Europol và bài toán chống buôn người sau di cư

Chủ Nhật, 29/01/2017, 19:41
Từ nhiều thập kỷ nay, châu Âu vẫn được coi là điểm nóng về tội phạm buôn người. "Nóng" về tội phạm này là nóng từ trong ra, nóng từ ngoài vào. Các đường dây tội phạm từ châu Phi, châu Á, Nam Mỹ tìm cách đưa người vào châu Âu để phục vụ các dịch vụ mại dâm, lao động bất hợp pháp.


Trong nội tại châu Âu, tội phạm buôn người từ các nước Đông Âu (cũ) và từ những khu vực đang phát triển tới các nước phát triển hoặc đưa sang Mỹ, Canada… Đối tượng của tội phạm buôn người không chỉ có phụ nữ (để hoạt động mại dâm) mà có cả nam giới, trẻ em (để làm nô lệ lao động, làm con nuôi...).

Trong những năm gần đây, do tình trạng nghèo đói và chiến tranh liên miên ở nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông nên dòng người tị nạn tại các nước này, đặc biệt là từ Syria, đổ vào châu Âu rất đông, có khi lên đến hàng triệu người. Người di cư sử dụng tất cả các con đường có thể, từ đường bộ, đường không, đường sắt, đường biển để đặt chân lên châu Âu với niềm hy vọng vào cuộc sống mới.

Làn sóng đại di cư này đã gây nên cuộc khủng hoảng tị nạn lớn chưa từng thấy và là áp lực kinh hoàng lên các nước châu Âu. Lãnh đạo châu Âu đã phải nhiều lần họp khẩn và đưa ra những giải pháp cấp bách, chi nhiều tỷ Euro để hỗ trợ người nhập cư cũng như giải quyết tình hình. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó giải cho toàn châu Âu.

Một số nước như Italia, Đức, Bỉ, Hy Lạp… đã phải mở cửa biên giới để tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, chỉ có số ít người tị nạn có cơ hội nhập cư, được lao động và sinh sống hợp pháp ở các nước châu Âu mà phần lớn phải sống chui rúc trong các trại tị nạn hoặc trở thành lao động bất hợp pháp.

Những đối tượng buôn người bị cảnh sát bắt giữ.

Sau di cư, những người tị nạn tiếp tục trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người. Họ bị tội phạm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc và bị bán vào các đường dây mại dâm, các cơ sở lao động khổ sai hoặc thậm chí bị bán như những món hàng để lấy nội tạng.

Đáng lo ngại khi có nguồn tin cho rằng, một số trẻ em tị nạn có thể bị bán cho các tổ chức khủng bố để chúng huấn luyện thành các chiến binh khủng bố hoặc thánh chiến ngay trong lòng châu Âu.

Hiện nay, Europol đã xác định được khoảng 7.000 đối tượng tình nghi khắp châu Âu có liên quan đến hoạt động nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người (trong đó 95% là nam giới ở độ tuổi dưới 36). Lợi nhuận mà các đối tượng tổ chức nhập cư bất hợp pháp và buôn bán người thu được ngày càng tăng mạnh (lên tới 3 - 6 tỷ Euro mỗi năm).

Nếu như trước đây, người nhập cư bất hợp pháp chỉ phải trả từ 2.000 - 5.000 Euro cho trọn gói hành trình nhập cư từ nước họ sống vào nước họ chọn ở châu Âu thì nay 3.000 Euro chỉ là chi phí trung bình cho một phần của hành trình (tức là đối tượng buôn người chỉ đảm bảo đưa người đó từ nước họ đến cửa ngõ vào châu Âu) và hành trình của họ có khi phải kéo dài cả tháng trời. Khi không đủ tiền chi trả cho toàn bộ hành trình thì những người nhập cư bất hợp pháp này có nguy cơ ngay lập tức biến hành món hàng của bọn buôn người.

Trước tình hình đó, cảnh sát các nước châu Âu đã tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống. Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (europol) xác định phòng chống buôn người là 1 trong 9 ưu tiên trọng tâm trong giai đoạn 2014 - 2017.

