Đôi vợ chồng điệp viên và bản án nghiệt ngã
Julius và Ethel Rosenberg đã bị kết tội đứng đằng sau cả một mạng lưới tình báo tinh vi và phải chịu một kết cục cay đắng mà nhiều năm sau này vẫn còn gây tranh cãi.
Mạng lưới sụp đổ
Tất cả bắt đầu vào năm 1945. Tại Canada, một nhân viên mật mã làm việc cho đại sứ quán của Nga sắp bị triệu tập về nước đã phản bội và mang theo nhiều tài liệu mật nộp cho chính quyền Canada. Tại Phần Lan, một cuốn mật mã đã bị cháy một phần của cơ quan tình báo Nga KGB được phát hiện. Trong khi đó phía Mỹ cũng lấy trộm được một số giấy tờ từ văn phòng của KGB ở New York. Những nỗ lực này đã giúp Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI phá được mật mã của KGB, khiến nhiều điệp viên làm việc cho Nga bị lộ. Trong số này có Klaus Fuchs, nhà khoa học gốc Đức đã chuyển nhiều tài liệu bí mật về cách thức chế tạo bom nguyên tử cho chính phủ Nga, và Harry Gold, người liên lạc của Fuchs.
Khi bị bắt, Harry Gold thú nhận ông không chỉ làm người đưa thư cho Fuchs mà còn làm việc cho cặp vợ chồng David và Ruth Greenglass. Tới lượt mình, David lại khai ra người đã lôi kéo mình vào đường dây này: chị của David là Ethel Rosenberg và chồng của bà, Julius. Ngày 17/7/1950, Julius Rosenberg bị bắt, ba tuần sau Ethel cũng vào tù.
Julius và Ethel Rosenberg bị giam trong một căn phòng nhỏ tại khu vực dành riêng cho tử tù. Đây là một phần kế hoạch của FBI, ngăn cách cặp vợ chồng này và dùng án tử hình để dọa họ khai nhận tội. Biện pháp này của FBI sau này đã gặp phải rất nhiều sự chỉ trích. Hai vợ chồng Rosenberg chỉ có thể liên lạc với nhau bằng những lá thư với luật sư của họ, Emanuel Bloch làm người đưa thư.
Vụ án Rosenberg gây ảnh hưởng lớn trong dư luận thời bấy giờ. Phía ủng hộ vợ chồng Rosenberg cho rằng đây chỉ là một âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm biện hộ cho chính sách đối ngoại gây tranh cãi. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng vợ chồng Rosenberg cần phải được xử nặng để làm gương cho những kẻ phản bội đất nước. Thực tế, vợ chồng Rosenberg cũng nhận thức được tầm quan trọng của dư luận trong vụ án của họ. Những bức thư họ gửi cho nhau có một phần là những tình cảm thật lòng của đôi vợ chồng bị xa cách và phải sống trong cảnh tù tội, nhưng hầu như được sử dụng với mục đích chính là lấy được sự cảm thông của công chúng, và nhân đó mong được xử nhẹ tội hơn.
Thực tế, trái với suy nghĩ của nhiều người thời bấy giờ, vợ chồng Rosenberg không phải là một gia đình trung lưu phản bội lại chính đất nước của mình đã đem lại cho họ cuộc sống đầy đủ. Họ đều sinh ra trong những gia đình Do Thái nghèo. Hai vợ chồng chia sẻ những quan điểm chính trị với nhau, điều này khiến họ càng trở nên gắn bó hơn. Sau khi hai người con ra đời vào năm 1943 và 1947, tình cảnh gia đình này càng trở nên túng thiếu. Kể cả khi đã làm gián điệp cho Nga, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính.
Phiên toà gây tranh cãi
Vụ án vợ chồng Rosenberg được đưa ra xử đúng thời điểm nhạy cảm của chính trường thế giới. Trước đó một năm, vào năm 1949, Nga thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, khiến phía Mỹ vô cùng bất ngờ trước sự tiến triển nhanh chóng của các nhà khoa học đối thủ. Chắc chắn điều này là không thể nếu không có sự rò rỉ thông tin từ chính phía Mỹ. Một loạt các vụ gián điệp làm việc cho Nga được khám phá, nhiều điệp viên bị bắt giữ.
Thời điểm này cũng là lúc Chiến tranh Lạnh đang trong thời điểm căng thẳng. Quan hệ Nga Mỹ rơi vào thế thù địch và đối đầu, trong khi đó chiến tranh Triều Tiên đã bắt đầu, thêm vào đó là chủ nghĩa bài Do Tháiđang ngày một mạnh lên tại Mỹ. Tất cả những điều này khiến cho vợ chồng người Do Thái Rosenberg trở thành mục tiêu trút giận của công chúng Mỹ.
Một cuộc biểu tình đòi công bằng cho vợ chồng Rosenberg. |
Những bằng chứng chống lại vợ chồng Rosenberg hầu như là từ vợ chồng Greenglass cùng với Harry Gold. Gold lúc đó đã bị kết án 30 năm tù vì tội đồng phạm trong vụ Klaus Fuchs và vì chuyển tài liệu cho David Greenglass. Vợ chồng David và Ruth Greenglass khai rằng chính Julius đã lôi kéo họ vào công việc gián điệp, và chị gái của David là Ruth Rosenberg đã khuyến khích David lấy trộm một số bí mật về bom nguyên tử. Sau khi Harry Gold bị bắt, Julius đưa cho gia đình Greenglass 4.000 đôla và bảo họ trốn sang Mexico.
