Đức chấn động bởi bê bối tin tức giả của tờ Der Spiegel
Hãng tin Business Insider ngày 2-1 đưa tin, hai biên tập viên cao cấp bị đình chỉ chức vụ là Tổng biên tập Ullrich Fichtner và Trưởng Ban biên tập mảng xã hội Matthias Geyer. Hai người này tạm thời vẫn làm việc cho Der Spiegel cho đến khi đội điều tra nội bộ của tạp chí hoàn thành cuộc điều tra về Claas Relotius xung quanh việc sử dụng tin tức giả mạo. Claas Relotius từng là cộng tác viên tự do cho Der Spiegel suốt 6 năm cho tới khi được nhận vào chính thức làm việc tại tờ báo này vào năm 2017.
Bê bối tin giả là điều tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm tồn tại của tạp chí Der Spiegel. |
Cây bút 33 tuổi này từng được coi là một điển hình của báo chí hiện đại với rất nhiều giải thưởng báo chí danh giá giành được cả ở Đức và nước ngoài. Hồi cuối tháng 12 năm 2018, Claas Relotius đã bất ngờ thừa nhận là ông đã giả mạo nhiều người, sáng tác ra những câu chuyển của mình và nhờ một biên tập viên cao cấp khác trong Der Spiegel là Steffen Klusmann chắp bút.
Sau bê bối này, Claas Relotius đã đệ đơn xin từ chức. Trong khi đó, hãng RT của Nga đã nhanh chóng chỉ ra rằng, bài báo của Claas Relotius về cuộc đời một đứa trẻ ở Syria từng được Hiệp hội nhà báo Đức trao giải thưởng cao nhất là không có thật. Tức là Claas Relotius đã bịa đặt về cuộc đời của cậu bé đó cùng nhiều chi tiết gây ấn tượng trong những bài báo, tin tức khác của mình.
Hãng RT còn cho biết thêm rằng, ngay cả khi không tới vùng biên giới Mỹ-Mexico, Claas Relotius vẫn đưa ra những bài phóng sự như thật và chỉ khi một phóng viên của RT có mặt ở đó điều tra, hỏi các đồng nghiệp khác thì sự thật mới sáng tỏ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn của tạp chí Der Spiegel cho hay, ngay sau khi nhận được những bình luận nghi ngờ độ chính xác bài viết của Claas Relotius trên TheWrap, tạp chí đã cho điều tra và thẩm vấn một số đồng nghiệp từng làm việc với Class Relotius.
Ban đầu, phóng viên này phủ nhận các cáo buộc nhưng sau đó, chính ông đã thừa nhận bịa đặt sự thật trong ít nhất 14 câu chuyện trong tổng số gần 60 tin bài được đăng tải trên tạp chí Der Spiegel, kể cả phiên bản điện tử và báo giấy. Nhưng người ta đang nghi ngờ con số thực tế của những bài báo giả mạo có thể còn cao hơn.
Và do Class Relotius còn làm việc cho khoảng 12 cơ quan báo chí, thông tấn khác nhau của Đức trong đó có Die Welt, Die Zeit, Tạp chí Tài chính Đức nên Der Spiegel khuyến cáo con số bài báo giả mạo trên thực tế có thể cao hơn. Chỉ đáng buồn là trong số những bài viết giả mạo có nhiều tác phẩm giành được các giải thưởng báo chí như loạt bài viết về các tù nhân ở Guantanamo hay những trẻ em Iraq bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc…
Ban biên tập Der Spiegel khẳng định "rất sốc" trước phát hiện mới và coi đây là điều tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm tồn tại của tạp chí này. "Chúng tôi vô cùng xin lỗi về những gì đã xảy ra. Chúng tôi mong độc giả tha thứ mặc dù biết nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu Der Spiegel có còn đáng tin hay không", Phó tổng biên tập của Der Spiegel Dirk Kurbjuweit nói trong một lời xin lỗi chung được đăng lên trang tin tức hôm 1-1. Trước đó, trong một bài báo được xuất bản vào ngày 22-12, các biên tập viên cho biết họ có ý định buộc tội Class Relotius và đang thu thập bằng chứng để trình bày cho các công tố viên.
Nhiều nhà phân tích nhận định, bê bối ở Der Spiegel đã giáng đòn mạnh vào chính quyền và các cơ quan quản lý báo chí của Đức. Bởi lẽ, hiện tại, Đức đang là một trong những quốc gia ở châu Âu tiên phong trong chiến dịch chống tin tức giả mạo, nhất là tin tức giả trên mạng xã hội.
Hồi tháng 10 năm 2017, nội các Đức đã thông qua đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp về dự luật buộc Facebook, Twitter và YouTube phải chịu trách. Nhiệm với thông tin giả mạo lan truyền trên những trang này. Nếu vi phạm quy định, các mạng xã hội sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu Euro.