Cuộc truy lùng các siêu trộm người Trung Quốc
- "Chúa chổm" người Trung Quốc bị bắt khi vừa đến Đà Nẵng
- Hành trình truy bắt nhóm siêu trộm người Trung Quốc chuyên phá két sắt
Các đối tượng này thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc đi theo hộ chiếu du lịch, sau đó ở lại trộm rồi lại nhanh chóng “rút” về nước khiến cho việc điều tra gặp nhiều khó khăn.
Những vụ trộm tiền tỷ
Kể về hành trình hằng tháng trời lăn lộn khắp các tỉnh biên giới từ Lạng Sơn, Hà Giang đến Lào Cai, Quảng Ninh, Trung tá Mai Anh Tiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS), Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, phương thức thủ đoạn trộm của các đối tượng người Trung Quốc khá đặc biệt và rất tinh vi. Chúng chỉ vào Việt Nam một thời điểm nhất định trong tháng (khoảng từ ngày 10 đến 25 hằng tháng – thời điểm có trăng) sau đó lại về nước nên việc làm rõ, phát hiện, truy bắt chúng gặp rất nhiều khó khăn.
Vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6-2019, trên địa bàn Thanh Hoá đã liên tiếp xảy ra 4 vụ trộm cắp tài sản trong két sắt tại các nhà máy xi măng, trong đó, vụ trộm tại Công ty Xi măng Long Sơn, số tiền bị mất lên tới 8,3 tỷ đồng; nhà máy xi mămg Công Thanh bị mất 460 triệu đồng; thậm chí đối tượng “ăn quen” đã quay lại đột nhập Nhà máy xi măng Long Sơn lần nữa nhưng bị phát hiện. Chính vì vậy, Giám đốc Công an Thanh Hoá đã giao trách nhiệm cho Phòng CSHS lập chuyên án đấu tranh.
Ban Chuyên án đã thành lập nhiều tổ công tác, sàng lọc, rà soát các đối tượng hình sự có hoạt động về hành vi trộm cắp; nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các công cụ, phương tiện gây án để so sánh với các vụ trộm két đã xảy ra trong và ngoài tỉnh. Từ đó, Ban chuyên án đã xác định thủ đoạn của đối tượng rất lạ, rất chuyên nghiệp mà đối tượng trộm cắp trong tỉnh chưa thể thực hiện được nên đã mở rộng diện rà soát, vận động nhân dân cung cấp thông tin, kết hợp sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và đã xác định nhóm đối tượng trộm là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
“Đồ nghề” trộm cắp của các đối tượng. |
Một tổ công tác do các điều tra viên có kinh nghiệm đã phối hợp với Công an các tỉnh từng bị trộm để nghiên cứu hồ sơ, tìm thủ đoạn của bọn trộm; đồng thời phối hợp với Công an các tỉnh biên giới và Cục Quản lý xuất nhập cảnh để kiểm tra thời gian xuất nhập cảnh của một số đối tượng nghi vấn người Trung Quốc có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp, thường “vào – ra” Việt Nam.
Đặc biệt, phối hợp với Công an các địa phương, Công an Thanh Hóa đã phát hiện một nhóm đối tượng người Trung Quốc từng 7 lần mua xe máy tại Việt Nam. Các đối tượng này vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch hoặc đi theo đường tiểu ngạch để vào sâu nội địa, sau đó mua xe máy làm phương tiện đi lại để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, nhận dạng của chúng tại các tiệm cầm đồ, cửa hàng xe máy khá trùng khớp với đặc điểm Công an Thanh Hóa thu được tại hiện trường.
Từ đó, Công an Thanh Hoá đã khoanh vùng đối tượng, tổ chức bắt giữ 3 đối tượng là Liao Zhibo, SN 1988; Wei Jinlian, SN 1982 và Wei Zhi Heng, SN 1988, khi chúng khi cả bọn đang ở một nhà nghỉ tại tỉnh Ninh Bình, chuẩn bị tiếp tục trộm cắp.