Một điểm bất lợi nữa cho vợ chồng Rosenberg là vai trò của họ trong việc giúp đỡ phía Nga đẩy nhanh quá trình thử nghiệm bom nguyên tử đã bị nâng lên quá cao. Ai cũng cho rằng những tài liệu mật mà Greenglass lấy được là tối quan trọng trong việc chế tạo bom nguyên tử. Trên thực tế, những tài liệu này không thực sự chính xác và không mấy có ích đối với phía Nga. Những thông tin mà Klaus Fuchs, nhà khoa học trực tiếp tham gia vào dư án bom nguyên tử, chuyển cho Nga có giá trị hơn nhiều.
Trước toà, trong phần khai của mình, vợ chồng Rosenberg không gây đượcấn tượng tốt đối với bồi thẩm đoàn Julius liên tục sử dụng quyền được im lặng để không phải trả lời những câu hỏi khó. Trong khi đó Ethel lại tỏ ra quá bình tĩnh, thậm chí tự kiêu, khiến người ta có cảm giác rằng chính bà là người đứng đầu đường dây gián điệp này.
Bản án nghiệt ngã
Vào ngày 5/4/1951, thẩm phán phiên tòa Irving Kaufman đưa ra bản án tử hình dành cho vợ chồng Rosenberg. Khi tuyên án tại toà, Kaufman cho biết ông không tham khảo ý kiến của công tố viên chính phủ mà tự mình đưa ra mức án này. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng sau này được phát hiện cho thấy Kaufman đã nói dối. Trước khi vụ án được xử, Bộ Tư pháp Mỹ đã bàn bạc về vấn để sử dụng án tử hình để buộc Julius khai nhận tội. Đương nhiên là Kaufman có biết điều này.
Hơn nữa, Kaufman cũng hỏi ý kiến của nhiều người về bản án phù hợp, trong đó có công tố viên của vụ án là Irving Saypol, Saypol đề nghị mức tử hình. Trong khi đó FBI và giám đốc của cơ quan này là J. Edgar Hoover lại không muốn Ethel phải nhận mức án cao nhất này, vì việc xử tử một bà mẹ có hai con nhỏ có thể sẽ gây phản ứng không tốt từ công luận. Kaufman cuối cùng đã theo ý kiến của Saypol. David Greenglass nhận án 15 năm tù, cũng nặng hơn nhiều so với dự đoán. Trong khi đó, Klaus Fuchs, điệp viên bị xử tại Anh với tội nghiêm trọng hơn nhiều so với nhà Rosenberg, chỉ bị án 14 năm.
Trong vòng hơn hai năm liền, gia đình Rosenberg liên tục kháng án. Cùng lúc đó, tại Mỹ và châu Âu đã xuất hiện nhiều tổ chức đứng lên bảo vệ nhà Rosenberg. Những bức thư của Ethel được đăng lên báo đã có tác động tới nhiều người. Chủ nghĩa bài Do Thái ở Mỹ gây khó chịu cho nhiều cộng đồng, và nhiều người đã lên tiếng đòi lại công bằng cho cặp vợ chồng Do Thái này. Một số nhân vật có tiếng như Albert Einstein, danh họa Picasso, nhà khoa học đoạt giải Nobel Harold Urey cũng đứng vào đứng ra ủng hộ vợ chồng Julius và Ethel. Giáo hoàng Piô XII đã gửi kiến nghị ân xá tới Tổng thống Mỹ Eisenhower, nhưng Eisenhower từ chối.
Chuyển biến bất ngờ nhất của vu åán này là vào ngày 16/6/1953, chỉ một ngày trước khi vợ chồng Rosenberg bị đưa ra pháp trường, một thẩm phán toà án Tối cao Mỹ chấp nhận dừng thi hành án để xem xét lại vụán. Vì đó là thời điểm nghỉ hè, và tòa án Tối cao chỉ hoạt động trở lại vào tháng 10, vợ chồng Rosenberg có thể sống thêm vài tháng nữa. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, 19/6/1953, trong một động thái chưa từng có, Chánh án Tòa án Tối cao đã triệu tập các thẩm phán đang trong kỳ nghỉ hè tới một phiên làm việc đặc biệt. Sau một giờ đàm luận, Toa âán Tối cao Mỹ đưa ra quyết định giữ y án cho vợ chồng Rosenberg. Hai vợ chồng bị xử tử hình vào chiều tối ngày hôm đó.
David Greenglass được thả vào năm 1960, đổi tên và chuyển đến New York sống cùng gia đình. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, ông thừa nhận đã đổ tội cho chị mình là Ethel để cứu vợ là Ruth. Ethel thực chất có vai trò rất nhỏ trong đường dây gián điệp, hầu như bà chỉ giúp đỡ chồng mình. Nhiều điệp viên bị xử tội gián điệp còn nghiêm trọng hơn nhiều so với vợ chồng Rosenberg, cả trong những năm 50 của thế kỷ trước và sau này, đều nhận những mức án nhẹ hơn rất nhiều. Từ năm 1953 tới nay, án tử hình chưa được áp dụng cho trường hợp gián điệp nào khác ngoài Julius và Ethel Rosenberg