Gia tăng bạo lực gia đình ở Trung Đông và Bắc Phi vì đại dịch COVID-19

Thứ Hai, 13/04/2020, 07:05
Với nhiều phụ nữ ở Trung Đông và Bắc Phi, bạo lực thể xác là “một phần trong cuộc sống” hàng ngày của họ. Kết quả một nghiên cứu của Đại học Princeton công bố năm 2019 cho hay,  ít nhất 1/4 phụ nữ đã kết hôn ở một số quốc gia như Yemen, Morocco và Ai Cập đã bị chồng bạo lực thể xác.


"Bạo lực thể xác đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi"

Tuần trước, Asma Shiri, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Phụ nữ Tunisia đã đưa ra cảnh báo về tình trạng bạo lực gia đình gia tăng trong bối cảnh chính phủ đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19. Sau khi Tunisia áp đặt lệnh giới nghiêm vào giữa tháng 3/2020, số vụ bạo lực gia đình đã tăng gấp 5 lần.

Theo nhận định của Tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế (HRW), mặc dù gần một nửa số quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã thông qua luật chống bạo lực gia đình nhưng thực tế, việc thực thi các quy định của pháp luật không hiệu quả. Các vụ bạo lực gia đình liên tiếp xảy ra.

Ít nhất 1/4 phụ nữ đã kết hôn ở một số quốc gia như Yemen, Morocco và Ai Cập đã bị chồng bạo lực thể xác.

"Bạo lực thể xác đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi. Nó quen thuộc như không khí tôi hít thở. Tôi không biết phải làm gì để thay đổi điều đó", Laila (không phải tên thật của nhân vật), một người phụ nữ ở độ tuổi 50 chia sẻ.

Laila không muốn hình ảnh, danh tính thực cũng như quê quán của mình xuất hiện trên báo chí vì sợ sẽ bị chồng đánh đập hay sự kỳ thị của cộng đồng. Laila cho biết, hơn 30 năm trước, cô kết hôn với một người họ hàng xa và bị hành hạ thể xác kể từ đó. "Bất cứ khi nào chồng đánh, tôi đều tìm cách trốn chạy về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng để tránh sự gièm pha từ cộng đồng, tôi tiếp tục quay lại sống với anh ấy", Laila nói.

Laila cho biết thêm, nhiều lần cô trở về nhà với những vết bầm tím trên mặt, cánh tay và lưng. Sau hơn 30 năm chung sống, hai vợ chồng cô hiện có 7 con gái và một cậu con trai. Cô chỉ tìm thấy niềm an ủi trong những lần chồng đi công tác. “Đó là khoảng thời gian tôi được sống yên bình cùng các con, cơ hội để thoát khỏi bạo lực vốn đã trở thành một phần của cuộc sống. Khi chồng đi vắng, tôi và các con được vui vẻ với những bữa tiệc đúng nghĩa”, Laila chia sẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đai dịch covid -19 lan rộng, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, trong đó có việc hạn chế đi lại và chồng Laila không thể đi công tác, buộc phải ở nhà. Điều đó đồng nghĩa rằng, Laila tiếp tục phải gánh chịu những trận đòn từ chính người chồng của mình.

Đe dọa thiêu sống vì bị từ chối quan hệ tình dục

Laila không phải là người phụ nữ duy nhất ở khu Trung Đông và Bắc Phi phải đối mặt với bạo lực gia đình. Aisha (không phải tên thật của nhân vật), một phụ nữ Ả Rập buộc phải chạy trốn khỏi đất nước mình đến Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chồng đánh đập cô và các con mỗi ngày. "Có lần, anh ta còn dọa thiêu sống tôi vì bị tôi từ chối quan hệ tình dục , Aisha nói.

Aisha lo ngại rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để ngăn chặn đại dịch COVID-19, bao gồm cả lệnh giới nghiêm. Điều đó buộc cô không thể ra ngoài đi làm và phải ở nhà với chồng. "Tôi chắc chắn rằng, sẽ bị đánh đập và quấy rối nhiều hơn hiện tại. Tôi không muốn điều này sẽ xảy ra", Aisha nói.

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, bạo lực gia đình là vấn đề chung trên toàn cầu, không phải vấn đề riêng của các quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên, ở những khu vực này, tình trạng bạo lực nghiêm trọng hơn do quan niệm gia trưởng về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Rania Suleiman, một chuyên gia hoạt động xã hội ở Lebanon cho biết, phụ nữ còn phải đối mặt với áp lực do kết cấu gia đình chặt chẽ và điều kiện sống nhiều thế hệ trong không gian chật hẹp.

“Trong điều kiện sống này, phụ nữ buộc phải đáp ứng rất nhiều nhu cầu của các thành viên trong gia đình. Họ phải đối mặt với nhiều tình huống căng thẳng hàng ngày. Nếu không đáp ứng nhu cầu theo cách mà chồng muốn, họ có nguy cơ bị lạm dụng thể xác", Rania Suleiman nói.

Alaa Aknes, nhân viên xã hội làm việc tại một phòng khám khẩn cấp ở Dải Gaza, nơi điều trị cho các nạn nhân của bạo lực gia đình đưa ra lời khuyên rằng, phu nữ nên luôn mang theo giấy tờ tùy thân, có sẵn số điện thoại của các tổ chức viện trợ và những người đáng tin cậy để được giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.