Đặc biệt, trong năm 2017, Europol sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm, đó là: Xác định, bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân; thực thi các biện pháp phòng ngừa buôn bán người; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn người; nâng cao hiệu quả hợp tác phòng chống buôn bán người; nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác phòng chống buôn bán người.

Europol ra mắt trung tâm chống khủng bố mới.

Europol đang tiến hành một dự án bao phủ toàn bộ các quốc gia thành viên về chống buôn bán người. Các cơ quan hành pháp các nước châu Âu cũng được yêu cầu phối hợp tích cực với các đội đặc nhiệm biệt phái của Europol trong các chiến dịch đặc biệt chống các băng nhóm hoặc các tổ chức tội phạm buôn người.

Europol cũng tích cực phối hợp với Interpol và cảnh sát các nước ngoài châu Âu trong việc xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về buôn người, chia sẻ thông tin tình báo, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp điều tra tội phạm buôn người.

Đơn vị chuyên trách phòng chống buôn người của Europol (THB) được thành lập với nhiều sỹ quan và chuyên gia rất giàu kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia châu Âu, được trang bị những phương tiện hiện đại nhất, đặt trụ sở tại Tổng hành dinh Eurpol ở thành phố Hague (Hà Lan).

Kinh phí dành cho công tác phòng chống tội phạm buôn người của Europol cũng được duyệt chi tăng hơn rất nhiều để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Các đội đặc nhiệm của Eurpol được cử đến nằm vùng ở những khu vực tiền đồn của Hy Lạp và Italia để phối hợp cảnh sát địa phương phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các đối tượng buôn người, không cho chúng đặt chân rết hoạt động trên đất châu Âu.

Trong một động thái quyết liệt, từ ngày 10 đến 16-10-2016, Europol phối hợp với cảnh sát 28 nước châu Âu tiến hành chiến dịch mang tên Ciconia Alba, đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm buôn người. 

Trong chiến dịch này, 11.161 địa điểm (bao gồm các khu đèn đỏ, nhà thổ, cơ sở mát xa, trung tâm lưu trú…), 5.126 phương tiện, và 43.405 người đã bị kiểm tra. Cảnh sát cũng xác minhh gần 36.000 giấy căn cước và hồ sơ công dân.

Qua đó, cảnh sát đủ căn cứ tiến hành 102 cuộc điều tra nhằm vào các đối tượng tình nghi liên quan đến hoạt động buôn bán người, từ đó bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm, giải cứu được 549 nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân dưới 14 tuổi.

Europol cũng hỗ trợ cảnh sát Bỉ và Romania trong một chiến dịch phối hợp, triệt phá một đường dây buôn người lớn, chuyên bán phụ nữ từ các nước Đông Âu và các trại tị nạn vào các khu đèn đỏ ở Bỉ.

Trước đó, hồi tháng 6 - 2016, Europol và cảnh sát Pháp, Tây Ban Nha phối hợp phá đường dây buôn người, bắt giữ nhiều đối tượng. Trong đó có một cựu cảnh sát và một cảnh sát địa phương. Hai người này bị buộc tội lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đột nhập vào kho dữ liệu của cảnh sát để lấy thông tin mật bán cho băng nhóm buôn người nhằm giúp chúng che giấu hoạt động phạm tội. 

Europol và cảnh sát Áo, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Germany, Hungary, Romania, Serbia, Slovenia và Thụy Sỹ đã tiến hành một chiến dịch đặc biệt bắt giữ 39 đối tượng buôn người, giải cứu 580 nạn nhân, trong đó có nhiều người tị nạn.

Với những biện pháp đồng bộ và quyết liệt của mình, Europol hy vọng sẽ kiềm chế, tiến tới đẩy lùi được hoạt động buôn người sau di cư. Đây cũng là một phần giải pháp giúp giải quyết được bài toán khủng hoảng di cư mà các nước châu Âu đang phải đối mặt.n

Hoàng Oanh
.
.
.