EU và Mỹ đụng độ về phương pháp chống rửa tiền
Hãng tin The Guardian của Anh ngày 16-2 đưa tin, sau khi sửa đổi Chỉ thị về phòng chống rửa tiền lần thứ 5, EU đã công bố một danh sách gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ yếu kém trong việc thực thi luật chống rửa tiền.
Danh sách năm ngoái chỉ bao gồm 16 quốc gia thì năm nay con số tăng lên 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có 4 vùng lãnh thổ của Mỹ nằm ngoài nước Mỹ: Puerto Rico, đảo Guam, Samoa và quần đảo Virgin. 3 quốc gia khác bị đưa vào danh sách là Arab Saudi, Panama và Nigeria. Uỷ viên Tư pháp của EU Vera Jourova cho biết, ngoài nghi ngờ rửa tiền, các quốc gia trong danh sách nói trên còn bị cáo buộc liên quan đến tài trợ khủng bố.
Từ danh sách này, các quốc gia thành viên của EU sẽ tăng cường kiểm tra và điều tra về hoạt động tài chính để tìm ra bất kỳ dòng tiền đáng ngờ nào được giao dịch tại những nước này. Vera Jourova nói: "Chúng tôi phải đảm bảo rằng tiền bẩn từ các quốc gia khác không tìm được đường đến hệ thống tài chính của chúng tôi. Châu Âu không thể là một tiệm giặt là cho tiền bẩn. Trong tuần tới, Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ sớm phê chuẩn danh sách này".
Cho đến nay, nhiều quốc gia châu Âu vẫn phản đối sự bổ sung của danh sách này vì lo ngại ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế, thương mại với các quốc gia giàu dầu mỏ. Nếu trong thời hạn 2 tháng, đa số các nước thành viên EU phản đối, không thông qua, danh sách đen có thể bị bác bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, điều này là khó khả thi thì Anh và Pháp đang dẫn đầu việc lập danh sách.
Thêm vào đó, các ngân hàng ở EU cũng đã thắt chặt giao dịch với những quốc gia có tên trong danh sách này và khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra bổ sung để xác định dòng tiền bẩn. EU cũng sẽ mời các vùng lãnh thổ có tên trong danh sách đến thảo luận và xác định để cải thiện khuôn khổ chống rửa tiền nếu muốn bị xóa khỏi danh sách.
"Chúng tôi đã mời các quốc gia được liệt kê để khắc phục sự thiếu hụt của họ một cách nhanh nhất có thể. Uỷ ban châu Âu sẵn sàng hợp tác chặt chẽ để giải quyết những vấn đề này vì lợi ích chung". Vera Jourova cho biết thêm. Các quan chức EU còn lưu ý rằng Arab và các đồng minh của họ ở Mỹ đã vận động Brussels để Riyadh được đưa ra khỏi danh sách nhưng tại một cuộc họp của đại diện 28 quốc gia thuộc EU hồi tuần trước, Anh, Pháp và Đức đều bày tỏ sự dè dặt của họ về việc này.
Về phía Mỹ, giới chức nước này đã rất tức giận khi có tới 4 vùng lãnh thổ nằm trong danh sách. Nhưng ngay sau đó, Washington đã có hành động thiết thực là thiết lập một đường dây nóng quan trọng giữa Bộ Tài chính Mỹ và EU để thực hiện các biện pháp chống rửa tiền một cách chặt chẽ hơn. "Việc sửa đổi chỉ thị chống rửa tiền ở châu Âu đã làm tăng tính minh bạch về quyền sở hữu có lợi của các công ty.
Quy định yêu cầu các doanh nghiệp làm cho chủ sở hữu của họ rõ ràng, tránh các con đường phức tạp của chủ sở hữu công ty con có thể được cung cấp để trốn thuế. Những thiếu sót mà Ủy ban Châu Âu tìm thấy trong các phương pháp chống rửa tiền của 23 quốc gia là lý do họ đã bị đưa vào danh sách đen.
Những hành vi này cũng đã được sử dụng rộng rãi bởi những tên tội phạm rửa tiền. Mặc dù có thể không làm hài lòng nhưng Bộ Tài chính Mỹ cũng phải thừa nhận rằng bằng cách xem xét các hoạt động này, các bên có thể phát hiện được những phương thức tài chính của bọn khủng bố và tội phạm", một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nhận xét.