Cựu Đệ nhất phu nhân Philippines đối mặt với bản án 42 năm tù

Thứ Hai, 19/11/2018, 07:00
Sau hơn 53 năm trở thành Đệ nhất phu nhân (Đệ nhất phu nhân thứ 10 của Philippines, kể từ ngày 9-11-1965), danh tính của bà Imelda Marcos lại được dư luận nhắc tới sau khi Tòa án chống tham nhũng đặc biệt của Philippines (Tòa án Sandiganbayan) ra lệnh bắt giữ vợ cố Tổng thống Ferdinand Marcos (nắm quyền trong giai đoạn 1965-1986).


Tên gọi đầy đủ của bà Imelda Marcos là Imelda Remedios Visitacion Trinidad Romualdez-Marcos (sinh ngày 2-7-1929), người được gọi với biệt danh "bướm thép", vừa bị Tòa án Sandiganbayan ra phán quyết hôm 9-11. Theo đó, cựu Đệ nhất phu nhân phạm 7 tội danh tham nhũng trong 2 thập kỷ tại nhiệm của chồng và mức án từ 6 đến 11 năm tù giam được đưa ra đối với mỗi tội danh tham nhũng của bà Imelda Marcos.

Cựu Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos bị kết tội đã thực hiện 7 giao dịch ngân hàng với tổng số tiền trị giá 200 triệu USD tới các quỹ ở Thụy Sĩ, trong thời gian bà giữ ghế Thống đốc Manila và chồng nắm quyền.

Bà Imelda Marcos bên cạnh tủ giày hàng hiệu.

Được biết, bà Imelda Marcos không xuất hiện tại phiên tòa hôm 9-11 và lệnh bắt giữ cựu Đệ nhất phu nhân không được thực hiện ngay bởi vợ cố Tổng thống Ferdinand Marcos có quyền kháng cáo và xin bảo lãnh tại ngoại bởi đã gần 90 tuổi. Theo quy định của Tòa án Sandiganbayan, bà Imelda Marcos có 15 ngày kể từ khi tòa ra phán quyết để đệ đơn kháng cáo, sau đó tòa có 30 ngày để ra quyết định cuối cùng.

Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Manila hôm 9-11, công tố viên đặc biệt Ryan Quilala cho biết, bà Imelda Marcos và cố Tổng thống Ferdinand Marcos, đã sử dụng các biệt danh Jane Ryan và William Saunders khi đứng tên số tài sản ở Thụy Sĩ. Theo tờ The Straits Times, gia đình bà Imelda Marcos bị tố cáo giấu khối tài sản lên đến 658 triệu USD tại các quỹ ở Thụy Sĩ.

Hơn 10 năm trước (11-3-2008), bà Imelda Marcos từng được tòa tuyên trắng án đối với 32 tội danh, trong đó có rửa tiền và chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài. Khi đó, Thẩm phán Silvino Pampilo tuyên bố, tòa không kết tội một bị can dựa trên những cáo buộc chỉ nghe nói, cùng với những nghi ngờ hợp lý mà thiếu nhân chứng và vật chứng!

Cựu Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos nổi tiếng với bộ sưu tập khổng lồ về giày dép (hơn 1.200 đôi hàng hiệu), cùng bộ đồ trang sức đắt tiền, tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và hiện là Nghị sỹ Quốc hội nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, đã đăng ký tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử thống đốc sắp tới để kế nhiệm con gái Imee Marcos, 62 tuổi, tại tỉnh Ilocos Norte.

Theo giới truyền thông, sau khi ông Ferdinand Marcos bị lật đổ trong cuộc nổi dậy do quân đội hậu thuẫn năm 1986 và chết 29 năm trước (1989-2018) khi đang sống lưu vong ở Hawaii, bà Imelda Marcos cùng các con trở lại Philippines và hầu hết đều có ghế trong chính quyền hiện nay.

Phán quyết của Tòa án Sandiganbayan đối với bà Imelda Marcos là bằng chứng cho thấy, Tổng thống Rodrigo Duterte không can thiệp hay gây áp lực về vấn đề này, cho dù ông có mối quan hệ tốt với gia đình nhà Marcos và thường ca ngợi cố Tổng thống Ferdinand Marcos - cho phép chôn thi thể được ướp xác tại nghĩa trang Anh hùng Dân tộc ở thủ đô Manila hồi tháng 11-2016.

Hơn 2 năm trước, khoảng 2.000 người đã biểu tình ở thủ đô Manila để phản đối kế hoạch của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm vinh danh nhà độc tài Ferdinand Marcos (thi thể được đưa về Philippines từ năm 1993) bằng lễ an táng cấp nhà nước.

Do đó, lễ an táng của ông Ferdinand Marcos được bí mật diễn ra vào sáng 18-11-2016 để tránh các cuộc biểu tình phản đối. Gần 3 năm trước (15-2-2016), Chính phủ Philippines chính thức chấp thuận cho bán đấu giá bộ sưu tập trang sức của bà Imelda Marcos.

Cựu Đệ nhất phu nhân Imelda Marcos.

Theo các chuyên gia quốc tế, bộ sưu tập trang sức này có giá tối thiểu 21 triệu USD, bị tịch thu khi cố Tổng thống Ferdinand Marcos cùng gia đình chạy trốn tới Hawaii năm 1986. Ngoài bộ sưu tập trang sức kể trên, bà Imelda Marcos còn để lại 1.220 đôi giày, 508 chiếc váy dài chấm gót, 888 túi xách, 65 chiếc ô và 15 chiếc áo lông thú.

Trong bộ sưu tập kể trên có viên kim cương 25 cara, trị giá khoảng 5 triệu USD và một chiếc vương miện kim cương Cartier. Và buổi triển lãm, đấu giá diễn ra trước khi Tổng thống Benigno Aquino III kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30-6-2016. Được biết, bà Imelda Marcos đã bỏ ra hơn 20 năm để kiện, đòi lại số nữ trang trị giá 310 triệu USD bị chính phủ tịch thu.

Hơn 3 năm trước, Thượng nghị sỹ Ferdinand Marcos Jr (được gọi với biệt danh Bongbong), con trai cố Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố ra tranh cử ghế Phó Tổng thống với tham vọng khôi phục tầm ảnh hưởng chính trị của gia tộc Marcos sau khi bị lật đổ năm 1986. Tuy phản đối chủ nghĩa cá nhân, nhưng ông Ferdinand Marcos Jr (là nghị sĩ 2 nhiệm kỳ liên tiếp) không đả động tới những cáo buộc tham nhũng quy mô lớn và vi phạm nhân quyền tràn lan dưới thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos.
Mạnh Phong
.
.
.