Cướp biển Somali chuyển hướng hoạt động
Theo thống kê, dường như không có cuộc tấn công nào của hải tặc Somali trong năm nay. Đây là sự thay đổi đáng kinh ngạc sau thời kỳ "đỉnh cao" năm 2011, có thời điểm những tên cướp biển đã bắt gần 300 tàu, bắt giữ hàng trăm người làm con tin. Sự chung tay của cộng đồng quốc tế đã mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc chiến chống hải tặc vô cùng cam go.
Theo tổ chức SaveOurSeaFarers thì "sự tham gia của các lực lượng hải quân chung, tăng cường hoạt động của tàu bảo vệ có vũ trang… đã góp phần đáng kể vào cuộc chiến chống cướp biển". SaveOurSeaFarers cho biết, hiện còn khoảng 38 người bị bắt giữ làm con tin trên thế giới. 140 con tin được thả trong 3 tháng đầu năm 2015, phần lớn con tin được thả sau khi cướp biển thực hiện xong những vụ cướp.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì cướp biển đang chuyển hướng hoạt động từ vùng biển Somali, Đông Phi sang khu vực Tây Phi. Đây là nơi được coi là "bạo lực hơn và ít được báo cáo hơn". Theo Cyrus Mody của Cục Hàng hải quốc tế, trung bình mỗi năm có khoảng 50 cuộc tấn công xảy ra ở vùng biển Tây Phi. Mody nói rằng, thiếu báo cáo cụ thể về những vụ hải tặc tấn công trên vùng biển Tây Phi.
"Đã có sự thay đổi hình thức hoạt động của cướp biển ở Vịnh Guinea, trong đó nổi lên là việc dùng vũ trang bạo lực để trấn áp và cướp bóc. Ước tính, khoảng 60-70% các cuộc tấn công chưa được xác nhận. Thêm vào đó, những cuộc tấn công nhằm vào thuyền đánh cá nhỏ của ngư dân địa phương còn hiếm khi được đề cập đến", Mody cho biết.
Cướp biển Somali là nỗi kinh hoàng của những người đi biển. |
Không giống như những "đồng nghiệp" ở Đông Phi, cướp biển ở Tây Phi không phô trương và thường đòi tiền chuộc thấp hơn. Ví dụ, cướp biển Somalia sẽ yêu cầu khoản tiền chuộc từ 150.000 USD đến 20 triệu USD cho các tàu, đồ đạc trên tàu và các thuyền viên, trong khi đó, cướp biển Tây Phi chủ yếu lấy dầu, sau đó bán trên thị trường chợ đen. Còn tàu, các thuyền viên thường bị giữ từ 8 đến 14 ngày và sẽ được thả ra sau đó, trừ những người mà cướp biển cho là có "giá trị đặc biệt". So với cướp biển Somali thì cướp biển vùng Tây Phi "bạo lực hơn".
Số người chết trong vụ tấn công của hải tặc Somali là rất "hiếm". Điều này cho thấy, hải tặc cần con tin để thực hiện những giao dịch đòi tiền chuộc. Bên cạnh đó, số người thương vong khi bị bắt cũng ít xảy ra. Mặc dù khẳng định cướp biển Tây Phi bạo lực hơn nhưng một vài chuyên gia nói rằng, thiếu dữ liệu để minh chứng cho nhận định này vì dường như không có thống kê về hoạt động của cướp biển ở khu vực Tây Phi.
Ông Roy Paul, nhân viên của Chương trình Ứng phó nhân đạo Maritime Piracy nói rằng, giải quyết vấn đề cướp biển ở Tây Phi khó khăn hơn nhiều so với Đông Phi vì chúng hoạt động trong vùng lãnh hải chứ không phải vùng biển quốc tế.
Cướp biển gia tăng hoạt động ở Đông Nam Á
Hoạt động của hải tặc ở vùng biển Đông Nam Á có xu hướng ngày càng tăng nhanh. Theo đánh giá của các chuyên gia thì hơn một nửa số vụ cướp biển trên thế giới xảy ra ở khu vực eo biển Mallaca và Biển Đông, hầu hết trong số đó là những cuộc tấn công vào tàu chở dầu nhỏ ven biển.
Tờ Deutsche Welle (Đức) gọi những vụ cướp biển này là vụ "trộm cắp nhiên liệu". Những vụ tấn công thường diễn ra vào ban đêm. Tàu và thủy thủ đoàn thường bị bắt làm con tin trong vài giờ đủ để cướp biển tiến hành đánh cắp hàng hóa trên tàu, thường chở xăng hoặc diesel.
"Tần số các vụ cướp biển ở khu vực Đông Nam Á rất đáng lo ngại. Các cuộc tấn công và bạo lực có thể gia tăng nếu không có biện pháp đủ mạnh", ông Roy Paul nói. Ông Roy Paul cho biết thêm, có thời gian, hoạt động của cướp biển trong vùng biển Đông Nam Á rất ít nhưng hiện nay, có sự hồi sinh "không thể ngờ tới".
"Cướp biển không giữ con tin, đặc biệt, họ không giữ người trong thời gian dài. Đây là nét khác biệt trong hoạt động của cướp biển Đông Nam Á", ông Paul nói. Những tên cướp biển, chủ yếu đến từ Campuchia và Indonesia, tập trung vào các tàu chở nhiên liệu.