Kenya:

Giải quyết vấn nạn cướp và trộm cắp

Thứ Hai, 25/04/2016, 11:30
Mafanikio, con trai nghị sĩ Hassan Mwanyoha, đã bị kết án tử hình vì tội cướp tài sản cùng đồng phạm, Standard Digital đưa tin ngày 15/4. Vụ cướp có vũ trang do Mafanikio Hassan Mwanyoha và Ali Hussein thực hiện xảy ra ngày 19/8/2015 tại một khu nghỉ dưỡng nằm trên bờ biển Diani, thuộc hạt Kwale, Kenya.


Nạn nhân là Peter Schadowsky, du khách Ba Lan, đã bị mất một chiếc túi, một điện thoại di động, một cặp kính, thẻ nhân viên, 5 thẻ tín dụng có trị giá khoảng 125 euro (hơn 3 triệu VND). Cosmas Maundu, thẩm phán hạt Kwale, cho biết, quá trình điều tra chứng minh các nghi phạm có tội, do đó hai bị cáo sẽ bị kết án tử hình theo quy định của pháp luật.

Thẩm phán cũng đề cập đến các tội danh cướp có vũ trang, đe dọa nạn nhân bằng bạo lực trước và sau khi chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Mafanikio cũng bị kết tội sử dụng tài sản đánh cắp được của du khách trên, bao gồm ví, thẻ tín dụng, thẻ nhân viên và điện thoại. Sau khi nghe cáo trạng, Mafanikio không thừa nhận phạm tội và yêu cầu tòa án trả tự do.

Mafanikio Hassan Mwanyoha (bên phải) và đồng phạm Ali Hussein (bên trái) trong phiên xét xử tại tòa án Kwale mới đây. Cả hai bị kết án tử hình.

Hai bị cáo không được bất cứ luật sư nào bào chữa, cũng như không có thành viên nào trong gia đình dự phiên xét xử. Nghị sĩ Hassan Mwanyoha cùng gia đình đã không thăm nom Mafanikio kể từ khi cậu con trai bị giam giữ từ tháng 8/2015. Hai bị cáo có 14 ngày để kháng án. Phiên xét xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 30/5 tới, sau khi các bị cáo phàn nàn rằng sức khỏe không được tốt.

Trộm cắp nước dẫn tới xung đột

Hạn hán kéo dài gây thiếu nước nghiêm trọng ở Kenya đã đẩy tình trạng xung đột và trộm cắp liên quan tới nước lan rộng. Hành vi phổ biến là "câu" trộm từ đường ống dịch vụ và bán lại cho dân cư ở những khu ổ chuột vốn vẫn thiếu đường ống dẫn nước sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp ở Kenya gia tăng là do hầu hết các trường hợp đều chỉ bị xem là những tội phạm ít nghiêm trọng, ngoại trừ một vài vụ dẫn đến chết người.

Tham nhũng, "bảo kê" cũng được xem là đã tiếp tay cho các hành vi trộm cắp nước tại quốc gia này. Các nghiên cứu tại Đại học Nairobi (Kenya) cho thấy, tình trạng khan hiếm nước có thể được xem như một quả bom hẹn giờ tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những xung đột quốc gia, thậm chí là quốc tế.

Cướp gia súc khiến nhiều người thiệt mạng

Những nghi phạm ăn trộm gia súc đã phục kích và giết chết ít nhất 54 người trong một ngôi làng ở tây bắc Kenya, sau đó bắt đi hàng trăm con gia súc. Các giới chức Chữ thập Đỏ cho biết, có khoảng 350 người đã được sơ tán đi nơi khác.

Cảnh sát nói rằng, những vụ tấn công bắt đầu khi những kẻ ăn trộm có vũ trang tấn công một ngôi làng của bộ tộc ở Turkana và đã đánh cắp các con vật, giết chết bảy người. Những tay súng ở Turkana đã trả thù sau đó dẫn tới hàng chục người chết. Vấn nạn trộm cắp súc vật và ẩu đả để tranh giành các khu vực đất đai cho súc vật gặm cỏ và trồng trọt là phổ biến tại những khu vực khô cằn ở miền đông châu Phi, nơi mà các chuyên gia nói rằng đã trở nên chết chóc hơn vì các bộ tộc đã chuyển từ sử dụng vũ khí lạnh: giáo mác, cung tên… sang súng.

Chăn nuôi gia súc ở Kenya.

Một số loại vũ khí mới được cung cấp từ các cuộc chiến tranh ở Sudan và Uganda, trong khi những khẩu súng trường khác vốn được lấy từ những nhân viên dự bị trong đội ngũ cảnh sát Kenya. Ngoài xung đột, trộm cắp, vấn nạn Hồi giáo cực đoan cũng đang đe dọa Kenya.

Mỗi năm, quốc gia châu Phi này có hàng trăm người chết do các cuộc tấn công đến từ những phiến quân khủng bố. Kenya cùng 5 nước châu Phi khác đã thành lập liên minh chống khủng bố nhưng xem ra vẫn chưa đạt được hiệu quả cao vì nghèo đói, bệnh tật và ly khai vẫn đang bùng phát.

Vân Trường (Tổng hợp)
.
.
.