Theo lời khai của các đối tượng thì Wei Zhi Heng và Way Jinlian đi theo đường mòn qua biên giới để vào Việt Nam còn Liao thì nhập cảnh theo đường du lịch. Sau đó, chúng “chập” lại với nhau, thuê xe máy đến các công ty, doanh nghiệp dọc tuyến quốc lộ để nghiên cứu đường đột nhập, cách thoát thân.
Sau đó, chúng dùng google map để định vị, đánh dấu các vị trí “con mồi”; thuê người Việt Nam đang sống tại Trung Quốc làm phiên dịch và giúp sức bằng cách dùng mạng wechat của Trung Quốc để liên hệ. Lợi dụng lúc bảo vệ sơ hở, các đối tượng đã đột nhập vào các công ty, phá khoá phòng kế toán rồi trộm cắp tài sản.
Tương tự, tại Đà Nẵng liên tiếp 5 vụ trộm cắp chỉ trong vòng 1 tháng (20-6 đến 22-7) với giá trị tài sản bị mất hơn 1,6 tỷ đồng khiến cán bộ, chiến sĩ Phòng CSHS Công an TP Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa. Thủ đoạn của đối tượng cực kỳ táo tợn vì đột nhập qua tường rào vào giờ khuya, rạng sáng, đục phá két sắt rồi trốn thoát.
Một số đối tượng trộm người Trung Quốc bị bắt giữ. |
Sau một thời gian điều tra, Ban chuyên án khoanh vùng được các nghi can là người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gồm 6 người, do Ban Wai Bing, SN 1982, cầm đầu. Ban Wai Bing từng có 2 tiền án về tội trộm cắp tại Trung Quốc.
Sau khi ra tù, Bing nhập cảnh trái phép Việt Nam sau đó vào Đà Nẵng dựng nhóm trộm bằng cách móc nối với các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh theo đường du lịch vào Việt Nam nhờ những người này che giấu, thuê giúp phòng trọ, nhà nghỉ, phòng khách sạn... để tìm cơ hội trộm cắp. Bing phân chia công việc rất rõ ràng, ban ngày cả nhóm mượn, thuê xe máy rảo quanh các KCN, tìm nhà xưởng, công ty sơ hở rồi về bàn phương án đột nhập.
Đầu tháng 10, Ban chuyên án xác định đã đủ cơ sở để phá án. Khoảng 11h 30 ngày 16-10, các trinh sát phát hiện Ban Wai Bing và Ban San Ke đang vội vàng trả phòng khách sạn, trả cả xe máy đang thuê, thu xếp hành lý, chuẩn bị trốn khỏi Đà Nẵng nên đã tổ chức bắt hai đối tượng, thu giữ đầy đủ tang vật.
Cũng như nhóm trộm do Công an Thanh Hoá bắt giữ, băng trộm này tự mang theo đồ nghề từ Trung Quốc sang Việt Nam để gây án. Để tránh bị phát hiện, chúng chọn một hang đá trên đèo Hải Vân làm sào huyệt bí mật, vừa là nơi cất giấu đồ nghề. Cứ tầm từ 0 giờ đến 3 giờ sáng, chúng chia nhiều nhóm để hành động, nhóm thì lên đèo Hải Vân lấy đồ nghề, nhóm cảnh giới, nhóm tiếp cận tường rào các công ty để đột nhập, di chuyển, đục phá két sắt.
Lấy được tiền, tài sản, cả nhóm chia ra nhiều hướng phóng xe máy tẩu thoát, sau đó trốn về Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, sau một thời gian mới quay lại Việt Nam tiếp tục gây án.
Cùng thời điểm trên Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt giữ 4 đối tượng người Trung Quốc chuyên đột nhập vào các công ty để cạy phá két sắt gồm Wei Zhong Chao, SN 1987; Huang Shi Jiang, SN 1988; Huang Ri Qiu, SN 1984 và Huang Shi Bo, SN 1983, đều ở tỉnh Quảng Tây.
Tiến hành kiểm tra phòng ở của các đối tượng, tổ công tác phát hiện, thu giữ 3 thanh kim loại dạng xà cầy, 2 đôi giày, 1 đôi bao tay màu đen đã qua sử dụng, 326.965.000 đồng, 373 USD, 60 đô la Hồng Kông, 6.400 đài tệ (tiền Đài Loan); 45.000 Kíp (tiền Lào); 20 Bạt (tiền Thái Lan) và hộ chiếu, thị thực, điện thoại. Ngoài ra, tổ công tác thu giữ 2 xe máy của các đối tượng.
