Europol và cuộc chiến chống khủng bố

Thứ Ba, 26/07/2016, 15:56
Châu Âu đã và đang đứng trước sự tấn công trực diện và đe dọa nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố. Với vai trò là Cơ quan cảnh sát Châu Âu, Europol không thể đứng ngoài cuộc.

Ngày 13 - 11 - 2015, thế giới đã bị rúng động bởi các cuộc tấn công đồng loạt của 10 chiến binh IS tại nhà hát, sân vận động, quán cà phê tại thủ đô Paris, Pháp, khiến 130 người bị chết và nhiều người bị thương. Tiếp theo đó, ngày 22 - 3 - 2016, bọn khủng bố lại tiến hành các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào thủ đô Brussels (Bỉ), nơi được coi là "trái tim của Châu Âu" khiến hàng chục người chết… 

Châu Âu đã và đang đứng trước sự tấn công trực diện và đe dọa nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố. Với vai trò là Cơ quan cảnh sát Châu Âu, Europol không thể đứng ngoài cuộc.

Theo nhận định của Europol, các nhóm khủng bố quốc tế, trong đó đặc biệt là các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục đang tìm cách lên kế hoạch cho các cuộc tấn công lớn khác nhằm gây thương vong hàng loạt tại Châu Âu. Pháp, Bỉ vẫn có thể là mục tiêu tiếp theo của kế hoạch này. 

Kế hoạch này có thể diễn ra trong tương lai gần và khó có thể tiên đoán được thời gian, địa điểm và hình thức của cuộc tấn công. IS đang phát triển một lực lượng đặc biệt, theo đó Tổng chỉ huy tại Syria lên chiến lược tấn công và cho phép các chi nhánh tại các nước tự quyết định hoạt động cụ thể của mình.

Trung tâm chống khủng bố của Europol ECTC.

Các nhóm khủng bố quốc tế đặc biệt quan tâm tới việc lôi kéo, dụ dỗ các chiến binh người châu Âu, sau một thời gian huấn luyện "tẩy não" sẽ đưa họ trở về quê hương để làm chân rết cho các hoạt động khủng bố. 

Theo thống kê, hiện có tới khoảng 5.000 người Châu Âu đã từng tham chiến trong các nhóm khủng bố tại Syria và Iraq đã trở về quê hương. Trong đó, điển hình là đối tượng Abdelhamid Abaaoud, công dân Bỉ, kẻ đã lên kế hoạch cho vụ tấn công khủng bố nhằm vào Paris. Tên này đã tới Syria, chiến đấu trong hàng ngũ của IS trong một thời gian dài, sau đó được giao nhiệm vụ trở lại Châu Âu để tiến hành các vụ tấn công khủng bố. 

Europol cho biết sẽ phối hợp với các tổ chức tình báo trong nước nhằm giám sát chặt chẽ những chiến binh đó. ECTC có nhiều phương thức đặc biệt nhằm xác định di biến động, cách thức liên lạc và phối hợp của họ trên mạng trực tuyến.

Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, các phần tử khủng bố cũng có thể trà trộn vào dòng người nhập cư từ Trung Đông để tới châu Âu, thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Mục tiêu của chúng là thực hiện các vụ tấn công lớn, gây thương vong càng nhiều càng tốt cho người dân và gây thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín các nước châu Âu, tạo nên tâm lý bất ổn và sự hỗn loạn.

Trước tình hình này, Cơ quan Cảnh sát Châu Âu đã quyết định  thành lập Trung tâm chống Khủng bố Châu Âu (ECTC) đặt trụ sở tại Hà Lan nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra khủng bố và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước, đồng thời giúp củng cố lòng tin và sự an tâm của nhân dân. 

Bước đầu, trung tâm sẽ có khoảng 40 đến 50 chuyên gia chống khủng bố và sẽ là lực lượng nòng cốt chống khủng bố của Châu Âu. Giám đốc Trung tâm là ông Manuel Navarrette Paniagua, người Tây Ban Nha, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, người vốn là chỉ huy đơn vị chống khủng bố của Europol. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ECTC là phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chống tội phạm mạng (EC3) của Europol để phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện các mối đe dọa khủng bố thông qua lợi dụng của Internet và các trang mạng xã hội, khoanh vùng  hoạt động tuyên truyền của các tổ chức khủng bố trên mạng Internet. 

