuổi các giải pháp công nghệ cao nhằm loại bỏ máy bay không người lái. Công ty hàng không vũ trụ Selex của Ý đang phát triển một hệ thống chống máy bay không người lái được biết đến là lá chắn Falcon. Hệ thống bao gồm hệ thống radar, các camera và microphone được lắp đặt tại nơi có nhiều máy bay không người lái để phát hiện, theo dõi và bắn hạ.

Mới đây, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ cho biết, hiện có khoảng 181.000 máy bay không người lái phục vụ mục tiêu giải trí đăng ký hoạt động tại Mỹ. Một con số tương tự được ghi nhận tại châu Âu.

Cảnh sát tóm cổ 3 tin tặc tung virus nguy hiểm

Cảnh sát Hà Lan vừa bắt giữ 3 hacker (tin tặc) nghi ngờ đã tạo ra một loại virus máy tính trojan cực hiểm, đã đột nhập thành công vào khoảng 100.000 máy tính khắp mọi nơi. 3 nghi can đang bị tạm giữ này vẫn chưa được tiết lộ danh tính và các nhà điều tra cũng cảm thấy hơi bất ngờ khi số nghi can bị bắt giữ đã nhiều hơn dự đoán. Trong 3 nghi can có một hacker là nữ mới 19 tuổi và 2 nghi can là nam giới, 22 và 27 tuổi. Cảnh sát Hà Lan đã tịch thu toàn bộ máy tính, tài liệu, tiền mặt, xe thể thao và các thứ khác trong căn hộ của 3 nghi can này để phục vụ quá trình điều tra. Ngoài ra, toàn bộ tài khoản ngân hàng và tài khoản điện tử của 3 nghi can đều bị phong tỏa.

Virus Trojan nguy hiểm do 3 hacker trên tạo nên mang tên W32.Toxbot, xuất hiện từ đầu năm 2005. Nó âm thầm tự cài đặt vào máy tính mà chủ nhân không hề hay biết và tạo điều kiện cho hacker xâm nhập vào máy tính bị lây nhiễm từ xa.

Ngoài ra, bản thân W32.Toxbot cũng có một chương trình keylogger chuyên ghi nhận lại mọi hoạt động của bàn phím. Các nhà điều tra đã cáo buộc 3 nghi can trên các tội như: xâm nhập máy tính trái phép, phá hoại, tung quảng cáo và cài đặt phần mềm gián điệp trái phép, tạo virus, ăn cắp dữ liệu ngân hàng trực tuyến…

3 nghi can này cũng đã bán “dịch vụ” của mình cho các hacker khác, bao gồm nhiều thông tin cá nhân cũng như dữ liệu tài chính mà bọn chúng nhờ W32.Toxbot ăn cắp được. Các nhân viên điều tra Hà Lan nhận định : “Chỉ trong một thời gian ngắn, Trojan W32.Toxbot đã tạo được một mạng máy tính “ma” khổng lồ, điều mà hầu như chưa phần mềm mã độc nào làm được từ trước đến nay”.

Vân Trường (tổng hợp)
.
.
.