Đằng sau cuộc giải cứu 3 ngân hàng ở Nga

Thứ Tư, 27/09/2017, 22:10
Vì trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải giải cứu tới 3 ngân hàng và việc này đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.


Cách đây mấy hôm (21-9), Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố, đã tung gói cứu trợ cho Ngân hàng B&N và Ngân hàng Rost bằng việc sử dụng tiền của Quỹ củng cố ngân hàng. Quyết định kể trên được đưa ra sau khi Ngân hàng B&N kêu cứu. Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, Ngân hàng B&N có thể đã chịu khoản lỗ 6 tỷ USD. 

Còn theo giới truyền thông, 2 ngân hàng kể trên đang vướng vào nợ xấu với số tiền lên tới 13 tỷ USD và Chính phủ Nga buộc phải tiến hành quốc hữu hóa Ngân hàng B&N. Ngân hàng B&N (thành lập ngày 1-11-1993) nằm trong top 30 ngân hàng lớn nhất của Nga (là ngân hàng lớn thứ 8 về lượng tiền gửi và đứng thứ 12 về tài sản) với 500 cơ sở trên toàn quốc. 

Gần 2 năm trước (tháng 10-2015), giới truyền thông đưa tin, Ngân hàng B&N (một bộ phận của Tập đoàn Safmar do nhà tài phiệt Mikhail Gutseriev kiểm soát) là một trong những ngân hàng được hưởng lợi từ tình hình ảm đạm của ngành ngân hàng Nga. Và khi đó hãng xếp hạng Fitch đánh giá Ngân hàng B&N là ngân hàng ngoài quốc doanh lớn thứ 5 ở Nga và thứ 9 trên thế giới. 

Nhưng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Vasily Pozdyshev cho biết, dựa trên ước tính ban đầu, Ngân hàng B&N và các ngân hàng liên kết của họ sẽ cần từ 250 đến 350 tỷ rub trong các khoản dự phòng mới để bù đắp cho những khoản nợ xấu. Giám đốc điều hành Ngân hàng B&N Mikail Shishkhanov cho biết, họ bị kẹt giữa những tin đồn sau đợt giải cứu ngân hàng Otkritie. Và sau "sự cố" kể trên, ông Mikail Shishkhanov đã phải ra đi.

Nga phải quốc hữu hóa B&N Bank.

Cuối tháng 8, Otkritie Bank - ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Nga phải cầu cứu Chính phủ để lấp lỗ hổng trị giá 7 tỷ USD trong bảng cân đối tài chính của mình. Đây là gói cứu trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay ở Nga. Bởi trước đó, cuộc giải cứu ngân hàng lớn nhất ở Nga có giá trị 395 tỷ rub (khoảng 6,7 tỷ USD), dành cho ngân hàng Moskva năm 2011. Được biết, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định can thiệp sau khi xuất hiện những lo ngại về sự ổn định của ngân hàng Otkritie - lượng tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng này giảm mạnh trong những tháng gần đây. 

Theo số liệu của hãng Moody's, trong tháng 6 và tháng 7, khoản tiền gửi của khách hàng tại Otkritie đã giảm 435 tỷ rub (7,4 tỷ USD), tương đương với 18% tổng nợ của ngân hàng này tính tới ngày 1-6. Được biết, giới đầu tư bắt đầu bán đổ bán tháo cổ phiếu của Otkritie trong tháng 7, khiến hãng Moody's phải xem lại thứ hạng dành cho ngân hàng này. 

Phó Thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Dmitry Tulin từng tuyên bố, hoạt động kinh doanh của ngân hàng Otkritie có nhiều điểm đáng nghi vấn. "Tăng trưởng của họ xuất phát từ hoạt động vay mượn và đã thực hiện nhiều hành động mạo hiểm. Các hoạt động của ngân hàng này gắn liền với những rủi ro cao và cần được thay đổi một cách nghiêm túc", ông Dmitry Tulin cảnh báo. Đồng thời cho biết, Ngân hàng Trung ương Nga biết tới những vấn đề của Otkritie trước khi ông bắt đầu giám sát ngành ngân hàng ở Nga năm 2016. 

Theo hãng Reuters, một số cổ đông của ngân hàng Otkritie (có lượng tài sản lớn thứ 7 ở Nga, theo dữ liệu của Interfax) có quan hệ với những công ty quốc gia lớn và họ có tầm ảnh hưởng tới mức người ta không cho phép nó sụp đổ. Tuy là ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Nga, nhưng Otkritie Bank chỉ nắm 3,5% tổng tài sản.

Giới chuyên môn cho rằng, "sự cố" kể trên có thể bắt nguồn từ sự bùng nổ tín dụng. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nợ tư nhân của Nga tăng từ 50% (năm 2005) lên gần 90% (năm 2015). Và tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Nga hiện ở mức 10%, cao hơn so với mức 6% trước khi giá dầu đi xuống. 

Theo giới chuyên môn, "sức khoẻ tài chính" của một số ngân hàng ở Nga đã lâm vào tình trạng xấu sau khi Ngân hàng Trung ương Nga buộc họ phải đưa ra các điều khoản khắt khe hơn đề phòng các khoản nợ xấu, trong khi lợi nhuận bị thắt chặt do lãi suất thấp hơn. Nhưng giới truyền thông phương Tây cho rằng, một cuộc khủng hoảng trên toàn hệ thống ngân hàng ở xứ sở bạch dương là điều không thể xảy ra bởi Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ hầu hết tài sản ngân hàng ở Nga và hạn chế các ngân hàng tư nhân. 

Theo giới truyền thông, Ngân hàng Trung ương Nga đang cố gắng "dọn dẹp" ngành ngân hàng, theo đó đóng cửa các ngân hàng đang gây rủi ro cho cả hệ thống. Theo thống kê, Ngân hàng Trung ương Nga đã cho đóng cửa hơn 300 ngân hàng (đa số là ngân hàng nhỏ) kể từ năm 2013. Giới kinh tế cho rằng, sau "sự cố" kể trên, giới đầu tư sẽ cảnh giác hơn khi gửi tiền vào các ngân hàng Nga.
Nhiệm Bình
.
.
.