Google bị điều tra trốn thuế

Thứ Hai, 30/05/2016, 16:17
Vì là trang web đang được nhiều người truy cập nhất trên thế giới, hơn cả mạng xã hội Facebook và YouTube, nên cuộc khám xét văn phòng đại diện của Google, hãng công nghệ khổng lồ có trụ sở ở bang California (Mỹ), tại thủ đô Paris của khoảng 100 cảnh sát và cán bộ thuế Pháp hôm 24-5 được dư luận đặc biệt quan tâm.


Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc đột kích của cảnh sát diễn ra (bí mật, bất ngờ và từ 5 giờ, theo giờ địa phương) trong khuôn khổ cuộc điều tra trốn thuế và đây không phải lần đầu tiên văn phòng Google tại Pháp bị khám xét.

Bởi gần 5 năm trước (tháng 6-2011), cảnh sát Pháp từng khám xét văn phòng của Google và cũng vì liên quan đến vấn đề trốn thuế. Và theo giới truyền thông, cơ quan thuế của Pháp từng yêu cầu Google trả 1,6 tỷ euro tiền truy thu thuế, nhưng không được chấp thuận.

Tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Saban và cơ quan thuế nước này từng yêu cầu Google và có thể sau cuộc đột kích bất ngờ hôm 24-5, hãng công nghệ này sẽ chấp thuận nộp khoản tiền truy thu thuế kể trên.

Không chỉ có Pháp, Anh và một số nước khác cũng từng tố cáo Google trốn thuế. Và sau nhiều lần thương đàm, mãi tới tháng 1 vừa qua, Google mới đạt được thỏa thuận với chính phủ Anh, theo đó hãng công nghệ này sẽ trả 170 triệu euro tiền truy thu thuế (trốn đóng thuế ở Anh trong 10 năm).

Biểu tượng của Tập đoàn Google tại trụ sở ở thung lũng Silicon, phía nam San Francisco, Mỹ.

Nhưng khoản tiền này bị nhiều nghị sĩ Anh chỉ trích là tượng trưng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính George Osborne lại coi thỏa thuận truy thu thuế với Google là một chiến thắng của chính phủ Anh trước hành động trốn thuế của hãng công nghệ này.

Hơn 3 năm trước (21-5-2013), Google từng bị nhân viên cũ cáo buộc trốn thuế. Cựu Giám đốc điều hành Google Barney Jones (2002-2006), từng tuyên bố sở hữu 100.000 email chứng minh kế hoạch trốn thuế của Google. Ngay sau tố giác của ông Barney Jones, Phó chủ tịch Google Matt Brittin đã bị chất vấn.

Năm 2012, Google chỉ trả 7,3 triệu bảng Anh tiền thuế, trong khi doanh thu của hãng công nghệ này tại xứ sở sương mù lên tới 3 tỷ bảng Anh. Và theo thống kê, 18 tỷ USD doanh thu của Google có được từ kinh doanh tại Anh trong giai đoạn 2006-2011, nhưng số tiền thuế mà hãng này trả cho London trong 6 năm kể trên chỉ bằng 0,1% con số đó (khoảng 16 triệu USD).

4 tháng trước (28-1), khi chia sẻ với hãng BBC, Ủy viên chống độc quyền Margarethe Vestager cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng điều tra Google về cáo buộc trốn thuế tại Anh nếu tìm được những dấu hiệu bất hợp pháp. Đồng thời xác nhận, đã nhận được đơn khiếu nại từ một thành viên thuộc nghị viện Scotland xung quanh vấn đề thuế của Google tại quốc gia này.

EC đang trình kế hoạch buộc các công ty đa quốc gia lớn như Google phải công bố chính xác số tiền và địa điểm nộp thuế tại các châu lục. Dự kiến dự thảo kể trên sẽ bao gồm các điều luật yêu cầu doanh nghiệp có thu nhập khoảng 855 triệu USD/năm phải công khai hoạt động nộp thuế với cơ quan kiểm tra, công khai lợi nhuận và tài khoản tại các quốc gia, mà công ty này có hoạt động kinh doanh trong lãnh thổ Liên minh châu Âu.

Hơn 3 tháng trước (4-2), Phòng Thương mại Hà Lan từng công khai báo cáo cho thấy, Google đã trốn 2,4 tỷ USD thuế trong năm 2014 khi chuyển 12 tỷ USD doanh thu tới một công ty ma ở Bermuda.

Theo hãng Bloomberg, số tiền 12 tỉ USD kể trên đã được Google chuyển tới một công ty ma ở Bermuda, qua chi nhánh có tên Google Netherlands Holdings BV ở Hà Lan. Chuyên gia kinh tế cho rằng, chi nhánh tại Hà Lan của Google là mấu chốt trong cơ cấu thuế của hãng công nghệ này, bởi đây là nơi chịu trách nhiệm chuyển tiền từ một chi nhánh của Google ở Ireland đến chi nhánh ở Hà Lan.

Sau đó, số tiền này lại được gửi tới một chi nhánh khác ở Ireland, nhưng đặt tại Bermuda. Và việc luân chuyển tiền kể trên cho phép công ty mẹ của Google là Alphabet giữ thuế đánh lên lợi nhuận nước ngoài ở mức một con số.

Năm 2015, Alphabet báo cáo thuế suất trung bình của hãng này bên ngoài nước Mỹ chỉ là 6,3%. Nhưng theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), cuối năm 2015, các chi nhánh nước ngoài của Aphabet vẫn nắm giữ tới 43 tỷ USD tiền mặt chưa bị Mỹ đánh thuế.

Giới chuyên môn coi Google là một trong những “thiên tài trốn thuế”. Và chiêu thức được Google sử dụng chính là chuyển giá (Transfer Pricing) - giao dịch trên giấy giữa các công ty con, để chuyển thu nhập tới những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn.

Và chiêu thức này gây tổn hại cho Mỹ khoảng 60 tỷ USD/năm. Thượng tuần tháng 4-2015, 3 hãng Apple, Google và Microsoft từng bị Văn phòng Sở Thuế Australia (ATO) kiểm toán để phục vụ cho cuộc điều trần của Thượng viện Australia. Theo đó, trong năm 2014, Apple, Google và Microsoft đều kiếm lợi tốt tại Australia, nhưng không công bố cụ thể số tiền chuyển ra nước ngoài.

Tuệ Sỹ
.
.
.