Gia tăng quan ngại về IS

Thứ Hai, 04/04/2016, 07:03
Ngày 29-3, khi phát biểu trước Quốc hội Hà Lan, Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Ard van der Steur cho biết, cảnh sát Hà Lan đã nhận được một báo cáo từ Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI), trong đó thông báo về hồ sơ phạm tội của anh em Ibrahim El Bakraoui và Khalid El Bakraoui. Và thông tin này đã được cung cấp cho cảnh sát Bỉ.


Cùng ngày 29-3, các nghị sĩ Bỉ và Pháp đã tranh luận về đề xuất trao cho các cơ quan tình báo và cảnh sát nhiều quyền hơn trong việc tiếp cận dữ liệu cá nhân của công dân. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ có nguy cơ đối mặt với bản án 5 năm tù giam và mức phạt 390.000 USD nếu từ chối cung cấp thông tin được mã hóa cho các nhà điều tra.

Trong khi đó, các nghị sĩ Anh sắp soạn xong dự luật buộc công ty công nghệ hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật xâm nhập điện thoại, máy tính của người dân với lý do an ninh quốc gia. Theo báo chí Anh, các phần tử thánh chiến đang lên kế hoạch thực hiện hơn 20 vụ tấn công liều chết trên các đường phố ở Anh.

Cảnh sát vũ trang của Anh tuần tra trên đường phố.

Giới chức Tổng cục An ninh Anh (MI5) cho rằng, hơn 50 phần tử thánh chiến trong số khoảng 450 đối tượng cực đoan hiện sống ở Anh có thể dính líu tới các kế hoạch kể trên. Và họ đang theo dõi 25 âm mưu ủng hộ IS hoặc Al-Qaeda.

Cơ quan an ninh châu Âu cũng đang truy lùng ít nhất 8 nghi can có liên quan đến các vụ tấn công của IS ở "lục địa già" thời gian qua. Bên cạnh đó, loạt vụ khủng bố tại Pháp và Bỉ vừa qua càng khiến quy chế tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ lung lay, khi các nước muốn thắt chặt biên giới để tăng cường an ninh.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện thăm dò Emnid thực hiện, đa số người Đức lo ngại về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở nước này trong năm 2016. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho biết, Chính phủ Đức không thấy có dấu hiệu về một vụ tấn công khủng bố được lên kế hoạch ở Đức.

Đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU hợp tác chặt chẽ với tình báo Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Italia Angelino Alfano cho biết, kể từ đầu năm đến nay, Italia đã bắt và trục xuất 9 người nước ngoài bị tình nghi có quan hệ mật thiết hoặc có cảm tình với khủng bố quốc tế.

Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter vừa công bố gói dự thảo gồm các biện pháp chống khủng bố mới nhằm giúp việc giám sát điện thoại và Internet trở nên dễ dàng trong công tác điều tra. Ngoài ra, nhà chức trách cũng có quyền giám sát các tài khoản ngân hàng của cá nhân và tổ chức nghi ngờ có liên hệ với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Blaszczak cũng khẳng định, dự luật chống khủng bố mới, trong đó bao gồm các biện pháp tăng cường giám sát đối với người nước ngoài… là nhằm đảm bảo an ninh cho công dân nước này. Còn Chính phủ Bulgaria đã thông qua kế hoạch triển khai chiến lược chống cực đoan hóa và chủ nghĩa khủng bố.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Czech thông báo sẽ hỗ trợ 4,17 triệu USD trong năm 2016 cho một số nước châu Âu đang chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng người di cư. Quốc vương Jordan Abdullah vừa chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ "đưa khủng bố tới châu Âu" và coi đây là một phần trong chính sách của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và ông không nghi ngờ khi nước này hỗ trợ IS xuất khẩu dầu mỏ.

An ninh được thắt chặt tại châu Âu.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho biết, nước này quan ngại về thỏa thuận đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn.

Theo cảnh báo của Interpol, IS đã huấn luyện ít nhất 400 chiến binh và điều chúng thâm nhập vào châu Âu để thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Giới chuyên môn cũng cảnh báo, châu Âu đang lúng túng khi khủng bố bắt tay với xã hội đen. Bởi sự hòa nhập giữa 2 thực thể tưởng chừng như không liên quan đến nhau là tội phạm có tổ chức và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo bạo lực, nhưng đang khiến cho việc theo dõi các đối tượng tình nghi khủng bố trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhiều người cho rằng, vị trí địa lý thuận lợi đã khiến Brussels trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhóm khủng bố tuyển mộ thành viên và tuyên truyền tư tưởng cực đoan. Nếu tính theo đầu người, Bỉ hiện là quốc gia có số chiến binh tham chiến cho các nhóm khủng bố tại Syria cao nhất ở phương Tây.

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp, có 2.030 công dân Pháp, 1.600 công dân Anh, 800 công dân Đức và 534 công dân Bỉ đã bị lôi kéo rời châu Âu để tham gia các phong trào thánh chiến cực đoan. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đều kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác để chống khủng bố có hiệu quả.

Thiện Lân
.
.
.