Đối tượng trộm người Trung Quốc kể lại cách thức trộm. |
Cảnh giác không bao giờ thừa
Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, ban đầu khi điều tra các vụ án này, những hình ảnh được trích xuất từ camera và dấu vết để lại hiện trường của các đối tượng cho thấy, các đối tượng đều bịt mặt, sử dụng găng tay nên hầu như dấu tích để lại bằng 0. Các đối tượng thường gây án vào khoảng 2h sáng và lựa chọn các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp nằm ở ngay quốc lộ, không có bảo vệ chứ không nhắm vào nhà dân.
Các đối tượng thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc sử dụng tên giả để nhập cảnh nên rất khó phát hiện. Khi gây án xong, các đối tượng, thường giấu hoặc tiêu hủy toàn bộ công cụ, phương tiện hoặc mang về Trung Quốc để tránh bị phát hiện.
Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường tính toán thời gian trộm cắp khoảng khoảng từ 0 giờ đến 2 giờ sáng, lúc này mọi người đã ngủ, đường phố vắng vẻ, chúng bắt đầu thực hiện hành vi trộm cắp bằng cách đi theo bản đồ ứng dụng đã đánh dấu, đến vị trí công ty đã chọn, sau đó đột nhập vào bên trong cạy phá cửa phòng kế toán, hành chính, tiếp đó dùng xà cày cạy phá két sắt trộm cắp tài sản rồi tẩu thoát.
Các đối tượng khai nhận, sở dĩ chúng thể trộm cắp được vì có sự sơ hở của nhân viên bảo vệ và của chủ tài sản. Cụ thể, các nhân viên bảo vệ thường chỉ “quét” 1-2 lần lúc đầu tối, sau đó thường ngủ say vào lúc 1-2h sáng. Bên cạnh đó, phòng kế toán - nơi để két sắt - thường không được chú trọng về công tác bảo mật, an ninh nên các đối tượng mới dễ dàng phá két, trộm cắp.
Theo cơ quan CSĐT Bộ Công an thì hiện nay, trên cả nước vẫn còn một số băng nhóm tội phạm người nước ngoài có thủ đoạn trộm cắp tương tự như vậy. Công cụ, phương tiện cạy phá để các đối tượng trộm cắp tài sản cực kỳ tinh vi mà Việt Nam chưa từng xuất hiện.
Cụ thể, các tay công được chế thủ công, mỗi đoạn khoảng 20-25cm có các gen bên trong, khi cần sử dụng, chúng sẽ ghép lại với nhau thành một đoạn dài tuỳ theo không gian sử dụng; các mũi kê, cậy vô cùng sắc nhọn và có nhiều loại dày, mỏng khác nhau. Số tang vật này thường được chúng giấu tại các vị trí bí mật để mỗi lần sang Việt Nam sẽ đến lấy.
Các đối tượng thường dùng mạng xã hội nội bộ của Trung Quốc (webchat) để liên lạc với nhau và nhờ phiên dịch người Việt Nam hiện đang sống tại Trung Quốc để phiên dịch. Các đối tượng thường nhập cảnh riêng lẻ vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau sau đó mới “chập” lại để trộm cắp. Chính vì vậy, các công ty, doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần cảnh giác, gia cố hệ thống an ninh, tránh làm mồi cho các nhóm trộm trên.
Trung tá Mai Anh Tiến, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnn Thanh Hoá cho rằng, cần xây ô riêng để đựng hoặc gắn két sắt vào tường bởi đây chính mục tiêu mà các đối tượng nhắm tới. Việc cố định két sắt sẽ khiến cho việc cậy phá, lấy tài sản khó khăn hơn nhiều. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho các bảo vệ, tăng thêm số lượng bảo vệ nếu công ty có diện tích rộng, nhiều tài sản; nên lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, camera, nhất là tại các góc khuất - nơi ít người lui tới để phòng ngừa trộm cắp. |