Đường dây buôn người từ Nigeria đến "động mại dâm" ở Italia
Câu chuyện của Inyang Okokon
Sau 9h tối, gái mại dâm Nigeria bắt đầu xuất hiện trên các con phố ở Asti, một thành phố nhỏ gần Turin, miền bắc Italia. Inyang Okokon lái xe chậm lại, tiến về phía hai cô gái khoảng 15, 16 tuổi, trang điểm đậm, đứng phía cuối đường. Inyang Okokon kéo kính xe xuống và bắt đầu nói chuyện.
Theo Inyang Okokon, hầu hết gái mại dâm Nigeria làm việc trên đường phố Asti là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm buôn người. "Đây chỉ là một thành phố nhỏ. Hiện tượng tương tự xảy ra trên khắp lãnh thổ Italia và châu Âu", Inyang Okokon nói.
Inyang Okokon của tổ chức từ thiện PIAM phát bao cao su cho gái mại dâm trên đường phố ở Asti. |
Inyang Okokon, 42 tuổi, đến từ bang Akwa Ibom, miền nam Nigeria. Cô đã có 17 năm làm việc cho Progetto Integrazione Accoglienza Migranti (PIAM), một tổ chức bảo vệ quyền cho người di cư và chống buôn bán người ở Asti. Inyang Okokon kể về nỗi kinh hoàng mà phụ nữ Nigeria đã phải trải qua và cô cũng từng là nạn nhân của đường dây buôn người như thế. Năm 1999, cô đã bị bán từ Nigeria đến Turin.
"Một người phụ nữ trở về từ châu Âu đã dụ dỗ tôi. Cô ta nói rằng, phụ nữ Nigeria cần phải thay đổi cuộc sống nghèo đói đeo đẳng. Khi đó, tại Nigeria, tôi không có bất cứ thứ gì. Tôi muốn các con có tương lai tốt đẹp hơn.
Người phụ nữ nói rằng, sẽ cho tôi vay tiền đến châu Âu. Tôi đã bay đến London bằng hộ chiếu giả. Sau đó, một người đàn ông đến đón và đưa tôi đến Italia. Tôi sống trong một ngôi nhà ở Turin cùng nhiều phụ nữ Nigeria khác.
Khi tôi nói, sẽ làm việc trong một nhà hàng, những người phụ nữ khác bật cười. Họ nói rằng, ở đây không có công việc ở nhà hàng. Cho dù là công chúa hay nữ hoàng nhưng đang ở châu Âu này, tôi phải làm công việc của một gái điếm", Inyang Okokon kể lại.
Inyang Okokon cho biết, "madam" nói rằng, nếu muốn rời đi, cô phải trả khoản nợ 45.000 euro. "Tôi được đưa giày cao gót, đồ trang điểm và chỉ nơi làm việc. Khi từ chối không chịu tiếp khách, tôi đã bị đánh đến mức phải nhập viện.
Trong vòng hơn tám tháng, tôi đã làm việc trên đường phố tại Turin. Những người đàn ông Italia rất thích gái Nigeria. Tôi có hàng chục người đàn ông Italia xếp hàng chờ mỗi đêm. Tôi đã phải làm việc cật lực nhưng khoản nợ thì không hề giảm", Inyang Okokon kể.
Cuối cùng, Inyang Okokon đã may mắn khi gặp Alberto Mossino, một DJ làm việc ở hộp đêm. Alberto Mossino đã giúp Inyang Okokon trả hết khoản nợ và đưa cô ra khỏi động mại dâm. Hai người kết hôn và cùng nhau sáng lập tổ chức từ thiện PIAM.
80% phụ nữ đến Italia bằng đường biển là nạn nhân của đường dây buôn người
Inyang Okokon nói rằng, sau 17 năm, kể từ ngày cô đến Italia, tình hình phụ nữ Nigeria bị bán làm gái mại dâm ngày càng tồi tệ hơn. Tất cả phụ nữ Nigeria đến Asti đều bị gán khoản nợ hơn 40.000 euro và hầu hết buộc phải trải qua nghi lễ có tên là "Juju".
Sau khi trải qua nghi lễ này, các cô gái tin rằng, nếu không trả hết khoản nợ, điều khủng khiếp sẽ xảy ra với họ và gia đình.
Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, đường dây buôn người làm nô lệ tình dục giữa Nigeria và Italia đã có cách đây hơn ba thập kỷ. Bắt đầu vào những năm 1980 khi người dân Nigeria được đưa đến Italia để thu hoạch cà chua.
Vào thời gian này, nhiều người thấy rằng, bán dâm là công việc dễ dàng và mang lại lợi nhuận cao hơn so với thu hoạch rau hay trái cây. Kể từ đó, ước tính, có khoảng 30.000 phụ nữ Nigeria đã bị bán vào động mại dâm, bán thân trên đường phố ở Italia và các nước châu Âu khác.
Trong năm 2015, 5.633 phụ nữ Nigeria đến Italia bằng đường biển. Các chuyên gia của Liên hợp quốc (UN) cho rằng, 80% trong số này là nạn nhân của nạn buôn người. Hơn 85% phụ nữ đến từ Edo - bang nằm phía nam Nigeria.
Edo là bang được biết đến với tỷ lệ hộ nghèo cao, nạn phân biệt đối xử, hệ thống giáo dục lạc hậu và phụ nữ trẻ không có cơ hội để phát triển. "Số lượng và quy mô những đường dây buôn bán phụ nữ Nigeria làm gái mại dâm ở châu Âu tăng nhanh chưa từng có.
Giờ đây, các cô gái thực sự là nô lệ tình dục và phải chịu bạo lực khủng khiếp. Độ tuổi của phụ nữ bị bán vào động mại dâm ngày càng trẻ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên", Simona Moscarelli, một chuyên gia chống nạn buôn người của Tổ chức Di cư quốc tế nhận định.