Đằng sau cái chết của trùm khủng bố Abu Bakar Bashir
Ủy viên Quan hệ công chúng của cảnh sát Trung Java Agus Tri Atmaja đã đích thân kiểm tra và xác nhận thông tin này với đồn cảnh sát Surakarta. Theo đó, nguyên nhân cái chết của giáo sỹ cực đoan Abu Bakar Bashir là do bệnh tim, tuy đã được cấp cứu tại bệnh viện Kustati ở Solo.
Hãng AP từng đưa tin, gần 1 năm trước (3-3-2018), ngay sau khi biết tin chính quyền Indonesia đang xem xét trả tự do cho giáo sĩ cực đoan Abu Bakar Bashir vì sức khỏe kém, Australia đã lập tức phản đối kế hoạch này. Bởi Abu Bakar Bashir là thủ lĩnh tinh thần của nhóm khủng bố đánh bom đảo du lịch Bali làm 202 người, trong đó có 88 du khách Australia thiệt mạng năm 2002. Động thái kể trên diễn ra sau khi ông Abu Bakar Bashir phải nhập viện hôm 1-3-2018.
Giáo sĩ Bashir được đưa đến bệnh viện ngày 1-3-2018. |
Theo hồ sơ của Cảnh sát Indonesia, nhóm khủng bố ở Aceh do Abu Bakar Bashir đỡ đầu từng lên kế hoạch ám sát cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, khi ông nắm quyền. Theo giới truyền thông, Tòa án quận Nam Jakarta từng buộc tội Abu Bakar Bashir "lập kế hoạch và gây quỹ hỗ trợ khủng bố" và đã đề nghị mức án tù chung thân đối với ông trùm khủng bố này.
Cảnh sát cho biết, Abu Bakar Bashir thường xuyên nhận báo cáo và tham gia lập kế hoạch khủng bố nhằm vào những mục tiêu như khách sạn có nhiều người nước ngoài, đại sứ quán của các nước phương Tây và các đồn cảnh sát ở tỉnh Tây Java. Kể từ khi bị bắt và tòa tuyên án, Abu Bakar Bashir phải chuyển khá nhiều nhà tù và 2 năm cuối trước khi được phóng thích, trùm khủng bố "bóc lịch" tại nhà tù Tulungagung.
Gần 13 năm trước (18-6-2006), Thủ tướng Australia khi đó là ông John Howard cũng từng phản ứng với tuyên bố, ông chưa nhận được phản hồi nào từ Tổng thống Indonesia, khi đó là ông Susilo Bambang Yudhoyono - phải giải thích việc trả tự do cho Abu Bakar Bashir.
Bởi khi đó, Abu Bakar Bashir chỉ bị kết án 30 tháng tù tuy bị cáo buộc có liên quan đến vụ đánh bom ở Bali năm 2002 khiến 202 người chết và khoảng 300 người bị thương.
Được biết, ngày 13-6-2006, Abu Bakar Bashir được phóng thích sau 26 tháng ngồi tù tại Cipinang. Không chỉ có Australia, Mỹ cũng cho rằng, bản án 30 tháng tù là quá nhẹ đối với trùm khủng bố Abu Bakar Bashir. Tuy đã bị bắt và bị tòa tuyên bản án 15 năm tù hồi tháng 6-2011 vì tài trợ cho khủng bố, nhưng hơn 7 năm trước (27-10-2011), Abu Bakar Bashir vẫn được giảm án xuống còn 9 năm tù.
Theo giới truyền thông, JI được thành lập từ giữa thập niên 1980 bởi 2 giáo sỹ, trong đó có Abu Bakar Bashir, và thiết lập quan hệ với Al Qaeda từ những năm cuối thập kỷ 1980, khi một số thành viên của JI được đào tạo tại căn cứ của Al Qaeda ở Afghanistan. Nhưng tới cuối tháng 10-2002, JI mới bị Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa vào danh sách các nhóm khủng bố.
Việc xác nhận cái chết của Abu Bakar Bashir diễn ra đúng thời điểm Cảnh sát Indonesia bắt kẻ chủ mưu Abu Hilwa (biệt danh Andalus), thành viên của Jemaah Anshorut Daulah (JAD - nhóm thánh chiến tuyên bố trung thành với IS), khi đập tan âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào cảnh sát.
Giới truyền thông cho biết, JAD từng đứng sau các vụ đánh bom liều chết tại Surabaya (thành phố lớn thứ hai của Indonesia) và tỉnh Riauc khiến 32 người chết và hàng chục người bị thương. Theo người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Tướng Dedi Prasetyo cho biết, ngoài việc bắt Abu Hilwa và thu giữ một lượng lớn vũ khí tại tỉnh Yogyakarta, cảnh sát vẫn đang truy lùng một số nghi can khác.
Tướng Dedi Prasetyo còn thông báo, Abu Hilwa đã khai, cùng 3 đối tượng khác âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào cảnh sát ở tỉnh Yogyakarta. Được biết, Abu Hilwa đã bị trục xuất khỏi Philippines sau khi hắn tham gia huấn luyện vũ trang cùng với Adi Jihadi, tay súng phụ trách việc cung cấp tài chính cho các đối tượng thực hiện những vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Jakarta hồi tháng 1-2016.
Tờ Jakarta Post vừa dẫn kết quả nghiên cứu mới được công bố hôm 24-2 của Đại học Quốc gia Hồi giáo Syarif Hidayatullah tại Indonesia (kết hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP) cho thấy, những người Hồi giáo trẻ tuổi của nước này sử dụng Internet thường có xu hướng cực đoan và ít lòng khoan dung hơn những người cùng trang lứa ít lên mạng. Một nghiên cứu khác của Đại học Quốc gia Hồi giáo Syarif Hidayatullah còn cho thấy, việc tìm hiểu từ Internet khiến cho giới trẻ có cái nhìn thiếu thấu đáo về Hồi giáo. |