FBI lập văn phòng đại diện tại Campuchia
Giới quan sát nhận định, diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ băng giá giữa Campuchia-Mỹ và bất đồng về một số vấn đề, nhất là việc phá hủy một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream, động thái này cho thấy hai nước lại bắt đầu xây dựng lòng tin. Hãng Reuters thì bình luận, việc FBI có văn phòng đại diện ở Campuchia sẽ giúp cải thiện rất nhiều quan hệ song phương. Người phát ngôn của lực lượng cảnh sát quốc gia, Trung tướng Chhay Kim Khoeun cho hay, FBI sẽ thành lập văn phòng bên trong trụ sở Cảnh sát Quốc gia sau khi hai bên thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đoàn đại diện Cảnh sát Quốc gia Campuchia chụp ảnh lưu niệm trong chuyến làm việc ở Washington D.C hồi tháng 4-2019. ảnh: Courtesy |
"Chúng tôi hợp tác với FBI và chúng tôi đã ký Biên bản ghi nhớ để đấu tranh chống lại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là xác định vị trí của những kẻ đào tẩu. Chúng tôi đã cùng nhau đồng ý thành lập một văn phòng FBI ở đây để điều phối công việc", Trung tướng Chhay Kim Khoeun nói.
Cũng theo lời người phát ngôn của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Campuchia, đại diện của FBI, cảnh sát quốc gia, Tổng cục Di trú và các cơ quan liên quan khác đã phối hợp tốt để đấu tranh với hàng loạt tội phạm. "Chúng tôi đã làm việc với Mỹ trong nhiều năm, nhưng đó chỉ là từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi đã trao đổi thông tin với nhau, chẳng hạn như cung cấp phản hồi về các nghi phạm lạm dụng tình dục trẻ em hoặc những kẻ đào tẩu có nguy cơ cao khác. Nhưng chúng tôi không có cơ chế cụ thể và bây giờ chúng tôi có nó", Trung tướng Chhay Kim Khoeun cho biết thêm: "Ngoài ra, Mỹ giúp đào tạo cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi về một số chuyên môn kỹ thuật. Lực lượng đặc nhiệm sẽ có lợi cho cả hai bên".
Được biết, trong chuyến thăm 5 ngày tới Mỹ hồi tháng 4 năm ngoái, Cảnh sát trưởng Quốc gia Neth Savoeun đã dẫn đầu một phái đoàn để thảo luận về hợp tác các vấn đề an ninh theo lời mời của FBI. Trong chuyến thăm, đại diện lực lượng Cảnh sát Quốc gia Campuchia và FBI đã ký Biên bản ghi nhớ để thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung chống khủng bố và tội phạm xuyên biên giới. Biên bản ghi nhớ đã được ký bởi Tướng Neth Savoeun, Tướng Kirth Chantharith, Tổng cục trưởng Tổng cục Di trú và Christopher Wray, Giám đốc FBI tại Washington DC. Đây là Biên bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác được ký kết giữa lực lượng cảnh sát quốc gia Campuchia, Tổng cục Di trú và FBI.
Hải quân Campuchia trong căn cứ hải quân Ream ở Sihanoukville, phía Tây Nam Phnom Penh. ảnh: AP |
Trong một email gửi tới Khmer Times hôm 13-10, Chad Roedemeier, phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia cũng xác nhận việc hai nước có lực lượng đặc nhiệm chung nhưng từ chối trả lời chính xác về thời gian mở văn phòng đại diện của FBI. Chad Roedemeier nhấn mạnh: "Hợp tác thực thi pháp luật của chúng tôi làm cho cả hai quốc gia an toàn hơn.
FBI và lực lượng Cảnh sát Quốc gia Campuchia đã ký một biên bản ghi nhớ vào năm 2019 để thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm có tổ chức, tội phạm tài chính và rửa tiền và xác định vị trí của những kẻ đào tẩu quốc tế. Lực lượng đặc nhiệm đó hiện đã hoạt động. Hợp tác thực thi pháp luật có trách nhiệm là một phần quan trọng trong mối quan hệ song phương của chúng tôi. Lực lượng đặc nhiệm này sẽ nâng cao cam kết hỗ trợ pháp quyền ở Campuchia và sẽ giúp bảo vệ người dân Campuchia".
