'Giải cứu' tê giác bằng công nghệ sản xuất sừng nhân tạo

Thứ Hai, 31/08/2015, 08:00
Trước tình trạng săn bắn tê giác để lấy sừng không ngừng gia tăng, các nhà khoa học ở Mỹ đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp sản xuất sừng tê giác nhân tạo. Ý tưởng này đang nhận được những luồng dư luận trái chiều. Có ý kiến đồng tình, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, với sự ra đời của sừng nhân tạo, cơn sốt sừng tê giác thật có thể còn nóng hơn hiện nay và việc phân biệt hàng thật, hàng giả cũng là vấn đề không đơn giản.

Bảo tồn động vật hoang dã phiên bản công nghệ số

Trong phòng họp tại một khu công nghiệp ở San Francisco (Mỹ), Matthew Markus mở chiếc hộp có mô hình con tê giác với chiếc sừng ấn tượng. Bên cạnh đó là lọ chứa bột và hình khối cứng giống như chiếc sừng tê giác nhỏ. "Đây là công trình bảo tồn động vật hoang dã 2.0", Markus nói.

Markus là đồng sáng lập của Pembient, một công ty công nghệ sinh học ở San Francisco. Công ty này đang nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép bằng cách tái tạo sản phẩm động vật trong phòng thí nghiệm. Pembient bắt đầu dự án với sừng tê giác, nhưng đại diện công ty cho biết, sẽ tiến hành nghiên cứu, sản xuất ngà voi nhân tạo trong thời gian tới.

Ý tưởng cho ra đời sừng tê giác nhân tạo lần đầu tiên khi Markus còn là sinh viên đại học vào giữa năm 1990 sau khi đọc một bài báo về nạn săn trộm. Tuy nhiên, Markus đã gác lại suy nghĩ này cho đến cuối những năm 2000 khi anh thấy nạn săn bắt tê giác tiếp tục bùng nổ. "Cuối cùng, tôi nghĩ, cần phải làm gì đó khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng này", Markus nói.

Markus tin rằng, sừng tê giác nhân tạo sẽ góp phần vào việc ngăn chặn nạn săn bắn tê giác để lấy sừng.

"Bảo tồn 1.0 (ý nói đến cách bảo tồn theo kiểu truyền thống - KN) đã lỗi thời", Matthew Markus nói. "Khi sự giàu có của tầng lớp thượng lưu ở các quốc gia châu Á tăng lên, giá của một chiếc sừng tê giác cũng tăng lên, cùng với đó là gia tăng nạn săn trộm sừng tê giác. Tính theo trọng lượng, giá của sừng tê giác thậm chí còn cao hơn so với vàng.

Ở nhiều quốc gia châu Á, sừng tê giác được coi như biểu tượng của quyền uy, sức mạnh và thuốc thần kỳ có thể điều trị cả bệnh ung thư. Cũng giống như sản phẩm lông thú giả, cần có sự thay thế sừng tê giác. Chắc chắn nhiều người muốn sản phẩm họ sử dụng không làm hại cho động vật hoang dã. Không có điều gì tốt hơn việc thay thế bằng sản phẩm có cấu trúc sinh học tương tự", Matthew Markus nói tiếp.

Theo đó, Pembient sử dụng chất sừng keratin, thành phần chủ yếu của tóc, móng tay, móng gia súc và ADN của tê giác để tạo ra một dạng bột, sau đó, chất bột này sẽ được đúc nổi bằng kỹ thuật in 3D. Pembient có hai nguồn ADN tiềm năng, đó là các mảnh vỡ hoặc có thể được sao chép từ sừng tê giác thật hay hóa học tổng hợp. Sừng đầy đủ kích thước rộng khoảng 15 cm và cao khoảng 70 cm.

"Chúng tôi đang nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm sinh học giống hệt sản phẩm thật. Với công nghệ in 3D, chiếc sừng tê giác nhân tạo sẽ y như thật. Cách duy nhất mà bạn có thể phân biệt được sừng thật và sừng nhân tạo là chất ô nhiễm trong sừng hoang dã. Sừng nhân tạo sẽ không chứa dấu vết của thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp hoặc phóng xạ", Matthew Markus nói.

Theo Matthew Markus thì giá của sừng tê giác nhân tạo sẽ rẻ hơn nhiều lần, bằng khoảng 1/10 so với sừng tê giác thật. Ngoài ra, Công ty Pembient còn có tham vọng cho ra mắt sản phẩm bia được ủ với sừng tê giác nhân tạo trong thời gian tới.

Những ý kiến trái chiều

Markus lạc quan tin rằng, sừng tê giác nhân tạo sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Một cuộc khảo sát trên 500 người sử dụng sừng tê giác cho mục đích y tế cho biết, 45% nói rằng họ sẽ chấp nhận sử dụng sừng tê giác nhân tạo. "Ít nhất, sản phẩm này sẽ thay đổi thói quen của một số người," Markus nói.

Ý tưởng sừng tê giác nhân tạo đang vấp phải những luồng dư luận trái chiều. Susie Ellis, Giám đốc của tổ chức bảo vệ Tê giác quốc tế cho rằng, có thể sự ra đời của sừng nhân tạo sẽ khiến cơn sốt sừng tê giác thật trở nên nóng hơn. Bên cạnh đó, việc phân biệt đâu là sừng tê giác thật, đâu là sừng tê giác giả cũng là vấn đề lớn.

"Khi sừng tê giác được chế biến dưới dạng bột hoặc thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì việc phân biệt đâu là sừng tê giác thật, đâu là sừng tê giác giả sẽ vô cùng khó khăn", cô Susie Ellis nói. Cathy Dean, Giám đốc quốc tế của tổ chức từ thiện "Save the Rhino" cho rằng, chống nạn săn bắn tê giác phải bắt đầu từ việc thay đổi hành vi của con người chứ không phải tìm vật thay thế. Dean cho biết thêm, sừng nhân tạo sẽ không làm ảnh hưởng đến thị trường buôn bán sừng tê giác vì quan niệm phải dùng hàng thật. 

Nạn săn trộm tê giác ở Nam Phi – quốc gia có số lượng tê giác lớn nhất thế giới đang ở mức báo động cao. Trong năm 2014, mỗi ngày có 3 con tê giác bị săn trộm, so với 1 con bị săn trộm/tháng vào năm 2007.

Hiện, ở Nam Phi, người ta đang sử dụng nhiều cách để bảo tồn tê giác. Một trong những cách là tiêm độc tố và nhuộm màu vào sừng tê giác để những tay săn trộm thấy sừng tê giác không còn giá trị gì nữa. Các độc tố có thể làm người sử dụng sừng tê giác có các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, co giật… Tuy nhiên, do sừng tê giác cứng nên các hóa chất sẽ không làm ảnh hưởng gì đến tê giác. Ngoài ra, Nam Phi còn sử dụng máy bay không người lái để giám sát, phát hiện những tay săn trộm tê giác.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.