Nỗ lực của Cảnh sát châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Việc chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố tập trung về đầu mối ECTC sẽ giúp các lực lượng hành pháp các nước châu Âu phối hợp và nắm bắt tốt hơn các thông tin cập nhật về các đối tượng, các nhóm khủng bố và các mối đe dọa có khả năng xảy ra để chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, xử lý, quản lý công dân cũng như người nước ngoài đang lưu trú tại nước mình hiệu quả. ECTC cũng trợ giúp cảnh sát nước sở tại hoặc điều phối các chiến dịch quốc tế nhằm điều tra, tấn công các đối tượng, nhóm khủng bố trên lãnh thổ các quốc gia châu Âu. Ngân sách hoạt động hằng năm của ECTC lên tới 7,5 triệu euro một năm, được trích từ ngân sách hoạt động thường xuyên của Europol.

Ngoài việc tăng cường phối hợp qua ECTC, Europol cũng hỗ trợ lực lượng cho cảnh sát các nước đang bị nguy cơ cao tấn công khủng bố để tiến hành các hoạt động phòng ngừa. 

Ngay sau các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp và Bỉ, Europol đã cử 60 sỹ quan giàu kinh nghiệm tham gia các tổ công tác đặc biệt tới phối hợp với cảnh sát các nước châu Âu tiến hành các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt. 

Các tổ công tác đã thu thập được hơn 800 tin tức tình báo về các đối tượng, nhóm khủng bố và 1.600 tin liên quan đến các giao dịch tài trợ khủng bố, góp phần quan trọng ngăn chặn kịp thời nhiều âm mưu tấn công khủng bố lớn mà các tổ chức khủng bố đã lên kế hoạch nhằm vào châu Âu.

Europol cũng tăng cường phối hợp với Interpol và các tổ chức quốc tế, cảnh sát các nước ở những khu vực khác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, thiết lập các kênh trao đổi thông tin, chia sẻ tin tức tình báo và kế hoạch hành động trong tình huống thực tế xảy ra. 

Cảnh sát các nước châu Âu sẽ được phân quyền nhiều hơn trong việc truy cập, trích xuất và sử dụng các cơ sở dữ liệu, tiện ích sẵn có của Europol và Interpol nhằm phục vụ chống khủng bố, trong đó đáng chú ý là Mạng thông tin toàn cầu I24/7, Cơ sở dữ liệu về tội phạm toàn cầu và Cơ sở dữ liệu về tài liệu bị đánh cắp… 

Các đoàn công tác của Europol được cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm cũng như huấn luyện, đào tạo cho cảnh sát các nước trong nỗ lực chống khủng bố toàn cầu.

Một trong những hướng hợp tác quốc tế ưu tiên là Europol sẽ phối hợp với cảnh sát các nước liên quan nắm bắt thông tin, sàng lọc và ngăn chặn kịp thời các đối tượng khủng bố tìm cách đến châu Âu thông qua con đường nhập cư, du lịch, đầu tư…, chặn đứng từ xa các kế hoạch khủng bố và nguồn tiền tài trợ khủng bố, cũng như các nguồn tuyển quân của chúng.

Lợi dụng vị trí đường biển gần và đường biên giới mở của châu Âu theo Hiệp ước Shengen, một số đối tượng khủng bố từ châu Phi, Trung Đông và các nước khác tìm cách vào châu Âu. 

Do vậy, Europol đang nghiên cứu đề xuất các nước cùng ủng hộ ý tưởng thành lập lực lượng cảnh sát chung tuần tra biên giới châu Âu và tuần tra ven biển, đồng thời hỗ trợ cảnh sát Hy Lạp quản lý tốt hơn biên giới, hạn chế tình trạng các đối tượng khủng bố xâm nhập. 

Các vụ khủng bố vừa qua cũng cho thấy những lỗ hổng an ninh và sự sơ hở, những điểm yếu của lực lượng an ninh các nước châu Âu nói chung và Europol nói riêng trong công tác thu thập, phân tích tin tình báo cũng như hoạt động phòng ngừa. 

Do vậy, Europol đang nỗ lực rà soát, cải tổ hoạt động cũng như phối hợp với cảnh sát các nước chấn chỉnh, hiệu quả hóa hoạt động của lực lượng an ninh nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục ngay các sơ hở, thiếu sót trong công tác chống khủng bố của mình. Europol đã và đang nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến để bảo vệ sự sống còn của chính mình.

Nguyễn Hoàng Anh Khôi
.
.
.