Cướp biển Somali chuyển hướng bảo kê cho tàu cá nước ngoài

Thứ Ba, 26/01/2016, 08:30
Cướp biển Somali đang chuyển hướng hoạt động từ cướp bóc, tống tiền sang bảo kê cho các tàu cá nước ngoài đánh bắt hải sản tại các vùng biển ở nước này. Các quan chức cho rằng, hành động này đang làm tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp đánh bắt hải sản của Somali.


Chuyển hướng hoạt động

Nếu như một vài năm trước đây, hải tặc Somali hoành hành với nhiều vụ bắt cóc, tống tiền diễn ra thường xuyên thì giờ mọi việc đã thay đổi. Theo thống kê, dường như không có cuộc tấn công nào của hải tặc Somali trong năm 2015. Trong khi đó, vào năm 2011, có thời điểm những tên cướp biển đã bắt gần 300 tàu, bắt giữ hàng trăm người làm con tin.

Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, cướp biển Somali chuyển sang làm "vệ sĩ" để các tàu cá nước ngoài đánh cắp hải sản trong vùng biển của Somali. Số tiền thu được từ "phí bảo vệ" cho các tàu cá là con số không nhỏ. Theo thống kê, từ giữa năm 2005 đến năm 2011, cướp biển đã kiếm được khoảng 300 triệu USD tiền chuộc nhưng từ năm 2012 trở đi, số tiền kiếm được giảm mạnh. Tàu thuyền đi qua khu vực mà cướp biển kiểm soát đã trang bị vũ khí, đạn dược làm cho khả năng tấn công của cướp biển trở nên khó khăn hơn nhiều.

Một tên cướp biển Somali bịt mặt đứng gần tàu đánh cá ở Hobyo, Somalia.

Các giao dịch giữa cướp biển và tàu cá nước ngoài được thực hiện thông qua môi giới người Somali hoạt động tại các quốc gia vùng Vịnh. Những người này có liên kết với các quan chức tham nhũng của chính phủ để "cấp phép" cho tàu cá nước ngoài hoạt động tại các vùng biển của Somali. Khi không thể cấp phép hoặc số lượng tàu cá được cấp phép có hạn, những người môi giới sẽ "giới thiệu" họ với cướp biển.

Các công ty nước ngoài thường phải trả hàng trăm ngàn USD để có thể an toàn khai thác hải sản tại vùng biển Somali, nơi rất nhiều cá ngừ và tài nguyên biển có giá trị khác. Các quan chức ngành thủy sản Somali nói rằng, trong số khách hàng lớn nhất xin cấp phép khai thác thủy sản tại Somali là các công ty của Iran, ngoài ra còn có tàu cá của Hàn Quốc và Thái Lan.

Đe dọa nền công nghiệp thủy sản của Somali

Các chuyên gia thủy sản Somali đã cảnh báo rằng, nhiều tàu thuyền đánh bắt cá bất hợp pháp sử dụng lưới đánh bắt lớn, có khả năng gây thiệt hại lớn đến hệ sinh thái biển của nước này. Các quan chức chính phủ Somali ước tính, khoảng 180 tàu Iran đến vùng biển của họ mỗi năm. Họ đánh bắt nhiều cá hơn so với các tàu trong ngành công nghiệp đánh bắt cá còn non trẻ của Somalia. "Một điều rất đáng lo ngại là, sự đối đầu giữa cướp biển và các cơ quan chức năng sẽ tạo ra những xung đột lớn", một quan chức Chính phủ Somali nói.

Hải tặc Somali đang chuyển hướng hoạt động từ cướp bóc, tống tiền sang  "bảo kê" cho các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp.

Một quan chức của Liên hợp quốc đã dành thời gian ngồi trên một con tàu ngoài khơi bờ biển Somali nói rằng: "chúng tôi đã thấy ít nhất 10 lưới đánh bắt cá ngừ bất hợp pháp hoạt động. Đó thực sự là một vấn đề đáng lo ngại. Sử dụng lưới bất hợp pháp sẽ có khả năng tiêu diệt số lượng lớn rùa, cá mập và cá heo. Các tàu đó trả tiền để được lực lượng cướp biển Somali bảo vệ", vị quan chức Liên hợp quốc nói. Vị quan chức Liên hợp quốc còn nói thêm rằng, một trong những lưới bất hợp pháp đã vướng vào chân vịt tàu hộ tống của hải quân Italia đi cùng phái đoàn. Phải mất vài giờ, các thợ lặn mới có thể cắt được lưới cuốn vào chân vịt.

John Steed, một cựu tùy viên quân sự Anh hiện đang làm việc cho tổ chức chuyên giúp đỡ các thủy thủ bị bắt cóc làm con tin mang tên "Oceans Beyond Piracy" nói rằng, lực lượng hải quân Somali cần được tăng cường sức mạnh để có thể ngăn chặn và bắt giữ các tàu cá bị nghi ngờ đánh cá bất hợp pháp.

Một số nguồn tài liệu cho biết, trước khi hoạt động bắt cóc, tống tiền, cướp biển Somali cũng đã từng "bảo kê" trên biển. Một số hải tặc từng là ngư dân, những người này cho rằng, tàu đánh cá nước ngoài đang đe dọa đến ngành đánh cá ở vùng biển Somali. Thanh niên thất nghiệp cũng là "nguồn" bổ sung cho cướp biển. Những khó khăn mà thanh niên phải đối mặt thậm chí còn nguy hiểm hơn việc trở thành cướp biển.

Làng Eyl ở Somali được gọi là "làng cướp biển" nhưng không có những cao ốc, biệt thự mà thay vào đó là những ngôi nhà đổ nát, nghèo nàn. Somali là một trong những quốc gia nghèo đói, bạo lực, bất ổn nhất trên thế giới. Người dân nước này thường xuyên phải đối mặt với nạn đói và bạo lực.

P. Tường (Tổng hợp)
.
.
.