Kin Phea - Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Campuchia hoan nghênh động thái này và nhận xét: "Đó là một động thái tốt để cải thiện quan hệ song phương và khôi phục xây dựng lòng tin giữa hai nước. Chúng ta phải thừa nhận rằng hai quốc gia có một số khác biệt trong một số lĩnh vực nhất định nhưng không có nghĩa là luôn có quan điểm khác nhau về mọi thứ".
Theo quan điểm của ông Kin Phea, hai quốc gia nên ưu tiên bất kỳ lĩnh vực nào có thể thúc đẩy và tăng cường quan hệ và hợp tác và không nên là "con tin" của các sự kiện vừa qua. "Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều tốt đẹp mà hai nước có thể sử dụng để hàn gắn mối quan hệ băng giá. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ là rất quan trọng đối với quan hệ và hợp tác ổn định, chặt chẽ và bền chặt giữa các nước".
Mối quan hệ Mỹ-Campuchia đã trở nên băng giá trong những năm gần đây, với việc Chính phủ Phnom Penh tức giận trước những lời chỉ trích của Washington về việc giải tán đảng đối lập và bắt giữ các chính trị gia cũng như các nhà hoạt động đối lập. Hồi tuần trước, Lầu Năm Góc còn bày tỏ lo ngại về việc san bằng trụ sở chiến thuật của hải quân Campuchia do Mỹ tài trợ, mà Thủ tướng Hun Sen nói là để cải tạo. Campuchia cũng nhiều lần bác bỏ thông tin rằng có một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc, đồng minh kinh tế và ngoại giao lớn nhất của họ, để bố trí lực lượng tại căn cứ này.
FBI được thành lập vào năm 1908 với tên gọi Cục Điều tra và được đổi tên thành Cục Điều tra Liên bang năm 1935. Giám đốc FBI đầu tiên là J. Edgar Hoover, phục vụ 48 năm từ năm 1924 đến 1972 (tính cả quãng thời gian từ khi FBI còn có tên gọi là Cục Điều tra). Sau khi ông qua đời, Quốc hội Mỹ thông qua luật giới hạn nhiệm kỳ Giám đốc FBI là 10 năm.
Là cơ quan an ninh và tình báo nội địa Mỹ, đồng thời đóng vai trò như cơ quan thực thi pháp luật liên bang của quốc gia, FBI trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, báo cáo cho cả Bộ trưởng Tư pháp Mỹ và Giám đốc Tình báo Quốc gia. Với tư cách là cơ quan chống khủng bố, phản gián và điều tra hình sự hàng đầu của Mỹ, FBI có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hơn 200 danh mục về tội ác liên bang.
Trụ sở chính của FBI tại Washington. ảnh: AP |
Ngoài trụ sở chính tại tòa nhà J. Edgar Hoover, Washington, với 56 văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và hơn 400 cơ quan thường trú tại các thành phố nhỏ hơn và các khu vực trên toàn quốc, FBI còn vận hành hơn 60 văn phòng tùy viên pháp lý và hơn một chục văn phòng nhỏ trên toàn cầu. Những văn phòng ở nước ngoài tồn tại chủ yếu với mục đích phối hợp với cơ quan an ninh nước ngoài của Mỹ và thường không tiến hành hoạt động đơn phương ở nước sở tại.
FBI có gần 40.000 đặc vụ, chuyên gia và các nhân viên khác. Người ứng tuyển vào FBI phải ở độ tuổi 23 đến 37, cựu quân nhân có thể được ưu tiên ứng tuyển sau 37 tuổi. Họ phải là công dân Mỹ, có lý lịch tốt và có bằng cử nhân hệ 4 năm. Tất cả nhân viên FBI đều được yêu cầu kiểm tra an ninh tối mật (kiểm tra lý lịch, các chuyến đi nước ngoài, tài sản, tính cách...). Ứng viên đặc vụ phải vượt qua bài kiểm tra thể chất bao gồm chạy 300m, 1 phút làm động tác đứng lên ngồi xuống, hít đất hết sức và chạy 2,4km. Ngoài ra ứng viên phải vượt qua đợt kiểm tra tim mạch với các câu hỏi về tiền sử sử dụng ma túy.